Các thiết bị giám sát của Trung Quốc nằm cách không xa căn cứ hải quân Kitsap của Mỹ - Đồ họa: SCMP
Các nhà khoa học Trung Quốc, với sự hỗ trợ của Canada, mới đây đã âm thầm lắp đặt thành công 4 thiết bị giám sát nằm trong vùng biển cách bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ chỉ 300km, theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong hôm nay (22-10).
Các thiết bị này sử dụng cảm biến công nghệ cao để giám sát môi trường dưới biển. Chúng được kết nối với Mạng lưới đại dương Canada (ONC), một hệ thống đài quan sát biển trải dài từ đông bắc Thái Bình Dương đến vùng Bắc Cực.
Dù ONC được vận hành bởi Đại học Victoria thuộc tỉnh British Columbia (Canada), 4 thiết bị giám sát trên lại được phát triển và nằm dưới sự quản lý của Viện khoa học và công nghệ biển sâu Tam Á, thuộc Học viện khoa học Trung Quốc (CAS).
Các thiết bị này đã được lắp đặt thành công tại eo biển Juan de Fuca vào ngày 27-6 bởi một tàu ngầm điều khiển từ xa thuộc lực lượng tuần duyên Canada.
Với việc được đưa vào hoạt động hết công suất hiện tại, các thiết bị trên hiện có khả năng cung cấp các dữ liệu theo thời gian thực về môi trường biển khu vực cho các trung tâm kiểm soát của Viện khoa học và công nghệ biển sâu Tam Á.
Khi được hỏi về thông tin trên, ONC xác nhận đã lắp các thiết bị của Trung Quốc trong hệ thống của họ. Tuy nhiên, ONC từ chối cung cấp thông tin về các hệ thống trên cũng như cách những hệ thống này được sử dụng.
Phía Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington hiện "không bình luận gì" về thông tin trên.
Căn cứ Kitsap có khả năng tiếp nhận các tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz - Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Theo báo SCMP, các thông tin được thu thập bởi 4 thiết bị trên sẽ giúp các nhà khoa học Trung Quốc hiểu sâu hơn về môi trường của vùng biển chiến lược nằm gần Mỹ. Đồng thời, họ sẽ có được một cái nhìn cận cảnh về hoạt động của một trong những hệ thống đài quan sát lớn và hiện đại nhất thế giới.
Hiện không có bằng chứng cho thấy có sự tham gia của quân đội Trung Quốc vào dự án này, cũng như khả năng các thiết bị trên được dùng để theo dõi tàu ngầm cùng các loại tàu khác trong khu vực.
Tuy nhiên, có một thực tế là các dữ liệu về môi trường biển có giá trị đối với cả các nhà nghiên cứu dân sự và phi dân sự.
Một vài trang nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc cho rằng việc lắp đặt các hệ thống trên là động thái cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống giám sát trong khu vực.
Eo biển Juan de Fuca là một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Băng qua eo biển về phía nam, cách không xa thành phố Seattle (Mỹ) là căn cứ hải quân Kitsap - một trong hai cơ sở vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ.
Căn cứ Kitsap sở hữu một nhà chứa tàu ngầm hạt nhân và là nơi chứa vũng đậu tàu khô duy nhất ở bờ tây nước Mỹ có khả năng tiếp nhận một tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz.
Theo ông Chen Hong Qiao - nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Canada thuộc Đại học nghiên cứu quốc tế Quảng Đông, dù các thiết bị trên được sử dụng cho mục đích gì đi nữa, việc lắp đặt chúng sát sườn nước Mỹ là một vấn đề nhạy cảm.
"Mạng lưới giám sát tại các vùng biển sâu cực kỳ nhạy cảm và liên quan mật thiết tới an ninh quốc gia. Nhiều nước không cho phép quốc gia thứ ba can dự vào hoạt động như vậy, nếu không sự tin tưởng ở mức độ giữa các bên" - ông Chen nhấn mạnh.
Theo thông tin của Cục quản lý đại dương nhà nước Trung Quốc (CSOA), năm 2013 Trung Quốc và Canada từng ký một bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giám sát biển. Tuy nhiên, một vài dự án chỉ mới được khởi động gần đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận