Người dân về quê đón tết năm 2020 - Ảnh: people.cn
Người dân nước này đã bắt đầu săn vé tàu được rao bán từ 30-12 năm ngoái. "Xuân vận" năm nay ở Trung Quốc có gì khác trong bối cảnh nước này ghi nhận rải rác ca nhiễm cộng đồng và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khắp thế giới?
Chính quyền thận trọng
Giống như người Việt, về quê ăn tết là truyền thống của người dân Trung Quốc. Năm nay là cái tết đầu tiên sau đại dịch, rất nhiều người đều mong chờ và chuẩn bị chu đáo cho chuyến về nhà, nhưng nhiều địa phương nước này đều khuyến cáo đừng về khi tình hình dịch bệnh chưa ổn định.
Ngay từ cuối năm 2020, chính quyền Bắc Kinh đã ra thông báo khuyến cáo người dân không nên rời khỏi thành phố nếu không có việc cần thiết; cán bộ nhân viên cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đi đầu thực hiện đón tết ở Bắc Kinh.
Chính quyền cũng khuyến khích các công ty, nhà máy ở Bắc Kinh áp dụng chế độ nghỉ tết linh hoạt, hướng dẫn công nhân về quê tránh đợt cao điểm "xuân vận", khuyến nghị đón tết tại địa phương và tổ chức cho học sinh, lao động nông thôn về quê trật tự.
Huyện Lâm Tuyền thuộc tỉnh An Huy, nơi có nhiều người dân làm việc ở thành phố, ngày 3-1 vừa qua đã gửi thư cho những người con xa quê, trong đó có đoạn: "Kiên quyết không về quê khi không thật sự cần thiết. Kiến nghị thông báo cho người nhà làm việc xa quê ở lại thành phố đón tết, có thể chúc tết qua WeChat, điện thoại...".
Trước đó, Thâm Quyến cũng đã ra thông báo công chức, đơn vị sự nghiệp, nhân viên doanh nghiệp nhà nước phải xin phép khi rời khỏi đặc khu, các công ty khác cố gắng bố trí về quê tránh đợt cao điểm, khuyến khích đón tết ở đặc khu. Tổng liên đoàn Lao động tỉnh Phước Kiến cũng ra thông báo sẽ tổ chức tết cho người lao động ở lại, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức du lịch cho công nhân ở lại.
Ngoài ra, nhiều tỉnh thành khác như Thượng Hải, Vũ Hán, Hà Bắc, Hồ Bắc đều có hành động tương tự. Hiện các địa phương chủ yếu là khuyến cáo, khuyến khích ở lại đón tết chứ chưa cấm về quê.
Ngày 6-1, Hãng tin Tân Hoa xã có bài xã luận tiêu đề "Cho dù về quê hay không, phòng chống dịch cũng phải có tình người". Bài viết khuyến khích các công ty tổ chức xe đưa đón công nhân về quê và quay lại thành phố như đợt sau dịch để tránh lây nhiễm và bảo đảm an toàn cho công nhân.
Theo thống kê đến 5-1, hiện Trung Quốc có 1 khu vực rủi ro cao ở Hà Bắc, có 48 khu vực rủi ro trung bình. Trong đó, Bắc Kinh có 7 khu vực, Hà Bắc 3 khu vực, với điểm nóng là thành phố Thạch Gia Trang với hàng chục ca nhiễm lây trong cộng đồng.
Người về quê, kẻ ở lại
Khi có chuyên gia cho rằng nên hủy hành trình "xuân vận", tất cả mọi người nên ăn tết tại nơi sinh sống làm việc, nhiều cư dân mạng phản đối với lý lẽ rằng lễ Quốc khánh vừa qua (1-10) cũng có hàng trăm triệu người di chuyển có sao đâu, tại sao tết lại không thể về nhà.
Trương Bá Lễ, viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc, phát biểu trên Đài CCTV rằng do tết năm nay rơi vào mùa đông giá lạnh nên dịch bệnh dễ phát triển, trong khi dịch bệnh vẫn chưa khống chế hoàn toàn. Theo ông, từ nay đến cuối tháng 2 là thời gian quan trọng phòng chống dịch; đợi đến khi mùa xuân ấm áp, vắcxin phổ biến, tình hình dịch bệnh sẽ chuyển biến tốt; và mong người dân ít tụ tập đông người dịp tết.
Tuy nhiên, căn cứ tình hình đặt vé tàu thông qua trang web 12306 cho thấy vé nhiều tuyến tàu đã bán hết, cho thấy vẫn còn rất nhiều người lao động muốn về quê. Trên mạng xã hội WeChat, rất nhiều người quyết về quê bằng được.
Một cư dân mạng viết: "Chính quyền địa phương nên hoan nghênh người dân về quê ăn tết để kích thích tiêu dùng, phải có chính sách xét nghiệm virus corona miễn phí cho người dân để họ cảm nhận được tình cảm ấm áp nơi quê nhà. Hai bên nội ngoại đều ở quê, làm sao không về được? Không thể không về, đi bộ cũng phải về, nhất là gia đình con một, chỉ cần chú ý phòng chống dịch là được. Kêu chúng tôi ăn tết ở nơi làm việc có được trợ cấp gì không?".
Cũng có nhiều người chọn ở lại. Một cư dân mạng trên WeChat viết: "Vợ con ở đâu thì ở đó là nhà, năm nay không về quê. May mà mua nhà ở nơi làm việc, nếu không tết không có chỗ mà đi rồi".
Trương Tân Quí, tài xế Công ty công nghệ diệt khuẩn Hoài Ất ở thị trấn Lôi Điệp, huyện Đức Thanh, tỉnh Chiết Giang, cho biết tết này sẽ không về nhà, công việc công ty vẫn còn nhiều, tình hình dịch phức tạp. Thị trấn Lôi Điệp là một khu công nghiệp có đến hơn 600.000 lao động nhập cư. Như Công ty cơ khí Đỉnh Lực đã khuyến khích người lao động ở lại, nay đã có 280 người quyết định ở lại, chiếm 50% lao động.
Một số cư dân mạng ủng hộ chính sách đón tết tại địa phương. Họ mong mọi người đừng quên cái tết năm ngoái, nếu dịch bệnh lại bùng phát có hối hận cũng không kịp. Có cư dân mạng chia sẻ rằng chỉ cần nghĩ đến việc trong hành trình "xuân vận" xuất hiện một hai ca dương tính thôi cũng đã thấy sợ rồi.
"Cuộc di cư lớn nhất lịch sử"
"Xuân vận" vốn được biết đến như "cuộc di cư lớn nhất lịch sử" ở Trung Quốc. Như "xuân vận" năm 2019, đường bộ, đường sắt, đường hàng không tổng cộng vận chuyển 2,98 tỉ lượt hành khách. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên "xuân vận" chỉ vận chuyển 1,476 tỉ lượt khách, giảm 50,3%, theo Tân Hoa xã.
Theo dự báo của ngành đường sắt Trung Quốc, "xuân vận" năm nay sẽ phục vụ khoảng 407 triệu lượt hành khách, bình quân hơn 10 triệu khách/ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận