11/08/2016 09:16 GMT+7

Trung Quốc khiêu khích dữ dội

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, tốc độ quân sự hóa của Bắc Kinh trong khu vực đang gia tăng một cách báo động.

CSIS đã thêm hình ảnh đồ họa các loại máy bay để minh họa sức chứa của mỗ dãy nhà chứa máy bay mà Bắc Kinh đang gấp rút xây dựng trên đá Su Bi ở Trường Sa - (Ảnh chụp vệ tinh ngày 24-7) - Ảnh: Reuters/CSIS

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) - một trung tâm học giả quốc tế uy tín có trụ sở tại Washington (Mỹ) - vừa qua công bố hình ảnh vệ tinh (chụp khoảng cuối tháng 7) cho thấy Trung Quốc dường như đã hoàn thành loạt nhà chứa máy bay kiên cố trên Đá Chữ Thập, Su Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Giới quan sát quốc tế cho rằng điều đáng lưu ý chính là tốc độ xây dựng thần tốc của Trung Quốc, vì hình ảnh xuất hiện không lâu sau khi tòa trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tình hình sẽ thay đổi

Không chỉ dừng lại ở phát ngôn cứng rắn, các động thái gần đây như tuyên bố tập trận hải quân với Nga, phô trương sức mạnh của tàu sân bay, điều máy bay ném bom và tiêm kích tuần tra trên bầu trời Biển Đông... đã cho thấy Bắc Kinh đang phản ứng hết sức liều lĩnh, khiêu khích.

Nhà chứa máy bay chỉ là những công trình bổ sung cho một danh sách dài gồm đường băng, hải đăng, trạm rađa, cầu tàu... mà chính quyền Bắc Kinh hộc tốc xây dựng bao phủ trên các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.

Các chuyên gia của CSIS đánh giá tuy chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc điều động nhiều máy bay quân sự ra những nơi đang được xây dựng, nhưng tốc độ thi công nhanh chóng của họ dự báo sắp tới tình hình có thể thay đổi.

Một quan chức quốc phòng Mỹ nhận định Bắc Kinh đang cố tình “lướt” trên lằn ranh và mối quan ngại sẽ gia tăng một khi họ thật sự điều chiến đấu cơ ra đồn trú ở Biển Đông.

Hoạt động xây dựng mang tính chất đa mục đích này đang gây căng thẳng trong khu vực. Nó cũng đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc có thực hiện đúng những gì Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa hồi tháng 9 năm ngoái rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các tiền đồn ở Trường Sa

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ

“Kinh nghiệm” lâu nay cho thấy Bắc Kinh sẽ không dễ bị thuyết phục từ lời kêu gọi của quốc tế, và tình hình mới đòi hỏi ở Washington một biện pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn Trung Quốc.

Hải quân Mỹ mới đây thông báo tàu tấn công đổ bộ USS Boxer đã hoàn thành chuyến tuần tra định kỳ trong vùng nước quốc tế ở Biển Đông vào cuối tuần trước.

Nếu để ý thì chỉ trước đó vài ngày, truyền hình Nhà nước Trung Quốc cũng vừa phát đi màn biểu diễn sức mạnh của tàu sân bay Liêu Ninh và phi đội tiêm kích J-15.

Được giới quân sự Trung Quốc tung hô nhiệt liệt, động thái trên gợi ý Bắc Kinh có thể đang muốn nhanh chóng tăng cường hiện diện không quân ở Thái Bình Dương.

Trung Quốc bị dồn vào chân tường?

Trong bài phân tích đăng trên National Interest, hai nhà phân tích Kai He và Huiyun Feng đánh giá việc dồn Bắc Kinh vào chân tường (về mặt pháp lý, ngoại giao) ở Biển Đông có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm và không có lợi cho việc giải quyết tranh chấp.

Phán quyết về yêu sách Biển Đông của tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) đã đặt giới lãnh đạo Trung Quốc vào thế khó xử, vì dù Bắc Kinh một mực khẳng định không công nhận vụ kiện nhưng họ cũng mất thể diện trước cộng đồng quốc tế.

“Dưới áp lực của tinh thần dân tộc trong xã hội Trung Quốc, ông Tập không có lựa chọn nào ngoài việc đấu tranh lại phán quyết của tòa trọng tài. Quân sự hóa, tập trận... khó lòng tránh khỏi trong tương lai gần” - hai tác giả dự báo trong bài phân tích.

Được khởi động từ năm ngoái, chiến dịch tuần tra “Tự do hàng hải” (FONOP) của Mỹ là hành động cụ thể nhất đối trọng với các bước đi quân sự hóa bất chấp dư luận và luật pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phán quyết của tòa trọng tài, theo đó Bãi Cỏ Mây và Đá Vành Khăn là những thực thể chìm dưới nước và không tạo ra vùng lãnh hải, một mặt củng cố tính hợp pháp của chiến dịch tuần tra FONOP của Mỹ, nhưng mặt khác “sự tự tin” này sẽ kích hoạt một cuộc cạnh tranh thêm phần gay gắt với Trung Quốc - các nhà phân tích dự đoán.

Khiêu khích luôn ở Hoa Đông

Theo báo Wall Street Journal của Mỹ, một số chuyên gia và nhà ngoại giao đã nhìn thấy dấu hiệu Bắc Kinh đang leo thang hoạt động trong các vùng biển tranh chấp. Mấy ngày qua, chính quyền Tokyo liên tục phải lên tiếng phản đối Trung Quốc lắp đặt rađa trên giàn khoan ở biển Hoa Đông, đưa tàu cá và tàu hải cảnh đi vào khu vực các đảo tranh chấp. Đáp lại, Trung Quốc khẳng định họ có “chủ quyền” ở khu vực này.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên