![]() |
Ngân rửa chén bát cho quầy cơm bụi của chị gái ở chợ Đông Hà để kiếm tiền trang trải việc học - Ảnh: Quốc Nam |
5 giờ rưỡi sáng, chợ Đông Hà (Quảng Trị) vẫn còn vắng vẻ. Một cô gái mảnh khảnh cùng cụ bà khệ nệ bưng nồi cháo đậu đặt xuống nền gạch gần cổng chợ... Cô gái thỏ thẻ: “Mỗi ngày phụ cho bà ở đây em kiếm được 10.000 đồng. Phải gom góp từng tí một để có đủ tiền vô nhập trường. Không thì lấy đâu ra...”.
Xoay xở...
5.000 đồng là giá bán của mỗi bát cháo đậu ở gánh cháo của hai bà cháu. Nhan Thị Kiều Ngân - cô cháu gái vừa đỗ vào Đại học Nông lâm Huế và Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng - được phân nhiệm vụ bưng bê và chạy bàn kiêm thu dọn. Thoăn thoắt đôi tay, Ngân hết bưng cháo cho người này lại đến thu bát cho người khác.
Gánh cháo chỉ có hai bà cháu nên mỗi buổi sáng Ngân phải chạy tới chạy lui tất bật từ khi dọn hàng đến khoảng 8g sáng. Nhiều hôm bán ế hai bà cháu phải ngồi lại đến hơn 9g, mặt Ngân đỏ ửng vì nắng gắt. “Mệt muốn rã người nhưng em phải cố. Mình là con nhà nghèo...” - rụt rè, Ngân thổ lộ.
Tạt về nhà dọn dẹp nhà cửa sau khi bán xong cháo, 11g trưa Ngân quày quả trở lại chợ Đông Hà. Lần này là khu hàng ăn uống. Len lỏi qua mấy gian hàng, Ngân tấp xe vào một quầy bán cơm bụi đang nhộn nhịp khách, xắn tay áo sà vào rửa chén bát và bưng dọn cơm cho khách. Ngân cho biết đây là quầy cơm của người chị hai thuê lại bán từ hơn một năm nay, và Ngân nhận nhiệm vụ rửa chén bát cho quán từ đó để chị cho thêm ít tiền đi học. Sớm nhất cũng phải đầu buổi chiều Ngân mới về lại nhà để lo chuyện học hành.
Cảnh éo le...
Trao 500 triệu đồng cho tân sinh viên Sáng nay 29-8, tại TP Đông Hà diễn ra lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 100 tân sinh viên Quảng Trị, mỗi suất 5 triệu đồng. Tổng số tiền học bổng là 500 triệu đồng do CLB “Nghĩa tình Quảng Trị” tài trợ, báo Tuổi Trẻ cùng Tỉnh đoàn, Sở GD-ĐT Quảng Trị phối hợp tổ chức. * Mời bạn đọc xem danh sách nhà tài trợ của CLB “Tiếp sức đến trường Quảng Trị” trên trang C, quảng cáo 24 giờ số báo hôm nay. |
Căn nhà nhỏ của bảy chị em Ngân ở số 41 Nguyễn Huệ, TP Đông Hà. Nhưng khác với không khí vui vẻ nhộn nhịp của nhiều gia đình khác có con đậu ĐH, nhà Ngân vắng tanh vắng ngắt bởi hiện tại cả mấy chị em Ngân phải quần quật đi kiếm tiền góp cho Ngân đi học.
Ngân sớm chịu cảnh mồ côi từ hơn chục năm trước. Bố Ngân là lao động chính trong nhà nhưng mắc bệnh lao phổi. Ông vật vã nuôi bảy chị em Ngân ăn học nên càng đau yếu. Năm 1998 bố Ngân qua đời, gánh nặng gia đình lại đổ lên vai mẹ Ngân. Cả gia đình khi đó phụ thuộc vào nghề may vá của mẹ. Ban ngày mẹ Ngân đi làm thuê, ban đêm nhận gia công thêm quần áo. “Mỗi đêm mẹ chỉ được ngủ 3-4 tiếng. Sáng phải dậy sớm đi làm thuê đến tối mịt mới về...” - Ngân rơm rớm nước mắt kể.
Cùng cực, kiệt sức, năm 2008 mẹ Ngân ngã quỵ bởi bệnh hen. Bà được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị suốt ba năm trời sau đó thì cũng nhắm mắt.
Khi mẹ mất, tài sản trong nhà không còn gì, hai chị đầu của Ngân phải bỏ học. Mấy chị em lao vào cuộc mưu sinh. Chị cả đi bán áo quần tại chợ Đông Hà. Chị thứ hai vô chợ xin thuê chỗ bán cơm bụi. Chị thứ ba học trung cấp xong chưa có việc làm hiện cũng phụ chị cả bán cơm. Còn Ngân từ khi học lớp 12 đến giờ ngày nào cũng ra chợ phụ giúp bà nội bán cháo đậu vào sáng sớm và giúp chị rửa chén bát vào buổi trưa.
Chị Phượng, chủ một quầy bán cơm cạnh quán của mấy chị em Ngân, kể: “Nhiều hôm thấy con bé mang cả sách vở ra quán cơm, không có khách là đem ra học. Thương lắm, nhưng mà tụi tui ở đây nghèo khó cả, không giúp được gì. Trời thương cho con bé đi học đại học, may ra thoát được cảnh này...”.
Vẫn có “ông bụt” giữa cuộc đời này! “Em ơi! Bé Nguyên (em Nguyễn Thị Nguyên, nhân vật trong bài “Mượn gạo quanh xóm, hái rau vệ đường”) đã được Tuổi Trẻ cấp học bổng sáng nay rồi đó...”. “Cậu hả! Cậu biết tin gì chưa? Chị Nguyên mới lãnh 5 triệu đồng học bổng của Tuổi Trẻ về, nhà chị ai cũng mừng hết cậu ạ...”. Đó là những cuộc điện thoại của chị và cháu tôi gọi vào báo tin cho tôi trường hợp của cháu Nguyên - con anh Huy, người hàng xóm nghèo khổ gần nhà tôi ở quê - mà tôi đã giới thiệu cho Tuổi Trẻ. Mặc dù tôi đã biết tin cháu Nguyên được nhận học bổng khi đọc Tuổi Trẻ, nhưng nghe thấy niềm vui của chị và cháu gái tôi, một lần nữa niềm xúc động trong tôi lại trào dâng! Có lẽ với nhiều em có hoàn cảnh gia đình khấm khá thì học bổng 5 triệu đồng chẳng đáng là bao, nhưng với hàng triệu em có hoàn cảnh vô cùng khó khăn thì số tiền này rất lớn. Như lời nói xúc động của cháu Nguyên (đã gọi ké điện thoại của chị tôi vào cho tôi): “Lần đầu tiên trong đời cháu mới được cầm số tiền học bổng lớn như vậy trên tay...”. Với tôi, Tiếp sức đến trường của Tuổi Trẻ thật sự là một chương trình mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Và còn hơn thế nữa, Tiếp sức đến trường còn là “ông bụt” tốt bụng, nhân từ giữa cuộc đời này, đã luôn dang rộng vòng tay nhân ái, bao la, thấm đượm nghĩa tình của mình để giúp đỡ không biết bao nhiêu hoàn cảnh vượt khó của các em tân sinh viên, cho các em có được niềm tin tiếp tục cuộc hành trình học vấn của mình dẫu phía trước vẫn còn nhiều gian truân, thử thách.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận