Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình), tài sản sử dụng không hết thì cho thuê thể hiện mong muốn được “khoan sức dân” để có thêm nguồn thu cho ngân sách đang khó khăn.
Ông Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo trung ương - trao đổi bên hành lang Quốc hội - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Cân nhắc cho thuê khi sử dụng chưa hết
“Nhưng nếu ta không quy định chặt thì nhà nước sẽ không được lợi, đáng ra việc cho thuê trụ sở thu được 10 đồng nhưng chỉ 1 đồng cho thuê về được nhà nước thì rất lãng phí. Ở đây cần phải có quy định chặt để giám sát được việc này”.
Cũng có đại biểu băn khoăn vì nếu quy định không chặt thì có thể khi xây dựng, người ta “vẽ” ra một trụ sở thật to, rộng rồi khi hoạt động, họ nói không sử dụng hết lại đem cho thuê.
Vẫn theo đại biểu Hải, hiện ta chưa đánh giá được tổng tài sản quốc gia, vì thế cũng không thể biết giờ cho thuê thì ta sẽ thu về được bao nhiêu tiền cho nhà nước.
Ví dụ một cơ quan chỉ buổi tối cho thuê làm mặt bằng cho đỗ ôtô, dù mặt bằng không phải làm để cho thuê thì có thể gom vào khoản “sử dụng không hết công suất có thể cho thuê” hay không?
“Phải cân nhắc việc cho thuê khi tài sản công sử dụng chưa hết công suất. Cần phải đánh giá tác động của luật này khi ra đời, với điều khoản cho thuê trụ sở không sử dụng hết công suất thì sẽ thu về được bao nhiêu tiền cho ngân sách” - đại biểu Hải nhấn mạnh.
Tiền cho thuê rất nhiều nhưng không vào ngân sách Nhà nước
Đại biểu Phùng Quốc Hiển (Lai Châu) cũng cho rằng cần phải phân loại tài sản, trụ sở được cho thuê, loại nào không được cho thuê. Ông Hiển nêu dẫn chứng Hội trường Thống Nhất nếu không có cơ chế thì xập xệ lắm, nhưng khi cho thuê thì tái đầu tư.
Hay như tòa nhà Quốc hội Đức họ cho khách vào thăm quan, mỗi năm nườm nượp khách vào thu 3 triệu USD. Vậy ta nên suy nghĩ thêm, có nên cho khách vào thăm quan tòa nhà Quốc hội không để tăng thêm nguồn thu bù vào cho các chi phí cho điện, nước, nhân công bảo dưỡng…
"Theo tôi, nên phân loại để biết loại trụ sở nào thì cho thuê được, loại nào không thể cho thuê dù có lúc không sử dụng hết công suất" - ông Hiển nói.
“Chúng ta phải rà soát lại, và tránh xung đột giữa các điều khoản trong luật này với các luật khác. Phải khắc phục, quy định chặt chẽ, gắn việc quản lý tài sản với công tác kế toán. Chính phủ phải có trách nhiệm “kế toán” được tài sản quốc gia. Hàng năm phải kiểm kê, phải biết được tài sản quốc gia có những gì. Địa phương phải có trách nhiệm ra sao, phải kiểm kê báo cáo lên Trung ương để tổng hợp”.
Ông Hiển cũng cho biết “giờ tài sản của ta rất lớn, nhưng dùng kém hiệu quả, lãng phí, và nhiều nơi bị lợi dụng. Nhà cửa, thậm chí vỉa hè các thành phố lớn cho thuê đấy thì tiền có vào ngân sách hay chui vào túi cá nhân. Tiền này ai quản lý? Theo tôi, tất cả các khoản liên quan đến kinh doanh ta phải quản lý được, phải qua hệ thống thuế để quản lý. Tôi chắc chắn tiền cho thuê rất nhiều nhưng không vào ngân sách nhà nước".
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) thảo luận tại tổ - Ảnh: Việt Dũng |
Phải công khai tài sản công
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nói: “Ngay tại địa bàn quận 8, hàng loạt nhà kho, bãi ven sông, thuộc quyền quản lý của bộ, ngành đang để lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, người dân rất bức xúc. Nhưng muốn thu hồi hay điều chuyển phải được sự đồng ý của bộ, ngành quản lý lẫn Bộ Tài chính nên TP.HCM bó tay”.
Ông Ngân đề nghị rà soát lại những trụ sở của bộ, ngành đang sử dụng bất hợp lý để giao lại cho TP, nhằm phục vụ cho công tác giáo dục, văn hóa... Không để người dân bức xúc nữa. Ông Ngân cho rằng: “Cơ quan quản lý tài sản phải chú ý đến tính thổ địa. Thổ địa ở đây phải là lãnh đạo của địa phương, phải là HĐND, phải là UBND của tỉnh thành đó. Còn muốn điều chuyển, chuyển giao mà phải được sự đồng ý của các bộ cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính, thì muôn đời không làm được".
Ông Ngân đề nghị: “Cần giao lại quyền cho lãnh đạo địa phương nhiều hơn trong việc theo dõi quản lý và phát hiện những trụ sở của cơ quan bộ, ngành để lãng phí. Khi đó địa phương sẽ được quyền thu hồi để đảm bảo tính hiệu quả".
Ngay khi đại biểu Trần Hoàng Ngân kết thúc phát biểu, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng nói: “Phải quy định khác thôi chứ quy định thế này thì muôn thuở không thể nào thực hiện được”. Theo bà Tâm, dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) quy định địa phương chỉ có quyền đề nghị, trong khi quyền chủ động quyết định lại không có.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng đoản ĐBQH TP.HCM - đề nghị phải công khai tài sản công, đặc biệt là trụ sở. Cụ thể phần đất, căn nhà... đó do cơ quan nào quản lý địa chỉ nằm ở đâu, ai sử dụng.
“Thực tế có nhiều tài sản công được sử dụng dưới danh nghĩa liên kết hoặc là hợp tác hoặc cho thuê. Nhiều trụ sở khi người dân và ngay cả cán bộ nhìn vào cũng tưởng là của doanh nghiệp nhưng thực ra là của một bộ ngành, đơn vị sự nghiệp nào đó cho doanh nghiệp thuê. Có một số miếng đất đến khi nhu cầu bức bách TP.HCM yêu cầu quận huyện kiểm tra thì mới biết là đất công đang cho thuê, chứ không phải của doanh nghiệp” - bà Tuyết thông tin.
Trước đó, mở đầu phiên họp tại hội trường, Quốc hội đã nghe bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đọc tờ trình dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), và báo cáo thẩm tra, do Chủ nhiệm ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đọc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận