Ngoại hình đẹp, cascadeur Phi Ngọc Ánh còn được mời làm diễn viên nhiều phim - Ảnh: NVCC
Nỗi sợ thường trực
Ngọc Ánh nhớ lại những ngày đầu hăm hở đến với nghề: "Trước đó, nhìn mấy anh chị tập luyện, xem phim ảnh, tôi có suy nghĩ nghề này chắc cũng đơn giản thôi. Vì tôi là người tập võ, nên nếu có khó khăn, có mệt, có cực, chắc cũng giống như mình tập võ vovinam là cùng. Nhưng mà khi vào nghề cascadeur, tôi lại thấy việc tập luyện còn khó khăn, cực khổ hơn rất nhiều lần".
Cho tới lần đầu nhận được vai thế thân với cảnh đu bám trên bờ tường cao 15m rồi bị rơi tự do xuống đất trong một phim truyền hình, suy nghĩ của cô về nghề lại tiếp tục thay đổi. Bởi đó cũng là lúc Ngọc Ánh nếm trải cảm giác sợ hãi của nghề này.
"Đứng trước cảnh quay đu bám rồi rơi tự do trên bờ tường đó, tôi bắt đầu cảm thấy áp lực. Khi sắp vào cảnh quay, tôi sợ hãi đến run rẩy. Mồ hôi tay, mồ hôi chân đổ ra. Lúc đó trong đầu tôi nghĩ chắc mình không làm được", Ngọc Ánh kể.
Trước giờ bấm máy, nữ cascadeur trẻ sợ tới mức đã nói với thầy của mình là cascadeur, đạo diễn Quốc Thịnh: "Thầy ơi, chắc con không làm được đâu. Thầy hỏi tôi tại sao? Tôi mới nói con thấy sợ. Con sợ con run tay, con làm không được. Con sợ có chuyện không hay xảy ra sẽ làm mất thời gian của mọi người.
Thầy mới nói với tôi là không sao hết. Con hãy tin vào chính mình, tin vào sự chuẩn bị của mọi người thì chắc chắn con làm được. Và phải chờ đến 30 phút sau tôi mới tập trung được và thực hiện cảnh quay thành công".
Ngọc Ánh tâm sự nỗi sợ hãi này là nỗi sợ hãi lớn đầu tiên của cô lúc bước vào nghề cascadeur. Nhưng đã vào nghề, Ngọc Ánh còn phải đối diện nhiều nỗi sợ hãi lớn hơn thế rất nhiều.
"Bởi mỗi một thời gian trôi qua thì cấp độ nguy hiểm của các cảnh quay hành động, các pha thế thân mà mình thực hiện ngày càng nâng lên.
Và khi điện ảnh ngày càng phát triển, các đạo diễn cũng yêu cầu diễn viên thực hiện các pha mạo hiểm ngày càng khó hơn, chân thực hơn để bắt kịp xu thế quốc tế", Ngọc Ánh lý giải sự khắc nghiệt của nghề.
Ngọc Ánh nói từ ngày làm mẹ (hơn 4 năm qua), trước lúc đến phim trường thực hiện một cảnh quay mạo hiểm nào đó, cô thường ôm con thật chặt, thật lâu trong lòng, thể như muốn dành một điều gì đó tốt đẹp nhất cho con.
"Tôi luôn tự nhủ mình phải làm việc một cách tốt nhất, an toàn nhất. Thậm chí tôi sẵn sàng từ chối thực hiện cảnh quay nếu thực sự quá nguy hiểm với bản thân. Vì lỡ xảy ra trường hợp mình lại bị gãy tay, gãy chân, hay bị gì đó đáng sợ hơn nữa thì con mình sẽ ra sao?", Ngọc Ánh trải lòng.
Có những buổi quay buộc Ánh phải rời khỏi nhà lúc nửa đêm, thời điểm chồng con còn chìm trong giấc ngủ.
"Bước chân ra khỏi cổng, rồi ngoái đầu nhìn lại ngôi nhà mình lúc nửa đêm như vậy, cảm xúc thật sự kinh khủng. Cảm xúc đó thật khó ai có thể chia sẻ với tôi được. Và con mình càng lớn, mình càng quấn quýt con nhiều hơn cũng đồng nghĩa nỗi sợ những chuyện không hay xảy đến với mình ngày càng tăng lên", Ngọc Ánh bày tỏ.
Nhưng những nỗi sợ này không bao giờ chấm dứt, vì cứ có vai diễn là cô lại thêm một lần phải đối diện và vượt qua...
Phi Ngọc Ánh sử dụng võ thuật trên phim trường - Ảnh: NVCC
Đối diện hiểm nguy
Thêm một nỗi sợ khác trong nghề, theo Ngọc Ánh, đó là những trường hợp cô phải tận mắt chứng kiến các nguy hiểm mà bạn bè, đồng đội mình gặp phải trong lúc thực hiện những pha thế thân mạo hiểm.
Cô kể về lần mình bật khóc khi chứng kiến cascadeur Trần Như Thục thực hiện cảnh bay xe trong MV ca nhạc cho một ca sĩ nổi tiếng cách đây nhiều năm.
Theo trí nhớ Ngọc Ánh, chiếc xe để anh Thục thực hiện cú bay lộn vòng trên cao không được bảo hộ đầy đủ. Tất cả chi tiết bảo hộ đều do anh em cascadeur tự thực hiện, rất cơ bản và thô sơ.
Trong khi cảnh bay trên không lộn vòng với chiếc xe nặng hơn 1 tấn như vậy thực sự rất khủng khiếp. Và nó đã tóe lửa lúc tiếp đất.
"Đạo diễn vừa hô cắt, anh em chúng tôi đã bu lại nhưng không ai dám đụng tới anh Thục vì sợ anh ấy bị gãy xương. Cho đến 30 giây sau anh mới mở mắt. Lúc đó tôi đã bật khóc. Khóc không phải vì sợ nữa mà vì mừng cho anh Thục đã vượt qua nguy hiểm", Ngọc Ánh xúc động nhớ lại.
Càng chứng kiến nhiều pha mạo hiểm như vậy của đồng đội, Ngọc Ánh càng hiểu sâu sắc khi mình đã chấp nhận theo nghiệp cascadeur này cũng có nghĩa phải chấp nhận đối diện với những tình cảnh "một sống, hai chết" như thế bất cứ lúc nào.
Ngọc Ánh lý giải: "Trên phim trường, dù mình có bảo hộ như thế nào thì chỉ cần một tích tắc nào đó sơ hở cũng rất dễ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thậm chí mất mạng. Và mọi tính toán để đưa ra phương pháp bảo hộ của êkip cũng đều là những tính toán về mặt lý thuyết".
Điều hiển nhiên khác là cascadeur cũng không thể rút kinh nghiệm cụ thể cho từng cảnh quay, vì kinh nghiệm từ cảnh quay này lại không thể áp dụng vào cảnh quay tiếp theo khi bối cảnh đã thay đổi.
"Nhưng sau những nỗ lực hết mình đó, trở về với cuộc sống thực tại, cascadeur chẳng được gì cả. Lâu lắm mới có một phóng viên, nhà báo như anh hỏi tới công việc chúng tôi. Phải là những người thực sự nổi trội như tôi, anh Thục, hay chị Hoa (cascadeur Hoa Trần) mới được báo chí quan tâm tới. Còn lại, các bạn vẫn là những chiến binh thầm lặng", Ngọc Ánh trút bầu tâm sự.
Cô chia sẻ thêm: "Tôi có dịp làm việc với các êkip nước ngoài đều thấy mọi người dành sự tôn trọng rất lớn với công việc của cascadeur. Còn ở Việt Nam mình không được như thế.
Cụ thể như trong các bộ phim quốc tế, các diễn viên cascadeur đều được ghi tên ở cuối phim, rất chi tiết như họ đã đóng thế cho ai, trong cảnh quay nào.
Còn ở Việt Nam mình thì không. Thậm chí có diễn viên còn ngại để lộ thông tin mình đã dùng diễn viên đóng thế các cảnh nguy hiểm.
Trong khi cascadeur là người chịu sự nguy hiểm thay thế họ, bảo vệ họ. Điều đúng ra cần được ghi nhận thì đôi khi lại bị chối bỏ".
2 triệu đồng cho... té xe, lao vào xe tải
Có một điều quá vô lý khác, theo Ngọc Ánh, đó là công việc cascadeur nguy hiểm nhưng lương lại không bằng các bộ phận khác.
Cô thẳng thắn chia sẻ: "Ở thời điểm hiện tại, bạn có thể không tin nhưng thực tế có cascadeur thực hiện một cảnh quay khốc liệt: chạy xe môtô bị té, quăng xe vô gầm xe tải nhưng chỉ được nhận 2 triệu đồng. 2 triệu đó làm được gì trong thời buổi này? Mà để quay được cảnh đó, một cascadeur cần có 2, 3 đồng đội giúp mình.
Thực sự phải có niềm đam mê lắm, say mê lắm mới theo được nghề chứ không là thấy nản vô cùng! Vì nghề quá bấp bênh mà cũng không có gì để họ trông mong hết".
Phía sau thành công vai diễn Thanh Sói trong phim Hai Phượng khá nổi tiếng trên màn ảnh rộng, là một hành trình bền bỉ vượt khó để tự hoàn thiện bản thân mình của cascadeur - diễn viên Hoa Trần.
Kỳ tới: Có một "Thanh Sói" khác sau ánh hào quang
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận