28/08/2022 10:29 GMT+7

Ngăn chiêu 'lùa gà' bằng giấy của các 'cá mập'

TS KINH TẾ ĐINH THẾ HIỂN - THÀNH CHUNG ghi
TS KINH TẾ ĐINH THẾ HIỂN - THÀNH CHUNG ghi

TTO - Lãnh đạo công ty chứng khoán, HoSE, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần nghiêm túc làm rõ trách nhiệm và cần làm đúng việc quản lý.

Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố thêm tội "lừa đảo" khi đã nâng khống vốn điều lệ FLC Faros tăng gấp 2.867 lần trước khi niêm yết cổ phiếu (từ 1,5 tỉ lên 4.300 tỉ đồng, tương ứng 430 triệu cổ phần). 

Sau khi được niêm yết với 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, ông này bán toàn bộ số cổ phiếu mang tên mình và các cá nhân thu về hơn 6.400 tỉ đồng. Đây được xem là điển hình chiêu "lùa gà" bằng giấy của "cá mập" trên thị trường chứng khoán.

ROS từng có thời gian dài "làm mưa làm gió" trên thị trường. Có thời điểm được "thổi" lên giá đắt nhất thị trường chứng khoán, vào nhóm VN30 - nhóm 30 cổ phiếu bluechip của HoSE. Việc này giúp ông Quyết trong "tích tắc" có khối tài sản hàng chục nghìn tỉ đồng. 

Thậm chí có lúc tài sản lên đến trên 50.000 tỉ, trở thành tỉ phú USD nhưng không được tạp chí Forbes công nhận. Từ năm 2018, ROS bắt đầu đà giảm không phanh, liên tiếp "nằm sàn" và hiện chỉ còn 2.500 đồng khi bị hủy niêm yết.

Thực tế, doanh nghiệp chưa niêm yết rất dễ tăng vốn. Nhóm của ông Quyết đã chọn chiêu trò tăng vốn để không phải nộp tiền vào tài khoản phong tỏa như doanh nghiệp đã lên sàn. 

Từ đó đẩy ROS - một cổ phiếu giả, dựa trên tăng vốn ảo trước khi lên sàn và gắn mác liên quan FLC - để trở thành cổ phiếu hạng sang rồi "tan nát" khiến rất nhiều nhà đầu tư "nuốt trái đắng". 

Ở đây không chỉ nhìn ở góc độ lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà cần xem tại sao một công ty lên sàn chứng khoán quốc gia, có lượng vốn góp "thần tốc" ảo 4.300 tỉ đồng nhưng vẫn tồn tại, lọt qua hàng loạt "chốt chặn".

Trên thị trường, công ty chứng khoán là "chốt chặn" đầu tiên của các công ty đại chúng trước khi niêm yết nhưng để lọt cổ phiếu ROS là rất nghiêm trọng. Khi lên sàn HoSE lại tiếp tục để lọt, giúp ROS niêm yết một cách bình thường dù vốn ảo. Người ta thường nhắc đến "cổ phiếu muốn mua hay bán chỉ cần in giấy ra". 

Nhóm của ông Quyết chính là dùng chiêu "in giấy" rồi làm cả hành trình "đẩy giá, kéo giá" HoSE không phát hiện kịp thời, để các nhà đầu tư mới bỏ tiền thật ra mua. Việc này rất nguy hiểm, gây thiệt hại tài chính, làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư, giá trị lâu dài thị trường.

Các công ty được niêm yết trên thị trường thường mở tiệc ăn mừng và nói tới ai cũng biết họ đang làm gì. Song với ROS dù được niêm yết trên thị trường HoSE nhưng họ làm các công trình gì, nộp thuế cho Nhà nước bao nhiêu lại không thấy nhắc tới. 

Tôi đã hỏi nhiều nhà đầu tư tại sao mua ROS - một công ty không có thực chứng sản xuất kinh doanh thì được trả lời do "có sóng, có lời". 

Rõ ràng không ít F0, thậm chí người lão luyện vẫn chơi theo kiểu "lướt sóng" và có máu "cờ bạc" thay vì biết công ty đó thế nào. Sự tồn tại của ROS hay một số cổ phiếu lừa đảo là nhờ các nhà đầu tư này.

Vụ án của ông Quyết dù xấu nhưng qua đó giúp nhận diện được các công ty dùng chiêu in giấy lấy tiền thật. Phải loại bỏ, xử lý nghiêm minh các công ty này. Cạnh đó dù luật pháp hoàn thiện, chặt chẽ nhưng người quản lý buông lỏng sẽ vẫn còn những hành vi lừa đảo công khai. 

Do đó, lãnh đạo công ty chứng khoán, HoSE, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần nghiêm túc làm rõ trách nhiệm và cần làm đúng việc quản lý. Các nhà đầu tư cần nâng cao kiến thức, không nên tham gia thị trường kiểu "cờ bạc" và trở thành "gà" cho người khác "lùa".

Thủ đoạn lừa đảo nâng khống vốn điều lệ gấp... 3.000 lần của Trịnh Văn Quyết Thủ đoạn lừa đảo nâng khống vốn điều lệ gấp... 3.000 lần của Trịnh Văn Quyết

TTO - Với chiêu nâng khống vốn điều lệ FLC Faros tăng gấp 3.000 lần giá trị thực, rồi bán toàn bộ số cổ phiếu mình đang nắm giữ, ông Trịnh Văn Quyết đã thu về hơn 6.400 tỉ đồng.

TS KINH TẾ ĐINH THẾ HIỂN - THÀNH CHUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên