17/11/2019 10:19 GMT+7

Trong thế giới nữ cascadeur - Kỳ cuối: Sự gan lì của cô nàng cascadeur vui tính

MỄ THUẬN
MỄ THUẬN

TTO - 10 năm qua, ngày nào cô gái nhỏ nhắn Kim Dung cũng đi xe máy từ Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) lên Q.10, TP.HCM, tham gia tập luyện tại CLB cascadeur TeamX VN.

Trong thế giới nữ cascadeur - Kỳ cuối: Sự gan lì của cô nàng cascadeur vui tính - Ảnh 1.

Cascadeur Kim Dung trong dự án điện ảnh Tiger Team của Đức, ra mắt năm 2010 - Ảnh: NVCC

Với Kim Dung, luyện tập và được tham gia các pha mạo hiểm trên phim trường là nguồn vui sống bất tận...

Cô nàng cascadeur vui tính

Kim Dung là một trong hai cô gái hiếm hoi đang theo đuổi các buổi tập đều đặn ở CLB cascadeur TeamX VN, hoạt động tại Q.10, TP.HCM. 

Chúng tôi gặp khi cô vừa kết thúc buổi tập luyện kéo dài suốt khung giờ giữa trưa, từ 11h-13h mỗi ngày. Mồ hôi thấm đẫm gương mặt nhưng nụ cười dí dỏm, trẻ trung luôn tươi nở trên môi cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn này.

Được hỏi về nghề cascadeur, Kim Dung kể rất nhiều chuyện vui. Đó là năm 2009, thời điểm vào nghề mới được một năm, Dung trúng ngay vai diễn hành động trong phim Tiger Team của Đức. 

Trong phim này, cô đóng vai Mea-Ling, có cảnh đánh đấm vô cùng quyết liệt để bảo vệ nữ chính trong hành trình đi tìm kho báu. Bối cảnh trận chiến diễn ra trong một ngôi nhà hoang. Kim Dung nói bộ phim là bước khởi đầu may mắn trong sự nghiệp của mình.

Trong những năm theo nghề, ngoài đúp vai cho người khác, Dung thừa nhận mình may mắn mỗi khi đi casting vai diễn. Cụ thể, sau phim Tiger Team của Đức, cô trúng vai nữ chính phim truyền hình 30 tập Gọi yêu thương, đạo diễn Lê Bảo Trung. Kể từ sau phim này, Dung nói mình chính thức sống được với nghề. 

Không lâu sau, Kim Dung còn gây ấn tượng với công chúng bằng vai diễn hành động trong phim Mỹ nhân kế của đạo diễn Quang Dũng. Cô được đóng chung với các nữ diễn viên nổi tiếng như Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà, Diễm My 9X...

"Mới gần đây, tôi còn xuất hiện trong một số dự án quảng cáo nước uống, mỹ phẩm...", nữ cascadeur vui vẻ thổ lộ. Dung bảo chính những niềm vui như thế đã giúp cô có niềm tin theo đuổi nghề cascadeur cực khổ. 

"Mọi người thấy tôi ở ngoài lúc nào cũng nhí nhảnh, lấc cấc..., nhưng mỗi khi vào cảnh quay là tôi hoàn toàn nhập tâm vào nhân vật, trở thành một con người hoàn toàn khác. Mà thực ra, tôi cũng cảm thấy mình chỉ thực sự tự tin nhất là khi đứng trước máy quay phim đánh một bài nào đó, một đòn nào đó. Nếu không làm nghề này, tôi không biết sẽ làm nghề gì khác", Kim Dung cười giòn tan chia sẻ.

Cô không muốn nói quá nhiều về mặt trái của nghề. Cũng như vậy, với gia đình mình, Kim Dung chọn cách giấu kín những chuyện không vui. 

"Nếu biết rõ thực tế công việc này, chắc chắn không ai trong gia đình đồng ý cho tôi theo nghề này được. Mỗi lần về nhà, mọi người hỏi, tôi chỉ nói hôm nay con đi làm vui lắm. Vui vì được gặp diễn viên này, diễn viên nọ. Nhưng mẹ cũng hay hỏi tôi: Ủa sao vết bầm này chưa khỏi, giờ lại có thêm vết bầm kia? Thì tôi cũng chỉ trả lời nghề này vậy mà chứ không dám kể chi tiết!", Kim Dung nói.

Trong thế giới nữ cascadeur - Kỳ cuối: Sự gan lì của cô nàng cascadeur vui tính - Ảnh 2.

Cascadeur Kim Dung trong giờ tập luyện tại CLB cascadeur TeamX Việt Nam - Ảnh: Mễ Thuận

Cascadeur không phải liều để chết

Kim Dung nhớ rất rõ pha đúp vai trong cảnh quay quảng cáo cho một thương hiệu xà bông tại thác Bản Giốc.

"Đạo diễn yêu cầu tôi nhảy từ mỏm đá xuống hồ nước như một vận động viên chuyên nghiệp. Nước ở đáy sông rất lạnh. Với cảnh này tôi không có nhiều thời gian, chỉ nhảy thử vài lần. Mà đoạn thác này tôi nghe đồn đã rất nhiều người tử nạn", Kim Dung nhớ lại.

Ở lần nhảy thử nghiệm đầu tiên, Kim Dung quá bất ngờ vì sau khi nhảy xuống, cô chờ hoài chân không chạm tới đáy. Nhớ lời anh đạo diễn hành động chỉ dẫn, trong bất cứ trường hợp nào cũng phải quạt tay thật mạnh để có thể trồi lên mặt nước, khi đó sẽ có người ứng cứu, cô đã y theo lời chỉ dẫn mà làm. May mắn cô đã trồi được lên mặt sông.

Nhưng sau vài lần nhảy thử, cơ thể Kim Dung đã thấm lạnh. Chính vì vậy, trước khi bước vào cảnh quay chính, Kim Dung dặn dò các anh cứu hộ: "Chắc chắn em không trồi lên mặt nước được vì đáy sông quá sâu mà còn có nhiều dòng nước cuốn rất mạnh. Nên các anh chủ động nhảy theo để cứu em".

Luôn hiểu rõ giới hạn của bản thân để tránh nguy hiểm chính là cách Kim Dung tự bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khi mối nguy hiểm được xác định không đe dọa đến tính mạng thì Kim Dung rất lì đòn. 

Đó là lần quay cảnh đánh nhau ở một bến xe giữa lúc trời nắng như đổ lửa. Sau ba trận chiến thấm mệt, Kim Dung đã đuối sức nên ở cú phi thân kẹp cổ đối thủ, cô bị té cắm cằm xuống nền đường nhựa. Cằm tuôn máu, cô phải vào viện khâu ba mũi.

Lúc trở lại phim trường, bất chấp sự can ngăn của mọi người, Kim Dung thuyết phục được cho diễn tiếp. 

"Mình đã nhận và đã tập cho cảnh quay này rồi nên bằng mọi giá sẽ là người thế vai. Lúc đó mọi người cản làm nước mắt tôi rưng rưng, dù cằm đau nói chuyện cũng không được nhưng tôi vẫn cố gắng thuyết phục, xin thêm cơ hội để làm. Rút cuộc tôi cũng được làm. Làm xong, tới chiều, tối tôi lại quay tiếp thêm các trận đánh khác nữa", Kim Dung nhớ lại.

Với nghề này, tai nạn không chỉ ngoài phim trường mà còn chực chờ trong từng phút, từng giờ trên sân tập. Có lần Dung và bạn tập quên bài nên cô phải hứng trọn một cú đấm vào mắt khiến mắt trái cô sưng tấy ngay trên sân tập. Nhưng những chuyện như vậy không hiếm trên sàn tập. Và những bài tập khó nhất với Dung chính là những bài nhào lộn. 

"Chỉ cần mình điều tiết cơ thể sai, mất tập trung chút xíu là cắm đầu xuống sàn tập như chơi. Tôi bị hoài, nhất là những khi hất ngược ra sau", Dung kể.

Khi bị gặng hỏi thêm những pha nguy hiểm mà cô từng phải đối mặt, Kim Dung nói: "Thực ra mỗi khi đi làm, thường cả nhóm cascadeur sẽ phối hợp với nhau, cùng hỗ trợ nhau thì dù có nguy hiểm nhưng mức độ nguy hiểm cũng được giảm đi đáng kể. 

Khi mình đã đến với nghề bằng đam mê, cộng với có sự tin tưởng từ đội nhóm, bản thân có máu liều một chút, tôi thấy mọi việc cũng không quá nguy hiểm. Mọi người cũng đừng nghĩ nghề cascadeur chỉ toàn những pha nguy hiểm".

Theo Kim Dung, cascadeur cũng cần mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình. Ví dụ khi đối diện một cảnh quay biết chắc sẽ không an toàn, cascadeur vẫn có quyền từ chối.

"Khi bị yêu cầu đóng cảnh quá nguy hiểm, cascadeur có quyền yêu cầu ngược lại về trang thiết bị bảo đảm an toàn. Chúng tôi liều mạng, ai cũng có máu liều mới làm cascadeur được, nhưng là máu liều để làm việc. Đóng phim, thế vai... chứ không phải liều để chết", Kim Dung khẳng định.

Vì đam mê, đừng vì hào quang người khác

Kim Dung khuyên các bạn trẻ muốn theo nghề cascadeur thì phải xác định đó là ham muốn của bản thân, đừng vì nhìn vào những hào quang của lớp đàn anh, đàn chị đã làm được mà theo nghề.

Cascadeur cũng nên xem việc tập luyện là một thói quen trong đời sống hằng ngày. Cũng chính vậy hơn 10 năm qua, Kim Dung vẫn miệt mài từ Biên Hòa lên Sài Gòn tập luyện mỗi ngày mà chưa bao giờ cảm thấy chán nản hay mệt mỏi...

MỄ THUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên