Các chi nhánh của Trung tâm ngoại ngữ Sài Gòn Vina hiện đang đóng cửa do dịch COVID-19 - Ảnh: M.G.
Tuổi Trẻ ngày 17-6 đã có bài phản ánh Trung tâm ngoại ngữ Sài Gòn Vina nợ lương giáo viên gần 2 năm.
Theo ông Hùng, trước năm 2019, trung tâm không xảy ra tình trạng nợ lương giáo viên. Tuy nhiên, từ khi dịch bùng phát, nguồn thu giảm đến 80% khiến việc cân đối thu chi gặp rất nhiều khó khăn.
Không quỵt lương giáo viên
Ông Hùng cho biết: "Đúng là chúng tôi đã thu học phí của người học rồi mới mời giáo viên. Nhưng học phí này được đưa vào quỹ và được chia cho nhiều khoản chi, như lương nhân viên, giáo viên, thuê mặt bằng, trích hoàn phí học viên… Trong đó, khoản tiền thuê nhà chiếm đến 40% doanh thu.
Nguồn thu giảm mạnh khiến tài chính công ty gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng nợ lương giáo viên. Từ khi có dịch đến nay, cổ đông và nhân viên công ty không nhận lương. Những khoản nhỏ thu được đều dùng trả một phần lương cho giáo viên. Tuy nhiên hiện nay tạm thời chưa thể trả thêm được.
Nói về giải pháp trả dứt điểm lương còn nợ cho giáo viên, ông Hùng cho biết hai năm qua, các nhà đầu tư đã thanh lý, bán tài sản để giữ công ty không bị phá sản, duy trì hoạt động để có nguồn thu hoàn thành nghĩa vụ với giáo viên và học viên. Khi có nguồn thu, trung tâm đã cân đối trả dần lương cho giáo viên. Nếu công ty phá sản, rất khó để hoàn thành nghĩa vụ với giáo viên và người học.
Công ty cũng đã 2 lần gửi đơn lên UBND TP.HCM và Quỹ giải cứu doanh nghiệp xin hỗ trợ. Công ty sẽ tiếp tục gửi đơn xin hỗ trợ để vượt qua khó khăn. Hiện các khóa học chuyển sang hình thức trực tuyến. Nguồn thu không nhiều nhưng cũng sẽ giúp thanh toán một phần lương cho giáo viên. Giải pháp cuối cùng mà công ty thực hiện là vay nợ để duy trì hoạt động công ty, ưu tiên cho việc trả nợ lương giáo viên.
"Lương giáo viên vẫn còn đó, không mất đi đâu. Nếu muốn quỵt lương, chúng tôi sẽ không gom góp từng khoản nhỏ để trả dần như đã làm trong hai năm qua. Đây là trường hợp dịch bệnh bất khả kháng, ngoài dự tính của công ty. Ngoài việc vay nợ để trả lương, chúng tôi hy vọng dịch sớm kết thúc để trung tâm hoạt động trở lại, có nguồn thu sớm trả hết lương cho giáo viên" - ông Hùng nói.
Luật sư nói gì?
Theo luật sư Lê Bá Thường - giám đốc Công ty luật Dân Luật Tín Thành, căn cứ quy định tại khoản 4 điều 97 Bộ luật lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021), công ty hay tổ chức sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động đúng kỳ hạn theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp công ty chậm trả lương cho người lao động từ 15 ngày trở lên, hoặc trong trường hợp bất khả kháng là trễ nhất 30 ngày, thì phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi kỳ hạn 1 tháng của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi của ngân hàng.
Khi đơn vị sử dụng lao động nợ lương không trả, người lao động cần làm đơn khiếu nại lần đầu đến lãnh đạo của đơn vị sử dụng lao động để yêu cầu trả lương. Vì hợp đồng lao động là sự thỏa thuận của các bên, do đó, mọi vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động đều có thể giải quyết bằng thỏa thuận.
Nếu đơn vị sử dụng lao động không giải quyết, người lao động gửi đơn khiếu nại tới Sở Lao động - thương binh và xã hội sẽ được tiếp nhận sau khi đã khiếu nại lần đầu tới người sử dụng lao động mà không được giải quyết, hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết của đơn vị sử dụng lao động.
"Theo khoản 1 điều 190 Bộ luật lao động năm 2019, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết là 6 tháng kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Thời hạn giải quyết: 5 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp từ người lao động (điều 188 Bộ luật lao động năm 2019).
Nếu kết quả hòa giải không thành, người lao động có quyền khởi kiện ra tòa án, thủ tục hòa giải là bắt buộc trước khi khởi kiện" - luật sư Lê Bá Thường nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận