19/09/2012 00:05 GMT+7

Trung Quốc đưa 10 tàu đến Senkaku

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Căng thẳng leo thang giữa Nhật và Trung Quốc: chiều 18-9, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản (JMSDF) phát hiện 10 tàu tuần tra của Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển gần quần đảo Senkaku.

dYtpZEAL.jpgPhóng to
Tàu tuần tra Trung Quốc (phải) chạm trán tàu tuần tra Nhật Bản ở vùng biển gần quần đảo Senkaku - Ảnh: Xinhua

Kyodo News cho biết trong ngày 18-9, tàu Trung Quốc đã xuất hiện liên tục ba lần trong khu vực quanh quần đảo Senkaku bất chấp cảnh báo của JMSDF. Lúc 16g30, JMSDF phát hiện 10 tàu hải giám Trung Quốc tiến vào vùng biển gần đảo Uotsurijima thuộc quần đảo Senkaku. Trước đó, lúc sáng sớm, một tàu hải giám đã luẩn quẩn quanh khu vực này. Đến khoảng 10g, JMSDF phát hiện thêm một tàu cá cỡ lớn của Trung Quốc. JMSDF buộc phải phát lệnh báo động khẩn cấp để ứng phó với tình hình. “Các tàu tuần tra của chúng tôi đã phát cảnh báo qua sóng radio và bằng các phương tiện khác để cảnh báo các tàu trên không được đi vào vùng biển của Nhật Bản” - JMSDF cho biết.

Hàng trăm doanh nghiệp Nhật tại Trung Quốc đóng cửa

Trò chơi nguy hiểm

Mathieu Duchatel, chuyên gia Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) tại Bắc Kinh, cho rằng quy mô của những cuộc biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc có thể gây khó cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong khi cuộc chuyển giao chính trị đang đòi hỏi sự ổn định hơn bao giờ hết. Theo ông, ở Trung Quốc hiện đang có một khoảng cách giữa cách thức xử lý cuộc khủng hoảng này trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc và cách thức hành xử trong ngoại giao, nhưng rõ ràng trò chơi này rất nguy hiểm.

T.N.

Cùng ngày, hơn 7.000 người Trung Quốc lại xuống đường ở nhiều thành phố đòi Nhật trả lại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku cho Trung Quốc. Những người biểu tình tập trung trước Đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh, Lãnh sự quán Nhật ở Thượng Hải và nhiều nơi khác. Lại xảy ra cảnh tượng ném gạch đá, chai lọ, trứng gà vào các cơ quan ngoại giao và tấn công các cơ sở kinh doanh của Nhật. Theo Tân Hoa xã, Chính phủ Trung Quốc cho biết các cuộc biểu tình để kỷ niệm “Sự kiện Mukden” ngày 17-9-1931, ngày quân Nhật đã cho nổ tuyến đường sắt ở Thẩm Dương tạo cớ chiếm Mãn Châu Lý, một trong những bước mở đầu Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Một số người còn mang hình chân dung cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông.

Để phản đối hành động của Trung Quốc cùng làn sóng biểu tình chống Nhật mới, ngày 18-9 hai nhà hoạt động Nhật đã giong thuyền và bơi vào đảo Uotsurijima. Sau đó, theo JMSDF, “họ đã rời khỏi đảo”. Trong khi đó, theo Đài truyền hình NHK, Đại sứ quán Nhật tại Bắc Kinh cùng hàng trăm doanh nghiệp và nhà hàng của Nhật ở Trung Quốc đã đóng cửa và cho công nhân nghỉ làm. Các nhà máy tại Trung Quốc của bốn tập đoàn xe hơi Honda, Toyota, Mazda và Nissan đã ngừng hoạt động.

Hơn 200 cửa hàng bán lẻ của Tập đoàn Fast Retailing và Seven & I Holdings của Nhật cũng đóng cửa sau khi những người biểu tình ở Thanh Đảo tràn vào siêu thị Jusco hôi của, tấn công cửa hàng Heiwado ở Trường Sa (tỉnh Hồ Nam).

Ông Leon Panetta có thể “tháo ngòi” căng thẳng?

Tình hình ở Trung Quốc đang đe dọa sứ mệnh “tháo ngòi căng thẳng” Nhật - Trung của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Theo AFP, trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt ở Bắc Kinh, ông Panetta đã đưa vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ra thảo luận. Ông Panetta nhấn mạnh cần giải quyết xung đột thông qua những biện pháp ngoại giao hòa bình.

“Mỹ quan ngại về những thách thức xung quanh vấn đề tranh chấp biển ở Đông Á. Washington kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh, kiềm chế. Sẽ không có nước nào có lợi nếu căng thẳng leo thang thành xung đột. Nó sẽ làm xói mòn sự ổn định và hòa bình trong khu vực rất quan trọng này” - ông Panetta nhấn mạnh.

Tuy nhiên, giới chuyên gia quan ngại chuyến thăm của ông Panetta khó có thể “tháo ngòi” căng thẳng, do Bắc Kinh vẫn luôn nghi ngờ chính sách “xoay trục châu Á” của Washington nhằm kiềm chế Trung Quốc. Ngay trong cuộc gặp với Bộ trưởng Panetta, ông Lương Quang Liệt đã cảnh báo Trung Quốc có quyền “hành động nhiều hơn nữa” để giải quyết tranh chấp với Nhật Bản ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, nhưng vẫn nhấn mạnh “chúng tôi mong muốn sẽ giải quyết vấn đề thông qua con đường đàm phán hòa bình”.

Họp về biển Đông ở Liên Hiệp Quốc

Bên lề khóa họp thứ 67 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 27-9, Indonesia sẽ kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán nhằm tháo ngòi những căng thẳng trên biển Đông.

Jakarta Post dẫn lời Bộ trưởng ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa cho biết Jakarta muốn nối lại những cuộc đàm phán giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vốn bị đình trệ lâu nay. “Indonesia nhận thấy đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Liên Hiệp Quốc là nơi lý tưởng cho các nước trong khu vực tham gia nhằm tạo ra một môi trường tốt cho các cuộc đàm phán trong phạm vi duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực. Và đó là những gì chúng tôi quan tâm nhất hiện nay” - Jakarta Post dẫn lời ông Natalegawa.

Ngoại trưởng Natalegawa nhận định COC phải đạt được sự đồng thuận của từng quốc gia thành viên ASEAN để trở thành cơ sở tháo ngòi nổ tranh chấp trên biển Đông.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Người Nhật lại lên đảo tranh chấp với Trung QuốcTrung Quốc dọa trừng phạt kinh tế Nhật Bản1.000 tàu cá Trung Quốc tiến về Senkaku/Điếu Ngư Nhật lẫn Trung Quốc muốn đưa Senkaku/Điếu Ngư ra LHQ11 tàu Trung Quốc áp sát vùng biển Senkaku/Điếu Ngư

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên