Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp cấp cao về công tác Tây Tạng tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: Tân Hoa xã
Theo Tân Hoa xã, ông Tập đưa ra các phát biểu này tại phiên tổng kết của hội nghị về Tây Tạng dài hai ngày, vừa kết thúc tại Bắc Kinh ngày 29-8.
Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc về quản lý Tây Tạng trong một kỷ nguyên mới để đảm bảo an ninh quốc gia và duy trì hòa bình, ổn định, cải thiện đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, duy trì môi trường tốt, củng cố quốc phòng và đảm bảo an ninh biên giới.
Theo đó, cả nước Trung Quốc phải ủng hộ xây dựng Tây Tạng xã hội chủ nghĩa hiện đại, thống nhất, thịnh vượng, tiên tiến về văn hóa, hài hòa và tươi đẹp.
Theo Tân Hoa xã, kể từ đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 năm 2012, các chính sách về quản lý Tây Tạng trong thời kỳ mới đã được hình thành nhằm thực hiện các công việc liên quan đến Tây Tạng, tập trung bảo vệ và tăng cường đoàn kết dân tộc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp cấp cao về công tác Tây Tạng tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: Tân Hoa xã
Tại hội nghị vừa qua, ông Tập yêu cầu tăng cường giáo dục và hướng dẫn cho người dân, huy động sự tham gia của họ vào việc chống lại các hoạt động ly khai, từ đó tạo ra một lá chắn vững chắc để bảo vệ sự ổn định ở Tây Tạng. Đưa giáo dục về lòng yêu nước vào tất cả các trường, các cấp. Phật giáo Tây Tạng nên được hướng dẫn để thích nghi trong một xã hội chủ nghĩa và cần phát triển trong bối cảnh Trung Quốc.
Ông Tập cũng nhận định bảo tồn hệ sinh thái của vùng cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng là đóng góp lớn nhất cho sự tồn tại và phát triển của đất nước Trung Quốc. Vùng cao nguyên này cần nhiều nghiên cứu khoa học hơn nữa để phục vụ sự phát triển của vùng.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã có nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ công ở Tây Tạng, nổi bật nhất là dự án đường sắt Tứ Xuyên - Tây Tạng.
Quang cảnh vùng Tây Tạng - Nguồn: Tân Hoa xã
Theo Hãng tin Reuters, Trung Quốc giành quyền kiểm soát với Tây Tạng năm 1950 theo cách mà nước này mô tả là một "sự giải phóng hòa bình", giúp vùng Himalaya hẻo lánh từ bỏ quá khứ "phong kiến". Nhưng những người phản đối, đứng đầu là lãnh đạo tinh thần Đạt Lai Lạt Ma đang lưu vong, cho rằng Bắc Kinh tạo nên "sự diệt chủng văn hóa" với vùng đất này.
Chính sách của Trung Quốc với Tây Tạng được chú ý trở lại trong năm nay trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng xấu đi.
Tháng 7-2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ hạn chế thị thực đối với một số quan chức Trung Quốc liên quan đến việc ngăn chặn tiếp cận ngoại giao đến Tây Tạng và khẳng định Washington ủng hộ "quyền tự trị một cách có ý nghĩa" cho Tây Tạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận