Kỳ 1: Cuộc kiếm tìm trên biển Long Châu
Phóng to |
Liệt sĩ Nguyễn Quốc Quân đã trở về nghĩa trang liệt sĩ huyện Kỳ Anh sau 35 năm nằm trong lòng biển lạnh - Ảnh: Văn Định |
Theo dấu ADN...
Cùng với việc tìm kiếm hài cốt trên xác tàu đắm năm 1972, các cán bộ của phòng chính sách quân chủng cũng được tin trước đó ngư dân Quảng Ngãi từng mang một hài cốt đến nghĩa trang xã An Tiến, An Lão (Hải Phòng). Căn cứ vào trình bày của các ngư dân, hài cốt được xác định là liệt sĩ của một trong hai tàu 319 hoặc 349 đã bị chìm trong trận đánh ngày 27-8-1972. Hài cốt vừa được tàu HQ 438 đưa về cũng được đưa vào an táng tạm thời tại nghĩa trang liệt sĩ phường Quán Trữ, quận Kiến An, Hải Phòng trong lúc chờ đợi lấy mẫu vật phẩm để xác định ADN.
Rà tìm theo hồ sơ quân nhân, các cán bộ chiến sĩ của hai tàu phóng lôi 319 và 349 bị thương và được cứu sống năm ấy là sáu người, nhưng sau ngần ấy năm, lần theo địa chỉ quê quán để tìm thì chỉ còn lại ba người. Ông Bùi Đức Phê, một trong số các chiến sĩ bị thương của trận đánh năm ấy nay còn sống ở Điền Công, Yên Hưng (Quảng Ninh) cùng ông Hoàng Sinh Viên, cán bộ từng công tác trên tàu 319, cho biết trong số 19 liệt sĩ hi sinh, có 14 liệt sĩ xác chìm theo tàu, còn năm liệt sĩ khác được đưa về mai táng ngay sau đó. Để xác minh danh tính hai trong số 14 liệt sĩ chìm theo tàu lại là một cuộc kiếm tìm khác.
Từ Hải Phòng, các cán bộ của phòng chính sách, phòng quân y, đội vệ sinh phòng dịch của quân chủng cùng các bác sĩ của Viện Pháp y quân đội (Cục Quân y) lại lần theo dấu vết về tận quê hương các liệt sĩ tìm kiếm thân nhân có quan hệ huyết thống để có thể lấy mẫu máu xác định ADN, đối chứng với mẫu xương vừa tìm kiếm được. Từ Hà Tĩnh đến Hải Phòng, từ Ninh Bình đến Quảng Ninh, từ Thái Bình lên Hà Bắc... Hai mươi tám thân nhân của 14 liệt sĩ được lấy mẫu để đối chứng chỉ để xác định gia đình hai liệt sĩ. Đã 35 năm rồi, cuộc tìm kiếm thân nhân để lấy mẫu giám định không dễ dàng gì. Nhiều gia đình của liệt sĩ đã di chuyển nơi ở, nhiều người không còn bố mẹ, lại phải đi tìm anh em ruột sống ở tận những miền xa theo những dòng địa chỉ mong manh. Nhưng rồi tất cả đã có đầy đủ mẫu vật phẩm để giúp cuộc xét nghiệm ADN.
Và buổi sáng 29-11-2007 tại Viện Pháp y quân đội ở số 1C Trần Thánh Tông, Hà Nội là một ngày đáng nhớ với thân nhân hai liệt sĩ Hoàng Minh Tư và Nguyễn Quốc Quân - hai chiến sĩ trên hai con tàu phóng lôi 319 và 349.
Đó là giờ phút hai biên bản kết luận được công bố: “Từ các thông tin thu thập được, từ kết quả xét nghiệm và kết quả phân tích ADN cho phép chúng tôi kết luận: hài cốt có mẫu răng ký hiệu PY XVIII.07 là hài cốt liệt sĩ Nguyễn Quốc Quân và hài cốt có ký hiệu PY XVII.07 là hài cốt liệt sĩ Hoàng Minh Tư”.
Nguyễn Quốc Quân là chiến sĩ cơ điện của tàu 319 quê ở Hà Tĩnh và Hoàng Minh Tư là chiến sĩ rađa của tàu 349 quê ở Ninh Bình, khó mà diễn tả hết nỗi vui mừng của hai gia đình trong buổi sáng cuối đông Hà Nội đó.
Về lại quê nhà
Chúng tôi đã về Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để thắp nén nhang trên mộ liệt sĩ Nguyễn Quốc Quân, anh trở về vào thời khắc mà tất cả gia đình, chòm xóm đều không ai tin rằng có một ngày như thế. Chị Phạm Thị Hoa Lài, cháu gọi liệt sĩ Quân bằng cậu ruột, một trong hai người đã được lấy mẫu máu để xét nghiệm ADN. Bố mẹ liệt sĩ Quân đã mất gần mười năm trước. Ông Nguyễn Át - bố liệt sĩ Nguyễn Quốc Quân, người chị Lài gọi bằng ông ngoại - trong ký ức của chị Lài vào mỗi dịp giỗ người con trai thứ ba, ông ngoại chị thường đưa hương vàng, áo vải ra bờ biển hóa.
Có lần giỗ cậu, ông ngoại đã ngồi bên bờ biển suốt một đêm ròng và chỉ nhìn ra ngoài khơi. “Hình như sự chờ đợi của ông ngoại tôi đã chảy vào cát trắng và thấu tới trùng xanh nên run rủi cho chúng tôi có được cậu” - chị Lài nói. Trước lúc lâm chung, ông Át vẫn khắc khoải về thân xác người con đang nằm đâu đó dưới lòng biển lạnh, dù đã mấy chục năm trôi qua.
Giọng chị Lài chợt ấm lại: “Kể từ ngày các cán bộ của Viện Pháp y quân đội đến lấy mẫu máu, móng tay, móng chân, tóc của tôi và mẹ tôi để xác định ADN thì hi vọng tìm thấy hài cốt của cậu được nhen nhóm. Suốt thời gian chờ kết quả xét nghiệm, cả nhà tôi ai cũng thao thức, khó ngủ, nhất là mẹ tôi (chị ruột liệt sĩ Quân - nv) đêm nào cũng thắp nhang khấn vái sao cho hài cốt cậu tôi sẽ được tìm thấy”- chị Lài nhớ lại. Mong ước vậy nhưng niềm hi vọng rất mong manh.
Và niềm hi vọng mong manh ấy không ngờ lại thắng được nỗi vô vọng khôn cùng từ bao nhiêu năm qua. Nhất là ngày đưa hài cốt liệt sĩ Quân từ Hà Nội về. Hôm ấy cả xã Kỳ Trinh nhiều người dân thao thức chờ đợi, câu chuyện trở về quá kỳ lạ, quá ân tình, cho dù đã hi sinh thì việc tìm được hài cốt vẫn là một cái kết có hậu cho gia đình, dù cả bố và mẹ của liệt sĩ Quân đã thành người thiên cổ. Chị Hoa Lài ngân ngấn nước mắt: “Giá tìm được cậu tôi sớm hơn, chắc ông bà ngoại tôi sẽ vui khuây sống thêm được vài năm nữa”.
Hôm đó, ngày 30-11-2007, đoàn xe của Bộ tư lệnh quân chủng hải quân long trọng đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Quốc Quân về làm lễ truy điệu tại nhà thờ tộc họ, rồi đông đảo người dân trong xã đưa anh về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Kỳ Anh.
Cùng thời điểm đó ở thôn Cửa Trung, xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) lễ truy điệu liệt sĩ Hoàng Minh Tư đã được tổ chức tại gia đình. Anh đã trở về yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ xã nhà. Chuyến trở về của hai liệt sĩ Hoàng Minh Tư và Nguyễn Quốc Quân đã khởi đầu cho những chuyến trở về khác từ biển khơi của rất nhiều liệt sĩ.
Đó là những chuyến trở về đất Mẹ bi tráng và cảm động từ vịnh Bắc bộ, từ vùng biển Phú Quốc, từ Trường Sa của những liệt sĩ hải quân nhân dân Việt Nam...
__________
Lịch sử của đoàn tàu không số luôn có những trang bi tráng khi chuyến tàu vận tải vũ khí bị địch phát hiện. Trong số 97 liệt sĩ của đoàn tàu hi sinh khi vận chuyển vũ khí vào Nam đến nay chỉ duy nhất một liệt sĩ được tìm thấy hài cốt...
Kỳ tới: Theo chân người anh hùng trên đoàn tàu không số
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận