Trung Quốc muốn tránh né việc nói về các đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN Ảnh: CSIS |
Theo Reuters, phát biểu tại Kuala Lumpur ông Lưu đưa ra quan điểm kỳ quặc rằng AMM48 “nên tránh các vấn đề nhạy cảm”. “Không nên thảo luận vấn đề đó. Đây không phải là diễn đàn phù hợp. Đây là diễn đàn thúc đẩy hợp tác. Nếu Mỹ nêu ra vấn đề này chúng tôi sẽ phản đối. Chúng tôi hi vọng họ sẽ không làm như thế”.
Trước đó, các quan chức Mỹ khẳng định biển Đông sẽ là “vấn đề trọng tâm” ở AMM48 tại Kuala Lumpur. “ASEAN, cũng giống như chúng tôi, rất lo ngại về quy mô, tốc độ và ý đồ của hoạt động bồi đắp mà Trung Quốc đang thực hiện” - một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Quan chức này khẳng định AMM48 là cơ hội để ASEAN và các nước “bày tỏ trực tiếp mối lo ngại với Trung Quốc”. Các nguồn tin ở Kuala Lumpur cho biết tại AMM48, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ kêu gọi Trung Quốc lập tức dừng hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông.
Lại đổ lỗi
Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman tuyên bố đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) đã có những bước tiến quan trọng. Thứ trưởng Lưu cũng cho rằng đàm phán về COC “đã bước sang giai đoạn mới”.
Tuy nhiên Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cho rằng Trung Quốc luôn tìm cách cản trở COC. Các nhà phân tích quốc tế cũng nhận định Trung Quốc hoàn toàn không có ý định lập COC với ASEAN để thực hiện ý đồ độc chiếm biển Đông.
“Trung Quốc sẽ không ký COC, mà nếu có ký thì cũng sẽ không tôn trọng COC. Bởi việc thực thi COC sẽ ngăn chặn Trung Quốc làm những điều họ muốn” - chuyên gia Donald Emmerson thuộc ĐH Stanford dự báo.
Trong khi cố tình gây căng thẳng trên biển Đông, Trung Quốc lại liên tục đổ lỗi cho Mỹ và các nước khu vực. Tuần trước Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc Mỹ “quân sự hóa” biển Đông. Tại Kuala Lumpur Thứ trưởng Lưu nhắc lại cáo buộc này. “Một số nước bên ngoài đang quân sự hóa khu vực” - ông Lưu lớn tiếng.
Một bước tiến cụ thể trong quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc là hai bên đồng ý lập đường dây nóng để xử lý các tình huống khẩn cấp trên biển Đông. Ông Lưu mô tả đây là “cơ chế hữu hiệu”, nhưng hiện tại đôi bên chưa có hướng dẫn cụ thể về việc lập đường dây nóng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận