* Nhiều hãng công nghệ Mỹ "gặp hạn" tại Trung Quốc
Trung Quốc chặn ứng dụng nước ngoài để “chống khủng bố”
Cửa hàng Apple Store tại Trung Quốc - Ảnh: ExtremeTech |
Theo nguồn tin của Bloomberg, danh sách sản phẩm Apple bị loại khỏi danh sách mua sắm cho chính phủ trong tháng 7 gồm các dòng máy tính bảng iPad, iPad Mini, máy tính xách tay MacBook Air và MacBook Pro. Đây là nhóm sản phẩm Apple đang gặt hái được thành công tại Trung Quốc.
Theo báo cáo doanh thu quý vừa qua của Apple, thị trường Trung Quốc góp 16% vào 37,4 tỉ USD doanh thu của công ty. Trong đó, doanh số iPad và Mac tăng mạnh, lần lượt 51% và 39%.
Quy định này áp dụng cho tất cả các cơ quan trung ương chính phủ và chính quyền địa phương Trung Quốc. Lần xem xét danh sách mua sắm công cho sản phẩm công nghệ kế tiếp rơi vào tháng giêng.
"Khi chính phủ ngừng mua các sản phẩm, nó tương tự như một lời nhắn đến các tập đoàn và các công ty quốc doanh - nhận định từ chuyên viên phân tích Mark Po từ UOB kay Hian Ltd tại Hong Kong chia sẻ với Bloomberg. Chính phủ muốn đảm bảo rằng các công ty nước ngoài không nên có quá nhiều ảnh hưởng tại Trung Quốc". |
Trong tháng 7, kênh truyền hình Trung Quốc CCTV dẫn lời chuyên gia cáo buộc iPhone là "nguy cơ an ninh quốc gia" vì chức năng theo dõi vị trí người dùng trong điện thoại này có thể bị khai thác "truy cập đến những bí mật quốc gia".
Apple ngay lập tức bác bỏ cáo buộc này, cho biết không theo dõi khách hàng, cho biết chức năng này nhằm xác định vị trí cụ thể của khách hàng để cung cấp các dịch vụ cá nhân cho họ.
Theo đó, Apple là công ty công nghệ Mỹ mới nhất gia nhập vào danh sách sản phẩm bị loại khỏi mua sắm công từ Bắc Kinh, một động thái phản ứng trước tình hình căng thẳng leo thang do những cáo buộc về tấn công mạng và gián điệp mạng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thời gian gần đây.
Ngày 5-8, cơ quan chịu trách nhiệm mua sắm các sản phẩm công cho Chính phủ Trung Quốc xem xét không mua phần mềm diệt virút (antivirus) từ Symantec (Mỹ) và Kaspersky Lab (Nga).
Đồng cảnh ngộ, hệ điều hành Windows 8 cũng bị loại khỏi danh sách mua dùng cho các máy tính Chính phủ Trung Quốc nhằm "đảm bảo an ninh cho máy tính công", và Microsoft "ngạc nhiên" về điều này.
Microsoft, Qualcomm bị cáo buộc độc quyền
Nhiều văn phòng của Microsoft tại Trung Quốc mới đây đã đồng loạt bị giới chức nước này tiến hành khám xét, với cáo buộc tội danh độc quyền thị trường (monopoly).
Văn phòng Microsoft tại Trung Quốc - Ảnh: Softpedia |
Vừa qua, nhà chức trách Trung Quốc đã đồng loạt vây ráp và khám xét hàng loạt văn phòng của Microsoft trên khắp nước này gồm Bắc Kinh, Liêu Ninh, Phúc Kiến và Hồ Bắc, chưa kể một văn phòng thuộc công ty tư vấn công nghệ Accenture - một đối tác thân cận được Microsoft thuê gia công mảng tài chính tại thị trường Trung Quốc.
Tổng cục Quản lý hành chính công thương quốc gia Trung Quốc (SAIC) cho biết họ đang điều tra Microsoft vì những cáo buộc liên quan độc quyền thị trường nhằm vào công ty này.
Theo Reuters, Microsoft đã "bị nghi ngờ vi phạm bộ luật chống độc quyền" của Trung Quốc từ hồi tháng sáu năm ngoái xung quanh tính pháp lý của bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office cùng hệ điều hành Windows do công ty này sản xuất.
Trước Microsoft, hãng chế tạo chip xử lý Qualcomm (Mỹ) và Hãng xe Daimler AG (Đức), chủ sở hữu thương hiệu xe sang Mercedes, đều gặp phải trở ngại tương tự tại Trung Quốc.
Hàng loạt rào cản, rà soát nghiêm ngặt được Chính phủ Trung Quốc thực hiện đối với các công ty nước ngoài đến sau vụ tiết lộ bởi "người thổi còi" Edward Snowden về một chương trình gián điệp của Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA).
Căng thẳng leo thang khi Công tố viện Hoa Kỳ truy tố năm sĩ quan quân đội Trung Quốc với cáo buộc đánh cắp bí mật kinh doanh, và những cáo buộc gián điệp mạng đối với sản phẩm từ hai công ty công nghệ lớn của Trung Quốc gồm Huawei và ZTE.
Giới chuyên gia nhận định động thái này sẽ gia tăng thêm căng thẳng giữa mối quan hệ Trung-Mỹ.
TỔNG HỢP TỪ BLOOMBERG, REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận