08/09/2014 02:38 GMT+7

​Trung thu giữa rừng

HẢI THI
HẢI THI

TT - Một nhóm bạn trẻ TP.HCM đã vượt 80km đem cái Tết Trung thu đẹp như chuyện cổ tích cho trẻ em ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) nằm giữa rừng chiến khu D.

Các em nhỏ phụ tô lồng đèn cho em Phạm Chí Cảnh (thứ hai từ trái). Đây là chiếc đèn đẹp nhất của Cảnh cũng là chiếc đèn đẹp nhất đêm Trung thu giữa rừng - Ảnh: Hải Thi
Các em nhỏ phụ tô lồng đèn cho em Phạm Chí Cảnh (thứ hai từ trái). Đây là chiếc đèn đẹp nhất của Cảnh cũng là chiếc đèn đẹp nhất đêm Trung thu giữa rừng - Ảnh: Hải Thi

Mấy hôm nay khi sương sớm chưa tan, em Trần Thị Mộng (10 tuổi) đã ra khỏi nhà. Cuốc bộ gần một giờ đường rừng, em đến điểm Trường tiểu học C3 dượt lại tiết mục đêm văn nghệ Trung thu.

Các bạn khác cũng đã tới. Cả đám túm tụm trước cổng đợi “thầy cô” từ Sài Gòn về.

Đêm hội của thầy trò

Bác Phan Thế Viện, hội trưởng Hội cha mẹ học sinh Trường tiểu học C3, xúc động giãi bày: “Con nít ở đây chỉ biết vui với đất đá. Ba mẹ chúng lo cái ăn, cái học cho sắp nhỏ chưa xong, đâu lo nổi cho con một tuổi thơ đủ đầy. Nhờ thầy cô mà sắp nhỏ có được một Tết Trung thu thật sự” - bác nói thay lời mọi người.

“Thầy cô” chính là các tình nguyện viên của CLB Chuông Gió. Hơn một năm nay, cuối tuần nào các bạn cũng về đây dạy học, dạy kỹ năng sống cho các em nhỏ. Đến hè là ở lại suốt hè. Hết khóa học hè, các thầy cô thông báo sẽ cùng các em tổ chức trung thu. Cả đám nhỏ rộn ràng như vỡ chợ.

Vui là chính, hồi hộp là... mười vì các em sẽ là những “nghệ sĩ” chính “bao” cả chương trình văn nghệ.

Vậy là cả tháng trời, cứ thứ bảy các thầy cô - tình nguyện viên lại chạy xe xuống tập Chiều lên bản thượng, Chú Cuội chơi trăng, Rock vầng trăng... cho cả bầy lít nhít. Mấy nhỏ xin ba mẹ, ông bà đi tập, về nhà là bị... đánh đòn vì lúc cần sai đi chợ, quét dọn, nấu nồi cơm thì không có nhà. Nhưng bữa sau mấy đứa xin đi nữa... nhà vẫn cho!

Gia đình hiểu thầy cô làm gì cũng để tốt cho tụi nhỏ. Em Mộng thủ thỉ kể bạn bè ai cũng ghẹo em hát dở, chỉ mấy thầy cô khen hay, xếp cho em một tiết mục trong đêm văn nghệ. Việc này làm em tự tin lên nhiều lắm.

Thoắt chốc, ngày trọng đại cũng đến. Từ sáng đến trưa, tiếng ca hát tập văn nghệ vang vọng. Ngoài sân, không khí chuẩn bị cho đêm Trung thu càng tất bật. Các cô làm chong chóng, quạt, bươm bướm giấy trang trí sân khấu; các thầy vào rừng nhặt củi nấu cơm, chặt lồ ô làm lồng đèn.

Mót những đoạn lồ ô thầy cô không dùng đến, em Phạm Chí Cảnh (11 tuổi) thoăn thoắt làm cho mình một ông sao be bé. Em kéo áo cô này nhờ vót, khều thầy nọ nhờ cắt kẽm, bận túi bụi nhưng ai cũng dành thời gian phụ Cảnh.

Dùng bao nilông thay giấy bóng kính, chiếc đèn sơ sài vừa thành hình được cả đám nhỏ xuýt xoa khen đẹp, chụm đầu giúp Cảnh tô mỗi cánh sao một màu rồi cùng phùng má thổi cho chóng khô. Hãnh diện xách chiếc đèn sặc sỡ màu chảy lem nhem tung tẩy khắp sân, Cảnh nói đó là chiếc đèn đẹp nhất em có.

Những chiếc trước đây em làm chỉ có khung chứ không có giấy, không có màu, cũng không có nhiều người giúp em như vậy.

Trời về chiều, khi ngôi trường nhỏ dần chìm vào bóng tối cũng là lúc xe chở máy phát điện, các thiết bị âm thanh, ánh sáng vừa xuống tới. Tiếng máy phát nổ ầm ầm, sân khấu đơn sơ sáng lên lờ mờ giữa khung cảnh u tịch của rừng.

Cách đó một cây số, cậu bé đưa đò đạp xuồng khắp khu nhà bè trên hồ Trị An kêu các em nhỏ đi coi chương trình Trung thu và nhận quà bánh. Khu nhà bè lục tục xôn xao.

Niềm vui long lanh

Đêm mưa. Tấm bạt che không đủ cho hơn 300 em nhỏ cùng phụ huynh từ khắp khu C3, Suối Tượng của ấp 4 kéo về. Những chiếc áo mưa được các tình nguyện viên bung ra, dầm mưa đứng che cho các em và phụ huynh khỏi ướt. Không ai bỏ về.

Trên sân khấu, các bạn nhỏ được đánh phấn, thoa son xinh xắn, trang phục lấp lánh ca hát hồn nhiên. Trời mưa dầm không trăng mà ánh trăng tỏa sáng từ lời hát các em như sưởi ấm lòng người.

Những tiếng reo “Cháu nội tui đó!”, “Con Út kìa!” nối nhau vang lên át tiếng nước xối ầm ầm. Đôi mắt ươn ướt không rời sân khấu, dì Xua (55 tuổi) tủm tỉm trỏ tay khoe có hai đứa cháu trong đội múa.

“Bữa nay nhìn hai con nhỏ không ra, điệu quá trời quá đất, mà đẹp, múa cũng giỏi nữa!” - dì hồ hởi nói.

Bên ngoài, những người mẹ, người cha khác mặc áo mưa, đội nón bảo hiểm đứng xem chăm chú. Ai cũng quen nhìn con mình đen đúa, tóc tai bù xù, vất vả phụ mẹ cha việc nhà cửa, mưu sinh. Hôm nay trên sân khấu hồn nhiên hát múa, các em như tạm cất cái nghèo trong cánh gà, thật sự là những ngôi sao lấp lánh một đêm.

Đêm văn nghệ Trung thu có một cô gái là tâm điểm của đám trẻ. Không mặc đồ chị Hằng, không tấm áo mưa hay chiếc dù che đầu, bạn ướt sũng đứng dưới cơn mưa rừng “nhắc tuồng” cho đám nhỏ trên sân khấu.

Miệng mấp máy nhắc lời, tay ấp vào xòe ra nhắc động tác, cô bạn xinh xắn Phương Thảo (20 tuổi, ĐH Công nghệ thực phẩm) là “bầu sô” chính cho cả dàn ca sĩ, diễn viên múa nhí.

Thảo tâm sự: “Các em thiếu thốn nhiều bề nhưng đều có tâm hồn nhạy cảm, giàu tình yêu thương và muốn sống vươn lên. Tụi nhỏ như vậy không thương sao được” - cô bạn giải thích cho hơn một năm ròng không mệt mỏi hằng tuần vượt đường xa về với các em, cũng như dồn sức chuẩn bị thật tốt đêm Trung thu cho các em một kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ.

Đêm Trung thu kết thúc, các em chơi vui xong đều được xách quà bánh, lồng đèn ra về. Cơn mưa rừng không ngơi, những chiếc đèn thắp lên lại tắt mất nhưng niềm vui không tắt trong những đôi mắt trẻ nhỏ long lanh.

HẢI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên