Tàu sân bay Phúc Kiến tại nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải - Ảnh: XINHUA
Theo Đài CCTV, tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc được đặt tên Fujian (Phúc Kiến), số hiệu 18.
Lễ hạ thủy bắt đầu lúc 11h (giờ địa phương) với phần hát quốc ca và nghi thức chào cờ. Sau khi cắt băng khánh thành, tàu Phúc Kiến được làm "lễ rửa tội" bằng một chai rượu sâm banh đập vào thân tàu.
Đây là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sử dụng máy phóng điện từ (EMALS) để phóng máy bay từ boong tàu, nhanh hơn hệ thống máy phóng hơi nước đã cũ.
Hệ thống EMALS cũng được sử dụng trên các tàu sân bay lớp Gerald R. Ford của hải quân Mỹ.
Khác với hai tàu sân bay đầu tiên, vốn có đường băng dốc, tàu Phúc Kiến có đường băng bằng phẳng và có lượng giãn nước hơn 80.000 tấn. Sau khi hạ thủy, con tàu sẽ thử nghiệm neo đậu và điều hướng.
Theo Đài CCTV, Phúc Kiến là tàu sân bay có máy phóng đầu tiên do Trung Quốc thiết kế và chế tạo hoàn toàn.
Theo báo SCMP, việc ra mắt tàu Phúc Kiến được cho bị trì hoãn ít nhất 2 lần. Ban đầu, Trung Quốc dự kiến công bố vào ngày 23-4, nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), nhưng đã hoãn vì phong tỏa chống COVID-19 ở Thượng Hải.
Sau đó, con tàu dự tính ra mắt ngày 3-6, trùng với lễ hội thuyền rồng nhưng lại bị hoãn không lý do.
Trung Quốc đã sở hữu tàu Sơn Đông, hạ thủy vào năm 2017 và tàu Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, vốn là tàu sân bay lớp Kuznetsov của Liên Xô và được mua lại từ Ukraine vào năm 1998.
Sau đó, Trung Quốc tân trang, nâng cấp và hạ thủy tàu Liêu Ninh vào năm 2012.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận