Căng thẳng tại cơ quan lập pháp của Hong Kong hôm 18-5 - Ảnh: BBC
Đài BBC (Anh) nhận định động thái này có thể gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trên trường quốc tế cũng như ở Hong Kong. Thành phố này đã trải qua nhiều tháng chìm trong phong trào biểu tình vào năm ngoái.
Kỳ họp thứ 3, khóa 13 của Đại hội Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC) sẽ tranh luận mở về vấn đề trên khi khai mạc vào ngày 22-5. Luật cơ bản, bộ luật được xem như hiến pháp thu nhỏ của Hong Kong, yêu cầu chính quyền thành phố phải đưa ra đạo luật an ninh, nhưng việc này vẫn chưa thể thực hiện được do vấp phải phản đối.
Theo BBC, vấn đề trên đã được đề cập trong chương trình nghị sự của cuộc họp sắp tới với tiêu đề Thiết lập, cải thiện hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi của Hong Kong. Kỳ họp sắp tới từng bị dời lại vì dịch bệnh từ virus corona chủng mới (COVID-19) bùng phát.
Người phát ngôn của NPC, ông Trương Nghiệp Toại, ngày 21-5 cho biết Trung Quốc đang lên kế hoạch cải thiện chính sách "một quốc gia, hai chế độ" tại Hong Kong.
"An ninh quốc gia là nền tảng cho sự ổn định của đất nước. Bảo vệ an ninh quốc gia phục vụ lợi ích cơ bản của tất cả người Trung Quốc, bao gồm cả đồng bào Hong Kong của chúng tôi", ông Trương tuyên bố.
Theo BBC, Bắc Kinh vốn luôn sở hữu quyền ban hành Luật an ninh quốc gia theo Luật cơ bản, nhưng tới nay vẫn kiềm chế sử dụng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Hong Kong chuẩn bị kỳ bầu cử cho cơ quan lập pháp vào tháng 9, các dự luật mới có nguy cơ bị chặn lại nếu phía đối lập chiến thắng một lần nữa.
Một nguồn tin từ đại lục nói với South China Morning Post rằng Bắc Kinh đã quyết định Hong Kong không được quyền thông qua luật an ninh riêng và trách nhiệm này thuộc về Quốc hội Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận