29/08/2022 08:35 GMT+7

Vụ tăng vốn ảo của FLC Faros: Cơ quan quản lý không thể vô can!

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng việc tăng vốn quá nhanh trong thời gian ngắn của FLC Faros rõ ràng ai cũng thấy là bất thường.

Vụ tăng vốn ảo của FLC Faros: Cơ quan quản lý không thể vô can! - Ảnh 1.

Cổ phiếu "họ FLC" liên tục rớt giá sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt do thao túng chứng khoán - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Để ông Trịnh Văn Quyết thực hiện trót lọt các phi vụ "cuỗm tiền" của nhà đầu tư là có phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Hành vi chiếm đoạt tiền nhà đầu tư của ông Trịnh Văn Quyết - cựu chủ tịch Tập đoàn FLC - chỉ được chỉ rõ sau khi ông này bị khởi tố bổ sung tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì đã tăng khống vốn điều lệ của Công ty CP xây dựng FLC Faros (mã ROS).

Trong 3 năm (2014 - 2016), vốn điều lệ của công ty này từ 1,5 tỉ đồng tăng lên đến 4.300 tỉ đồng (430 triệu cổ phần). Sau đó công ty này được đưa lên sàn chứng khoán, ông Quyết đã bán số cổ phần trên để chiếm đoạt tiền nhà đầu tư, thu về hơn 6.400 tỉ đồng.

Vốn "ảo" nộp nhanh - rút vội

Vốn của FLC Faros ảo vì tiền góp vừa chuyển vào tài khoản ngân hàng đã vội rút ra qua nhiều hình thức như tạm ứng, trả trước, đầu tư, ủy thác đầu tư cho các cá nhân và tổ chức liên quan.

Trên thực tế những bất thường, "mù mờ" trong hoạt động góp vốn vào FLC Faros đã được nêu ra trong báo cáo tài chính năm 2015 - trước khi doanh nghiệp lên sàn chứng khoán.

Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội chỉ ra trong năm 2015 FLC Faros đã chi cho một số tổ chức và cá nhân số tiền hơn 3.330 tỉ đồng - nhiều hơn cả vốn chủ sở hữu và bằng 74% tổng tài sản, với hình thức ủy thác đầu tư.

Theo nhiều chuyên gia tài chính, về cơ bản đây chỉ là "tiền hơi" dùng chuyển lòng vòng, bản thân người nhận ủy thác cũng chưa chắc nhận được tiền.

Sau đó, Công ty TNHH kiểm toán ASC cũng lưu ý trong báo cáo tài chính bán niên 2016 của FLC Faros: "Đợt tăng vốn điều lệ trong quý 1-2016 do 3 cổ đông góp vốn với số tiền 462,5 tỉ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho các bên nhận ủy thác được thực hiện trong cùng ngày 8-1-2016".

Như vậy chỉ trong một ngày, FLC Faros đã liên tục chuyển tiền vào rồi lại rút ra ngay. Phía kiểm toán cũng nhấn mạnh đến ngày cuối quý 2-2016 tổng số tiền FLC Faros ủy thác đầu tư cho các cá nhân là hơn 1.410 tỉ đồng, ủy thác cho tổ chức gần 2.150 tỉ đồng.

Chỉ tính riêng số tiền mà doanh nghiệp này ủy thác đầu tư đã bằng 45% tổng tài sản, các bên nhận tiền có "dây mơ rễ má" với "họ FLC". Sau những ý kiến bất lợi do ASC đưa ra, FLC Faros đã thuê đơn vị khác kiểm toán báo cáo tài chính năm 2016.

Mặc dù là công ty xây dựng, nhưng báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy hoạt động tài chính của FLC Faros lại diễn ra khá sôi động.

Chẳng hạn, năm 2016 thu hơn 460 tỉ đồng tiền từ cổ đông góp vào thì cũng mang đi đầu tư, rút ra 436 tỉ đồng. Năm trước thu 2.800 tỉ đồng từ tăng vốn thì chi ra gần 2.700 tỉ đồng để cho vay.

Không chỉ vốn điều lệ tăng mà khối tài sản của FLC Faros cũng tăng hơn 1.400% trong vòng 12 năm qua, lên mốc hơn 12.000 tỉ đồng.

Một doanh nghiệp "tầm cỡ", nhưng đến ngày cuối cùng của năm 2021 chỉ có trong tay xấp xỉ 35 tỉ đồng tiền mặt, chỉ bằng 0,3% tổng tài sản kê khai trên sổ sách.

Từ mệnh giá 10.000 đồng khi chào sàn vào tháng 9-2016, ROS tăng một mạch lên đỉnh giá 214.000 đồng vào cuối năm 2017, góp phần giúp ông Quyết trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản lên đến 2,5 tỉ USD.

"Cổ phiếu được đội lái bơm thổi, có người lãi đậm khi sóng tăng, nhưng số người bị thua lỗ nặng khi giá lao dốc sau đó còn nhiều hơn, bù qua sớt lại "nhà cái" vẫn thắng lớn", giám đốc một công ty chứng khoán nhận định.

Vụ tăng vốn ảo của FLC Faros: Cơ quan quản lý không thể vô can! - Ảnh 2.

Ông Trịnh Văn Quyết - Ảnh: T.HUYỀN

Cơ quan quản lý không biết là quá vô lý

"ROS vừa lên sàn, dân đầu tư đã cảm thấy bất thường về dòng vốn khủng, tăng thần tốc. Kể cả người mới vào cũng tự ngầm hiểu cổ phiếu này có "đội lái". Nếu Ủy ban Chứng khoán và các cơ quan quản lý nói không biết thì thật lạ" - anh M.Hoàng, nhà đầu tư tại TP.HCM, nhận định.

Tương tự, TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn thị trường tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM - nói: "Từ 1,5 tỉ đồng nâng vốn khống của FLC Faros lên 4.300 tỉ đồng.

Sự việc kéo dài từ năm 2014 đến nay, hằng năm công ty kiểm toán đều kiểm toán báo cáo tài chính, nói không biết là điều quá vô lý. Chỉ có điều công ty kiểm toán có muốn khui ra hay không".

Theo ông Huân, hiện nay bản thân người chủ, cổ đông lớn của doanh nghiệp niêm yết lại là người đi thuê công ty kiểm toán nên có tình trạng công ty kiểm toán làm việc với tâm thế phục vụ khách hàng.

"Nếu kiểm toán quá chặt, đưa ra những bất lợi thì lần sau doanh nghiệp không thuê công ty đó kiểm toán nữa. Chính việc này đã tạo nên mâu thuẫn lợi ích. Công ty kiểm toán chỉ kiểm toán nhẹ hoặc đưa ra những nhận xét vô thưởng vô phạt để bảo vệ mình và giữ mối làm ăn với doanh nghiệp", TS Huân cho hay.

Theo ông Huân, cần có cơ chế đảm bảo tính minh bạch, trong đó đơn vị mời công ty kiểm toán không phải là cổ đông lớn của doanh nghiệp. Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Bộ Tài chính và Chính phủ cũng cần có những chế tài nghiêm khắc để các công ty kiểm toán độc lập làm việc có trách nhiệm.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, FLC Faros đã tăng vốn điều lệ gấp hơn 2.800 lần (từ 1,5 tỉ đồng vào tháng 3-2014 lên 4.300 tỉ đồng vào tháng 3-2016) trước khi niêm yết lên sàn chứng khoán nhưng cơ quan quản lý không giám sát và hậu kiểm chặt chẽ, để doanh nghiệp tăng vốn ảo.

Ông Thịnh cho rằng Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các đơn vị liên quan không thể nói "không biết gì". "Từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng là cực kỳ lớn, cán bộ quản lý nhìn vào chẳng lẽ không thấy bất thường?", TS Thịnh đặt vấn đề.

Chưa kể, cổ phiếu ROS có thời điểm tăng trần liên tục và kéo dài khiến nhà đầu tư cũng ngờ vực có "đội lái" làm giá cổ phiếu này.

Ông Thịnh cho rằng Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các cơ quan liên quan đã "buông lỏng trách nhiệm quản lý", vì "nếu kiểm tra giám sát chặt thì lập tức phát hiện ngay". Đồng thời đặt nghi vấn đằng sau sự việc nâng vốn khống và những "bơm thổi" cổ phiếu ROS và cổ phiếu "họ FLC", có hay không việc móc nối bảo kê, "đi đêm với nhau".

Dù có chung quan điểm là Ủy ban Chứng khoán nhà nước không thể vô can trong các vụ việc doanh nghiệp niêm yết bị nâng khống vốn điều lệ, thổi giá cổ phiếu nhưng nhiều lãnh đạo công ty chứng khoán không dám nói công khai vì sợ "bị trù dập".

Sợ trắng tay vì trót ôm cổ phiếu ROS

Gần tròn 6 năm niêm yết trên sàn chứng khoán, từ vị trí "ông hoàng" với giá đỉnh 214.000 đồng/cổ phiếu vào năm 2017, hiện mã ROS của Công ty CP FLC Faros đã bị rớt một mạch xuống còn 2.500 đồng (tương đương 1.400 tỉ đồng vốn hóa).

Giấc mơ làm giàu tan tành, nhiều nhà đầu tư đang lo sợ cổ phiếu này sẽ trở thành "giấy lộn", vì từ ngày 5-9 sẽ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) và vẫn không đủ điều kiện chuyển sang sàn "xoàng" hơn là UPCoM. "Lúc ông Quyết bị bắt, tôi đã có ý định cắt cổ phiếu ROS.

Nhưng sau đó có nhịp hồi, tăng lại, có phiên còn tím rịm, nhiều người trong nhóm chat hô hào giữ, rồi nói đây là cơ hội ngàn năm có một, bán nhà mua.

Tôi không mua thêm, nhưng cũng không bán, lỗ chỏng chơ hết rồi, không bán được. Thật sự quá trầm trọng", chị Phương Vy (31 tuổi, nhà đầu tư) nói và bày tỏ hối hận vì đã trót nhận tiền của bạn gửi để mua cổ phiếu.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á - cho biết vấn đề rối ren ở chỗ mặc dù FLC Faros là công ty đại chúng nhưng hiện tại không đủ điều kiện để niêm yết trên sàn UPCoM vì chưa có người đại diện pháp luật thay thế, chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, báo cáo thường niên 2021, báo cáo tài chính quý 1 và quý 2-2022 theo quy định.

Theo ông Tuấn, hiện tại nhà đầu tư chỉ có thể chờ xem diễn biến tiếp theo. Ông Tuấn cho rằng đây là bài học lớn cho những ai mua bán cổ phiếu theo tin đồn, theo "game", tin tưởng vào lời hứa hẹn của lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết.

"Muốn đầu tư thành công và tồn tại lâu dài trên thị trường chứng khoán, điều quan trọng nhất là phải trang bị kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm của chính mình. Dựa vào người khác mà không phải dựa vào chính mình thì rủi ro sớm muộn cũng đến", ông Tuấn chia sẻ.

Chuyển vốn lòng vòng trong "hệ sinh thái" FLC

Dù đã qua quý 3-2022, nhưng hiện FLC vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2-2022 (chưa kiểm toán), FLC lỗ ròng hơn 640 tỉ đồng, tức giảm hơn 3.150% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp này dùng hơn 4.000 tỉ đồng đầu tư vào Công ty TNHH thương mại và nhân lực quốc tế FLC và Bamboo Airway, đầu tư góp vốn gần 1.400 tỉ đồng cho FLC Holdings, Lotte FLC…

Bằng việc ứng tiền trước, vay ngắn - dài hạn, các khoản phải trả… từ các công ty trong "hệ sinh thái" được thành lập sau, tổng tài sản FLC hiện nay đã lên gần 36.300 tỉ đồng, tăng hơn 150 lần so với 12 năm trước. Dù vậy, tổng tiền mặt của doanh nghiệp chỉ nằm mức 299 tỉ đồng, chỉ bằng 0,8% khối tài sản.

Theo giám đốc của một công ty chứng khoán lớn, việc FLC Faros, FLC và đơn vị khác trong "hệ sinh thái" tăng vốn khủng không chỉ "bán giấy lộn lấy tiền thật", mà còn giúp doanh nghiệp chứng minh được năng lực tài chính vững mạnh, có thêm lợi thế để trúng thầu các dự án xây dựng nhà ở, khu nghỉ dưỡng… ở nhiều tỉnh thành. Có dự án, doanh nghiệp lại có cơ hội huy động vốn.

Ngăn chiêu Ngăn chiêu 'lùa gà' bằng giấy của các 'cá mập'

TTO - Lãnh đạo công ty chứng khoán, HoSE, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần nghiêm túc làm rõ trách nhiệm và cần làm đúng việc quản lý.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên