Cựu tổng thống Donald Trump hứa hẹn sẽ đẩy mạnh những chính sách kinh tế tương tự nhiệm kỳ trước, trong khi đối thủ Kamala Harris được cho sẽ tiếp nối chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Joe Biden.
"Lá bài" lạm phát
Ông Trump đã để lại nhiều dấu ấn kinh tế trong nhiệm kỳ đầu tiên như các khoản cắt giảm thuế khổng lồ, bãi bỏ quy định đối với ngành công nghiệp và chiến tranh thương mại với các đối thủ kinh tế, đặc biệt là Trung Quốc. Nếu tái đắc cử tổng thống vào tháng 11 tới, đây sẽ là những chính sách ưu tiên của ông.
Ở chiều ngược lại, trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, lạm phát vẫn là vấn đề kinh tế nổi cộm nhất. Nó lấn át những thành quả của ông như thị trường lao động mạnh mẽ với mức tăng việc làm lớn và tỉ lệ thất nghiệp thấp, cải thiện tình trạng kinh tế của những lao động thu nhập thấp và đầu tư lớn vào năng lượng xanh, cơ sở hạ tầng và sản xuất trong nước.
Nhưng lạm phát dai dẳng và tác động tích lũy của việc giá cả tăng cao đã khiến sự ủng hộ dành cho ông Biden yếu đi.
Giờ đây, Phó tổng thống Kamala Harris sẽ tiếp nối chương trình nghị sự kinh tế của ông Biden. Tuy nhiên, bà cũng bắt đầu đưa ra một số ý tưởng riêng, chủ yếu là những vấn đề gần gũi với các gia đình Mỹ như nghỉ phép có lương và hỗ trợ chăm sóc trẻ em, thay vì sa vào các cuộc tranh luận chính sách gay gắt.
Quan điểm này của bà Harris sẽ cạnh tranh trực tiếp với chiến dịch của ông Trump, vốn đang thuyết phục cử tri rằng ông là tổng thống vì người dân lao động.
Theo báo Financial Times, với việc lạm phát tiếp tục giảm từ mức kỷ lục vào năm 2022 và Cục Dự trữ liên bang (Fed) đang chuẩn bị giảm lãi suất, bà Harris tham gia cuộc đua với tình hình kinh tế sáng sủa hơn.
"Nếu có thể khai thác động lực này, bà ấy cũng có thể khơi dậy sự lạc quan về kế hoạch phát triển trong tương lai của mình" - Financial Times đánh giá, cho rằng bà Harris sẽ cần tránh những nhận thức tiêu cực về chương trình của ông Biden cũng như ảnh hưởng của lạm phát.
Tuy nhiên, bà Harris sẽ phải đấu với "ông hoàng giải quy và cắt giảm thuế" Donald Trump, điều mà giới phân tích cho rằng không hề dễ dàng. Trong các cuộc vận động, ông Trump khẳng định mình là người giải quy (deregulation) vĩ đại nhất lịch sử Mỹ, giúp cởi trói các quy định mà ông cho là bóp nghẹt doanh nghiệp.
Ông cũng hứa sẽ đảo ngược nhiều khoản trợ cấp và quy định về năng lượng xanh mà chính quyền ông Biden theo đuổi. Về thuế, ông cũng cam kết sẽ tiếp tục giảm thuế cho người giàu và doanh nghiệp.
Ngược lại, bà Harris vẫn trung thành với quan điểm của ông Biden về việc tăng đánh thuế người giàu, dù điều này sẽ khiến bà gặp khó khăn trong việc kiếm tiền chi trả các chương trình xã hội mở rộng. Mới nhất, Công ty bảo hiểm Allianz Trade dự đoán ông Trump có thể đẩy mạnh phát hành trái phiếu kho bạc để bù đắp thâm hụt từ cắt giảm thuế.
Tương đồng về thuế nhập khẩu
Đến nay, điều mà các nước lo ngại sự trở lại của ông Trump chính là chính sách thuế nhập khẩu, vốn được ông sử dụng như công cụ để đàm phán thương mại với các nước trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Ông hứa hẹn sẽ áp thuế 10% trên diện rộng đối với hàng hóa nhập khẩu và lên tới 60% đối với một số mặt hàng và quốc gia, 100% đối với xe sản xuất ngoài nước Mỹ, những con số có thể làm nóng lên cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Còn bà Harris chưa nói nhiều về thuế quan, song chính quyền Biden đã giữ nguyên một số mức thuế từ những năm dưới thời ông Trump. Về vấn đề này, chính quyền ông Biden dường như có quan điểm tương đồng khi giữ lại phần lớn chính sách thuế của người tiền nhiệm.
Về chính sách tiền tệ và lạm phát, bà Harris đến nay vẫn chưa động đến vấn đề này ngoài việc chỉ trích các doanh nghiệp kiếm lợi từ việc giá cả leo thang. Trong khi đó, ông Trump đã cam kết sẽ xử lý vấn đề lãi suất và lạm phát.
Dù vậy, Allianz Trade lo ngại chính sách lạm phát, tài chính và tiền tệ mà ông Trump sẽ triển khai nếu đắc cử có thể gây ra tác động tiềm ẩn.
"Điều này có thể dẫn đến những phản ứng bất ngờ của thị trường trong tương lai. Trong kịch bản cực đoan nhất, lạm phát có thể tăng lên 4% vào năm 2025 và mức tăng trưởng giảm xuống khoảng 0% vào năm 2025", công ty này cảnh báo.
Trump Trade gây tranh cãi
Khả năng thay đổi quyền lực vào cuối năm nay khiến các nhà đầu tư đánh giá lại chiến lược thương mại gây tranh cãi của ông Trump (Trump Trade).
"Trong Trump Trade, một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế Mỹ, chẳng hạn như ngân hàng, công nghiệp và năng lượng, sẽ được hưởng lợi từ việc bãi bỏ quy định và cắt giảm thuế. Bitcoin được ưa chuộng, trong khi thu nhập cố định, đặc biệt là trái phiếu kho bạc, có vẻ kém hấp dẫn hơn", chuyên gia Althea Spinozzi của Saxo Bank nhận định trên tờ The Nation.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump cũng có thể khiến thị trường biến động dữ dội do những chính sách khó lường và những căng thẳng địa chính trị tiềm ẩn, Saxo Bank đánh giá. Chẳng hạn, các chính sách của ông Trump có thể làm leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Ở phía ngược lại, giới quan sát đánh giá các chính sách quản lý doanh nghiệp, tăng thuế, tập trung vào năng lượng xanh của bà Harris có thể gây trở ngại cho một số lĩnh vực nhất định nhưng lại mang lại lợi ích cho những lĩnh vực khác.
Để không bỏ lỡ các thông tin liên quan bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, mời bạn đọc theo dõi chuyên trang bầu cử tổng thống Mỹ 2024 của Tuổi Trẻ Online tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận