Quy hoạch này nhằm xây dựng hệ thống trụ sở làm việc đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, đồng bộ, hiện đại; nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính cũng như để sắp xếp lại đô thị và giảm tải cho khu vực nội thành Hà Nội.
Trụ sở bộ ngành sẽ là không gian xanh, hiện đại
Phạm vi của quy hoạch là các trụ sở làm việc của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan trung ương của các đoàn thể nằm trong phạm vi địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội.
Cụ thể, quy hoạch sẽ quy định chi tiết tỉ lệ 1/500 khu trụ sở bộ, ngành trung ương tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì. Trong đó, quy mô lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu trụ sở bộ, ngành trung ương tập trung tại Tây Hồ Tây rộng khoảng 35ha và ở Mễ Trì rộng khoảng 55ha.
Ở khu vực Tây Hồ Tây dự kiến bố trí 13 trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất về phía bắc và nam, gắn với 2 trục đường đô thị. Nơi đây sẽ thiết kế các công trình cao 12-25 tầng, các công trình phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6-34 tầng, thống nhất chỉ giới xây dựng lùi so với mặt đường chính là 20m.
Trụ sở các bộ ngành được bố trí từ nhiều công trình kiến trúc tạo nên tổ hợp sinh động, có nhịp điệu, có khoảng trống cho cây xanh, có mối liên hệ với các công trình lân cận. Ngoài ra kiến trúc công trình sẽ được thiết kế theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ, giải pháp kiến trúc xanh....
Trong giờ hành chính có thể hạn chế người dân sử dụng để đảm bảo hạn chế tiếng ồn tác động đến hoạt động hành chính, buổi tối có thể tổ chức thành tuyến phố đi bộ sinh động, phục vụ chung cho cộng đồng.
Trục không gian mở là trục đi bộ, tiếp cận chủ đạo của cán bộ làm việc thường xuyên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Tại khu vực Mễ Trì với diện tích khoảng 55ha, dự kiến là trụ sở làm việc của 23 cơ quan. Đây sẽ là những công trình cao 17-25 tầng, công trình công cộng dịch vụ cao 3-5 tầng.
Trong đó, 1-2 tầng ngầm được dùng làm bãi đỗ xe, công trình hạ tầng kỹ thuật, kho chứa. Còn tầng 1-2 làm sảnh đón tiếp và tạo hướng tuyến đi lại cho người đi bộ, có công viên hồ cảnh quan với công trình công cộng, trung tâm hội nghị.
Huy động nguồn vốn xã hội hóa xây dựng trụ sở
Theo phân kỳ, tại khu vực Tây Hồ Tây giai đoạn từ năm 2023 - 2025 sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng và trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời. Từ 2026-2030 đầu tư xây dựng hạ tầng và các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1 (hoàn thành trụ sở mới, di dời và bàn giao trụ sở cũ vào năm 2030) và trụ sở còn lại đầu tư xây dựng đến năm 2035.
Tại khu Mễ Trì, giai đoạn từ 2023 - 2025 sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hoàn thành đưa công trình trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào sử dụng. Từ 2026 - 2030, thực hiện đầu tư xây dựng dự án trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan khác có nhu cầu di dời và sau năm 2030 sẽ đầu tư cơ quan có nhu cầu di dời.
Nguồn lực thực hiện quy hoạch là từ vốn đầu tư công và vốn xã hội hóa. Nguồn vốn đầu tư công chi cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công trình trụ sở làm việc. Vốn xã hội hóa phục vụ cho công trình công cộng, dịch vụ sử dụng chung (trung tâm dịch vụ thương mại; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện; khách sạn...).
Với các cơ sở nhà đất hiện có, sẽ quản lý tập trung trên cơ sở xác định phương án khai thác cụ thể. Trong trường hợp không có nhu cầu sử dụng làm cơ quan hành chính, thực hiện đấu giá công khai để thu lại nguồn lực cho Nhà nước. Quá trình chuyển đổi ưu tiên tái cấu trúc đô thị, sử dụng cho mục đích công cộng, vườn hoa, bãi đỗ xe, hạn chế việc chất tải thêm vào hạ tầng tại khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận