28/10/2014 08:44 GMT+7

Trung Quốc phản đối bầu cử tự do ở Hong Kong từ 1950

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Các tài liệu do chính phủ Anh mới công bố cho thấy Trung Quốc đã phản đối việc tổ chức bầu cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu ở Hong Kong từ thập niên 1950.

Người biểu tình Hong Kong vẫn phong tỏa nhiều con đường trong thành phố - Ảnh: Reuters

Khi các cuộc biểu tình đòi bầu cử tự do nổ ra ở Hong Kong, luận điệu chung của báo chí Trung Quốc là tại sao khi Hong Kong còn nằm dưới quyền quản lý của Anh, người dân địa phương không đòi bầu cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.

“Trong 150 năm, đất nước tự nhận mình là hình mẫu của dân chủ đã không cho người dân Hong Kong một ngày dân chủ nào - Nhân Dân nhật báo của Trung Quốc khẳng định - Mãi trong 15 năm kể từ sau cuộc chuyển giao 1997, chính quyền thực dân Anh mới tiết lộ ý định bí mật nhằm đưa Hong Kong đi theo con đường dân chủ”.

Tuy nhiên theo báo New York Times, tài liệu mà Anh vừa công bố từ thư viện quốc gia theo đề nghị của hai tờ báo Hong Kong cho thấy các lãnh đạo Hong Kong từ thập niên 1950 đã nhiều lần tìm cách tổ chức bầu cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.

Nhưng chính quyền Trung Quốc phản đối dữ dội ý định này. Thậm chí Bắc Kinh còn đe dọa dùng vũ lực giành lại Hong Kong nếu London tìm cách tổ chức bầu cử tự do tại đây.

“Chúng tôi sẽ không e ngại việc hành động để giải phóng Hong Kong” - ông Liao Chengzhi, quan chức Trung Quốc phụ trách vấn đề Hong Kong, tuyên bố năm 1960.

Một tài liệu khác cho thấy lãnh đạo Trung Quốc khẳng định với các quan chức Anh rằng bất cứ ý định tổ chức bầu cử tự do nào ở Hong Kong đều bị xem là “hành vi vô cùng thiếu thân thiện” và là “âm mưu đáng lo ngại”.

Các tài liệu khẳng định trước áp lực của chính quyền Bắc Kinh, Anh đã buộc phải từ bỏ kế hoạch tổ chức bầu cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu ở Hong Kong.

Đầu thập niên 1990, thống đốc thuộc địa cuối cùng của Hong Kong là Chris Patten đã trao cho người dân thành phố quyền bầu chọn 30 trong tổng số 60 thành viên hội đồng lập pháp Hong Kong.

Khi đó Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội. Ông Lu Ping, quan chức phụ trác các vấn đề Hong Kong lúc đó, mô tả ông Patten là “kẻ phải bị lên án trong suốt lịch sử Hong Kong”. Phản ứng lại, ông Patten tuyên bố người dân Hong Kong xứng đáng giữ một vai trò trong hoạt động quản trị công.

Một tài liệu cho biết trong cuộc đối thoại năm 1982 với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã phản đối dữ dội việc bầu cử ở Hong Kong. Ông Đặng yêu cầu Anh không được phép đưa ra các thay đổi ở Hong Kong.

Ông Đặng cảnh báo: “Nếu có biến động trong 15 năm tới, chính quyền Trung Quốc sẽ buộc phải xem xét lại thời điểm và mô hình thực hiện cuộc chuyển giao”.

Nhiều người biểu tình ở Hong Kong khẳng định trên thực tế, những gì xảy ra trước năm 1997 không phải là vấn đề quan trọng. Điều họ muốn hiện tại là được tự chọn đặc khu trưởng như những gì Bắc Kinh cam kết trước đây.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên