Lính Trung Quốc tuần tra trên một thực thể do Bắc Kinh chiếm đóng ở Quần đảo Trường Sa - Ảnh: REUTERS
Thông tin trên được báo South China Morning Post dẫn lại từ các nguồn tin ẩn danh trong chính phủ Trung Quốc.
Dự báo trước khả năng Mỹ sẽ đề cập vấn đề quân sự hóa mạnh mẽ của Trung Quốc trên Biển Đông ở Diễn đàn Shangri-La, thành phần phái đoàn Trung Quốc được tuyển chọn cẩn thận "nhằm giảm thiểu căng thẳng", các nguồn tin cho hay.
Được biết, thay vì một quan chức quốc phòng cao cấp, đoàn Trung Quốc sẽ do trung tướng He Lei - phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học quân sự, dẫn đầu.
Ngoài ra, đại tá Chu Ba (Zhou Bo), giám đốc Trung tâm Hợp tác an ninh quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, sẽ có bài phát biểu tại phiên thảo luận đặc biệt về hợp tác và cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ, ngay trước bài phát biểu chính của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về nguy cơ xung đột khu vực.
Động thái trên mang ẩn ý "định nghĩa lại" Đối thoại Shangri-La như một sự kiện trao đổi học thuật, chứ không phải thảo luận chính sách, theo nhà phân tích quân sự Trung Quốc Yue Gang.
"Sự kiện này mang ý nghĩa trao đổi lý thuyết quân sự nhiều hơn, do đó bằng cách gửi các đại diện hàn lâm, chúng tôi có thể phản bác các quan điểm sai trái. Mặt khác, chúng tôi không muốn sự trao đổi mang tính đối đầu quá mức" - ông Yue, một đại tá quân đội về hưu, giải thích.
Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên gọi Đối thoại Shangri-La (SLD) là một diễn đàn an ninh liên chính phủ tổ chức hàng năm bởi Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS).
Năm nay SLD diễn ra từ ngày 1 đến 3-6, với sự có mặt của bộ trưởng quốc phòng và quan chức từ hơn 50 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Việt Nam, Philippines...
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La lần này.
Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 sẽ có 5 phiên thảo luận chính thức, bao gồm: Vai trò lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; Chống leo thang khủng hoảng Triều Tiên; Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á; Những khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố và hoạt động chống khủng bố; Nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực.
Đang trên đường đến Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các chiến dịch tuần tra hàng hải trên Biển Đông, đồng thời bóng gió rằng "dường như chỉ có một quốc gia khó chịu vì điều này".
Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh Mỹ chỉ trích quyết liệt hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là việc triển khai khí tài hiện đại và máy bay chiến đấu đến các vùng biển đang tranh chấp.
An ninh thắt chặt
Cảnh sát Singapore cho biết trong ba ngày diễn ra Đối thoại Shangri-La (từ 1 đến 3-6), các khu vực xung quanh khách sạn Shangri-La sẽ được kiểm soát an ninh đặc biệt nghiêm ngặt, nhiều tuyến đường bị phong tỏa.
Cảnh sát đặc nhiệm thuộc đội Gurkhas được tăng cường bảo vệ an ninh tại khách sạn Shangri-La ở Singapore - Ảnh: AFP
Đặc biệt, người dân được yêu cầu giao thông di chuyển chậm hơn thường lệ và những người đi xe máy tuyệt đối không được phép đi vào các tuyến đường xung quanh khách sạn Shangri-La trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Mặt khác, cảnh sát cũng yêu cầu người dân tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của các nhân viên an ninh tại các trạm kiểm soát.
Trong khi đó, các vị khách tới khách sạn Shangri-La trong thời gian này được khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng hoặc đi chung xe bởi bãi đỗ xe của khách sạn Shangri-La sẽ bị hạn chế và kiểm soát an ninh nghiêm ngặt. Các hoạt động như sử dụng máy bay không người lái, thả diều… đều bị cấm tuyệt đối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận