26/02/2024 22:01 GMT+7

Chiêu trò 'ủy thác đầu tư' nâng vốn thần tốc của FLC Faros

Quá trình tăng vốn cùng loạt khoản đầu tư ủy thác bất thường thể hiện ngay trên các báo cáo của FLC Faros. Nhưng cuối cùng, 'con voi vẫn chui lọt lỗ kim' nhờ vào mối quan hệ của lãnh đạo doanh nghiệp.

Ông Trần Đắc Sinh - cựu chủ tịch HoSE - vừa bị khởi tố trong vụ án Trịnh Văn Quyết - Ảnh: HoSE

Ông Trần Đắc Sinh - cựu chủ tịch HoSE - vừa bị khởi tố trong vụ án Trịnh Văn Quyết - Ảnh: HoSE

Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

Theo đó, một loạt cựu lãnh đạo HoSE bị khởi tố vì có liên quan. Ngoài ra, một số đối tượng là cá nhân thuộc công ty kiểm toán cũng bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Sau vụ việc, sự cần thiết tìm hiểu bản chất hoạt động kinh doanh doanh nghiệp lại càng có ý nghĩa với nhà đầu tư, thay vì mua bán cổ phiếu theo tin đồn cùng những lời hứa hẹn...

Từ một công ty vốn 1,5 tỉ đồng, bỗng chốc xếp sau Vingroup?

Khi phát hành chứng khoán ra công chúng, doanh nghiệp bắt buộc phải công bố bản cáo bạch để nhà đầu tư dựa trên các căn cứ đưa ra, củng cố thêm quyết định có đầu tư.

Với một số nhà đầu tư, họ sẽ tự phân tích, đánh giá dựa trên thông tin công bố và từ nguồn khác, nhưng cũng không ít người sẽ dựa vào "bộ lọc" là cơ quan quản lý, sàn sở, đơn vị kiểm toán.

Trách nhiệm những đơn vị này là bảo vệ lợi ích chính đáng của cổ đông, hướng tới sự minh bạch. Tuy nhiên trong vụ án Faros, mọi thứ lại khác.

Trong bản cáo bạch công bố trên HoSE năm 2016, CTCP xây dựng Faros cho biết được thành lập từ năm 2011 với số vốn ban đầu 1,5 tỉ đồng, sau đến 2016 tăng lên 4.300 tỉ đồng.

Sau quá trình "tăng trưởng" thần tốc, Faros từ một công ty xây dựng nhỏ nhoi, thể hiện với nhà đầu tư quy mô vốn khủng, đứng trên một loạt công ty lớn, sau mỗi Vingroup (19.398 tỉ đồng) - một tập đoàn đa ngành.

Một điểm bất thường khó che giấu trên các báo cáo là các khoản ủy thác đầu tư. Công ty này huy động vốn góp, sau đó số tiền lại được chuyển đi theo các hợp đồng ủy thác đầu tư. Tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi, liên tục.

Tại báo cáo tài chính kiểm toán cuối năm 2014, có tới 95% tài sản nằm ở đầu tư dài hạn khác là các khoản ủy thác cho bà Nguyễn Thị Hồng Dung (360 tỉ đồng) và Lê Thị Thơm (390 tỉ đồng).

Faros đưa thông tin so sánh quy mô vốn với nhiều doanh nghiệp khác, thậm chí không cùng ngành - Ảnh cắt từ bản cáo bạch

Faros đưa thông tin so sánh quy mô vốn với nhiều doanh nghiệp khác, thậm chí không cùng ngành - Ảnh cắt từ bản cáo bạch

Còn tại báo cáo kiểm toán 2015, Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội lưu ý: "Trong năm 2015, đơn vị có ủy thác đầu tư cho một số tổ chức và cá nhân với số tiền hơn 3.332 tỉ đồng.

Một số giao dịch ủy thác đầu tư trong kỳ phát sinh bằng tiền mặt giá trị lớn. Trong kỳ, công ty có doanh thu hoạt động tài chính số tiền hơn 105,7 tỉ đồng. Số tiền này sẽ thu được khi kết thúc thời hạn của hợp đồng ủy thác đầu tư".

Còn bản cáo bạch thể hiện, đến ngày 30-6-2016, tổng số tiền công ty ủy thác đầu tư cho các cá nhân là 1.417 tỉ đồng, tổ chức là 2.149,2 tỉ đồng.

Chiếm phần lớn trong danh sách nhận đầu tư của Faros là một số công ty thuộc hệ sinh thái FLC cùng hàng loạt cá nhân, bao gồm cả những cổ đông đã góp tiền tăng vốn vào Faros.

Theo hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, "trong một số trường hợp, bản chất các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan có thể dẫn đến rủi ro có sai sót trọng yếu đối với báo cáo tài chính cao hơn so với các giao dịch với các bên không liên quan".

Ngoài ra, quy định tại điều 5.4 về hồ sơ đăng ký niêm yết của HoSE, một trong những điều kiện mà doanh nghiệp đăng ký niêm yết phải đáp ứng là "ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính phải thể hiện chấp nhận toàn bộ".

Trong trường hợp ý kiến kiểm toán là chấp nhận có ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không phải là các khoản ngoại trừ liên quan đến các khoản mục: vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đã góp và các khoản mục trọng yếu khác như: tiền mặt, hàng tồn kho, tài sản cố định, các khoản phải thu, nợ phải trả và khoản ngoại trừ do không hợp nhất công ty con…

Tuy vậy, với trường hợp của Faros, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội đã lưu ý: "Không phủ nhận ý kiến chấp nhận toàn phần nêu trên, chúng tôi chỉ muốn lưu ý người sử dụng báo cáo vấn đề sau đây: Một số giao dịch về ủy thác đầu tư trong kỳ phát sinh bằng tiền mặt với giá trị lớn".

Đã có câu trả lời rõ ràng hơn

Với những điểm bất thường thể hiện ngay trên chính báo cáo, nhiều người đã từng đặt câu hỏi vì sao FLC Faros vẫn thuận lợi hoàn tất mọi thủ tục lên sàn, sau đó "khuynh đảo" cả thị trường.

Lãnh đạo một doanh nghiệp niêm yết khẳng định với Tuổi Trẻ Online rằng HoSE là nơi giao dịch hàng trăm mã cổ phiếu, thanh khoản nhộn nhịp nhất trên cả ba sàn hiện nay.

"Để lên được sàn HoSE, các tổ chức phát hành phải vượt qua nhiều điều kiện khắt khe, chặt chẽ. Cũng chính vì vậy, các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE phần nào đã được khẳng định mức độ uy tín", vị này giải thích.

Khi vụ Faros "vỡ lở", nhiều ý kiến đã đặt ra vấn đề trách nhiệm từ cơ quan quản lý, công ty kiểm toán. Mới đây, khi bản kết luận điều tra bổ sung được công bố, sự thật "nâng đỡ" đã rõ ràng, không còn là đồn đoán.

Loạt cựu lãnh đạo HoSE gồm ông Trần Đắc Sinh, cựu chủ tịch; Lê Hải Trà, cựu tổng giám đốc, cựu ủy viên hội đồng quản trị, thành viên độc lập hội đồng niêm yết; Trầm Tuấn Vũ, nguyên phó tổng giám đốc, phó chủ tịch hội đồng niêm yết; Lê Thị Tuyết Hằng, giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên hội đồng niêm yết, đều không vô can.

Kết luận chỉ ra rằng ông Trần Đắc Sinh với vai trò là chủ tịch hội đồng quản trị HoSE biết báo cáo kiểm toán về tài chính năm 2014 và 2015 của Faros không phù hợp vì phạm vi lưu ý lớn là "không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp".

Song do có mối quan hệ với ông Trịnh Văn Quyết và Doãn Văn Phương, được Quyết và Phương nhiều lần giúp đỡ nên ông Sinh vẫn chỉ đạo ông Lê Hải Trà, Trầm Tuấn Vũ, Lê Thị Tuyết Hằng tạo điều kiện sớm niêm yết cổ phiếu của Faros.

Với ông Lê Hải Trà, kết luận điều tra cũng chỉ ra, vị này biết rõ việc "Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội đưa ra ý kiến chấp thuận toàn phần là không có cơ sở" và "chưa có căn cứ xác định số vốn thực góp"… nhưng vẫn đồng ý chấp thuận cho cổ phiếu ROS niêm yết.

Theo cơ quan điều tra, các hành vi cựu lãnh đạo HoSE dẫn đến hậu quả Trịnh Văn Quyết và đồng phạm được niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống trên sàn, lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.620 tỉ đồng của nhà đầu tư…

Cơ quan công an cũng đã điều tra làm rõ hành vi của 4 cá nhân thuộc Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội, Công ty TNHH kiểm toán ASC. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Tỉnh (SN 1964) - tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội và Lê Văn Tuấn (SN 1978) - kiểm toán viên - phải chịu trách nhiệm khi "chấp nhận toàn phần" đối với báo cáo tài chính của Faros dù chưa đủ cơ sở, bằng chứng.

Nguyên nhân vi phạm được đưa ra là do FLC và các công ty trong hệ sinh thái là khách hàng lớn, thường xuyên nên ban hành báo cáo kiểm toán trái quy định theo ý muốn của doanh nghiệp để được thanh toán tiền.
Các lãnh đạo HoSE giúp Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt 3.600 tỉ như thế nào?Các lãnh đạo HoSE giúp Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt 3.600 tỉ như thế nào?

Hai cựu lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà và 5 cán bộ chứng khoán bị khởi tố, đề nghị truy tố trong vụ án liên quan ông Trịnh Văn Quyết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên