20/06/2021 07:11 GMT+7

Trung Quốc tăng sức ép quân sự lên Đài Loan, Mỹ sẽ làm gì?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Sau chiến đấu cơ, đến lượt tàu chiến Trung Quốc cũng áp sát đảo Đài Loan. Dư luận lo ngại quan hệ giữa hai bờ eo biển tiếp tục xấu hơn nữa và đặt câu hỏi Mỹ sẽ làm gì trong tình huống xấu nhất.

Trung Quốc tăng sức ép quân sự lên Đài Loan, Mỹ sẽ làm gì?  - Ảnh 1.

Chiến đấu cơ do Đài Loan tự sản xuất và các loại vũ khí đi kèm được trưng bày tại một căn cứ quân sự trên quần đảo Bành Hồ tháng 9-2020 - Ảnh: AFP

Hãng thông tấn trung ương Đài Loan (CNA) ngày 19-6 dẫn nguồn tin quân sự cho biết Cơ quan phòng vệ Đài Loan đã phát hiện 3 tàu chiến Trung Quốc xuất hiện gần vùng lãnh thổ này hôm 18-6. Nhóm tàu gồm 2 tàu khu trục và khinh hạm, một tàu tiếp dầu di chuyển cách Lục Đảo (một hòn đảo nằm phía đông Đài Loan) khoảng 80 hải lý.

Liên tiếp "nắn gân"

Liên tục trong tuần qua là các động thái thể hiện sức mạnh quân sự từ cả Đài Loan lẫn đại lục. Hôm 15-6, Trung Quốc đưa hàng chục máy bay ném bom tiến sát bờ biển phía đông Đài Loan - nơi tập trung các căn cứ quân sự có thể đóng vai trò sống còn nếu Đài Bắc bị tấn công.

Ngày 17-6, Đài Loan tuyên bố đã ký 2 hợp đồng mua "hệ thống hỏa lực tầm xa" và "tên lửa" từ Mỹ nhằm tăng cường năng lực phòng thủ trước Trung Quốc. Ngay trong chiều cùng ngày 17-6, Trung Quốc đưa 7 máy bay quân sự tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan ở phía tây nam.

Ngày 19-6, CNA dẫn nguồn tin riêng tiết lộ nhóm 3 tàu chiến Trung Quốc áp sát Đài Loan vào khoảng 2h sáng 18-6 và chỉ rời khỏi tầm quét rađa của Đài Loan vào khoảng 18h cùng ngày.

Hiện chưa rõ mục đích xuất hiện của các tàu Trung Quốc. Theo nhà bình luận quân sự Wang Jyh-perng của Đài Loan, đây chỉ là hải trình bình thường. Tuy nhiên, sự việc gây chú ý với truyền thông và được xem như động thái "nắn gân" của Trung Quốc sau một loạt hành động gây sức ép gần đây.

Số vụ "xâm nhập" của máy bay Trung Quốc đã diễn ra thường xuyên đến nỗi Cơ quan phòng vệ Đài Loan phải lập mục riêng trên trang web chỉ để cập nhật theo thời gian thực các vụ việc này.

Thống kê cho thấy kể từ tháng 9 năm ngoái, máy bay quân sự Trung Quốc "xâm nhập" ADIZ của Đài Loan trung bình 20 ngày/tháng. Số lượt và số lượng máy bay tham gia "xâm nhập" cũng tăng đều đặn, với đỉnh điểm hiện tại là 44 lượt tính riêng trong tháng 4-2021.

Tạp chí Financial Times hôm 18-6 dẫn "một nguồn tin cấp cao trong Chính phủ Mỹ" tiết lộ Mỹ đang có những lo lắng cho tương lai Đài Loan. Theo vị này, đã có những suy đoán ở Washington về việc ông Tập Cận Bình sẽ xem việc thu hồi Đài Loan là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ 3 của ông (dự kiến sẽ bắt đầu sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc đại hội lần thứ 20 vào năm 2022).

Mỹ có thể làm gì?

Mỹ không thiết lập quan hệ chính thức với Đài Loan. Mỹ công nhận chính sách "Một Trung Quốc" nhưng vẫn đều đặn bán vũ khí cho Đài Bắc theo Đạo luật quan hệ Đài Loan năm 1979.

Washington cũng phản đối các hành động gây sức ép của Bắc Kinh cả bằng lời nói lẫn hành động. Nguồn tin của tạp chí Forbes cho biết trong vụ "xâm nhập" của Không quân Trung Quốc ngày 15-6, Mỹ đã điều "không ít hơn" 4 máy bay quân sự để theo dõi.

"Đó là một lời nhắc nhở của Washington rằng Mỹ vẫn sẽ bảo vệ Đài Loan trước Trung Quốc", Forbes bình luận.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chắc chắn sẽ không đưa ra một cam kết rõ ràng như nhận xét của Forbes. Một vài dấu hiệu cho thấy Washington đang chọn cách tiếp cận thận trọng hơn trong vấn đề Đài Loan.

Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, ngày 17-6 khẳng định Trung Quốc chưa đủ năng lực quân sự và động lực để thu hồi Đài Loan bằng vũ lực. "Khả năng Bắc Kinh thu hồi Đài Loan trong tương lai gần là rất thấp" - tướng Milley nêu quan điểm.

Nhận xét của ông Milley có thể phản ánh quan điểm chủ đạo hiện nay của Nhà Trắng về vấn đề Đài Loan. Washington cần tiếp tục duy trì "sự mơ hồ chiến lược" như một cách để răn đe các hành động quân sự của Bắc Kinh. Và Mỹ nên tập trung vào việc giúp Đài Loan có đủ năng lực tự bảo vệ mình trước Trung Quốc.

Tại một cuộc điều trần ngày 16-6, ông Ely Ratner - người được đề cử làm trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ đặc trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - cho rằng Trung Quốc sẽ không thể đánh chiếm Đài Loan trong vòng 6 năm như đô đốc Philip Davidson đã cảnh báo hồi tháng 3-2021.

Vị này lập luận Mỹ nên tiếp tục duy trì hợp tác quốc phòng với Đài Loan theo cách "tương xứng mối đe dọa từ Trung Quốc". Song ông cũng từ chối trả lời khi được hỏi liệu có nên sử dụng vũ lực để ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng biện pháp quân sự hay không.

Nguồn tin của CNA tiết lộ hợp đồng vũ khí Đài Loan vừa ký với Mỹ là hệ thống rốckét cơ động cao (HIMARS) và hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Harpoon. Tổng giá trị các hợp đồng này rơi vào khoảng 2,8 tỉ USD, với thời gian hoàn tất bàn giao và triển khai vào năm 2027 - 2028.

Chỉ sau 2 ngày, Trung Quốc tiếp tục điều máy bay vào ADIZ Đài Loan? Chỉ sau 2 ngày, Trung Quốc tiếp tục điều máy bay vào ADIZ Đài Loan?

TTO - Theo báo South China Morning Post ngày 18-6, 7 chiến đấu cơ của Trung Quốc đã bay qua vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Đài Loan tuyên bố vào ngày 17-6.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên