26/07/2011 04:04 GMT+7

Cuộc kiếm tìm trên biển Long Châu

LÊ ĐỨC DỤC - VĂN THÀNH
LÊ ĐỨC DỤC - VĂN THÀNH

TT - Một ngày cuối tháng 7-2007, Bộ tư lệnh Hải quân nhận được bức điện khẩn từ vùng A Hải quân với nội dung: trong lúc lặn tìm phế liệu trên vùng biển tây nam đèn biển đảo Long Châu, cách đảo Cát Bà chừng 30 hải lý, ngư dân hai tàu Quảng Ngãi số hiệu QNG 96383 và tàu Đại Thắng 01 đã phát hiện trong một xác tàu đắm một chứng minh thư quân nhân số hiệu 200057BD mang tên Vũ Tài Trò, và một số vật dụng khác, vài đoạn xương nghi là hài cốt của chiến sĩ hải quân.

qClcC3UH.jpgPhóng to

Theo mô tả của các ngư dân, chiếc tàu đắm dài khoảng 22m, rộng khoảng 5m, đã ngập trong bùn. Cạnh con tàu này còn có xác một tàu khác với kích thước tương tự.

Từ tấm chứng minh thư quân nhân...

Thông tin ban đầu ấy, cùng tấm chứng minh thư quân nhân mang tên Vũ Tài Trò như một sợi chỉ mỏng manh để Bộ tư lệnh Hải quân chỉ thị các phòng ban liên quan tìm kiếm dấu tích chiếc tàu bị đắm cùng hài cốt liệt sĩ trong những chiếc tàu kia. Khu vực tàu chìm được khoanh vùng tọa độ. Những trang hồ sơ quân nhân ố vàng từ vài chục năm trước được lật tìm. Và sau bao nhiêu nỗ lực tìm kiếm, cái tên Vũ Tài Trò được các cán bộ Cục Chính trị hải quân tìm thấy trong danh sách các chiến sĩ tham gia một trận đánh tàu khu trục Mỹ từ gần 40 năm trước.

“Vũ Tài Trò sinh 20-2-1950, quê quán Phong Hải, Yên Hưng, Quảng Ninh, nhập ngũ tháng 8-1971, là chiến sĩ huấn luyện kỹ thuật ngành cơ điện Trường Sĩ quan hải quân...”. Tuy nhiên theo hồ sơ quân nhân, anh Vũ Tài Trò đã phục vụ trong quân ngũ cho đến tháng 2-1988 và mất năm 2005 do mắc bệnh hiểm nghèo. Như vậy, hài cốt trên không phải của chiến sĩ Vũ Tài Trò mà có thể là đồng đội của anh trên một chiếc tàu bị chìm trong trận chiến nào đó.

Hồ sơ các trận đánh trên vùng biển này được xác minh lại và đã hé lộ ánh sáng cuối đường hầm: Trong cuốn Lịch sử hải quân nhân dân VN có một đoạn viết về trận đánh này: “Đêm 27-8-1972 nhiều tốp tàu tuần dương, khu trục vào bắn phá thành phố cảng Hải Phòng. Ta sử dụng lực lượng tàu phóng lôi gồm hai chiếc 319 và 349 ra đánh địch nhưng do chưa nắm thật chắc địch, xuất kích không đúng thời cơ, không giữ được yếu tố bất ngờ... nên trận chiến đấu không thành công, ta bị tổn thất hai tàu”.

Như vậy là đã rõ, có hai chiếc tàu phóng lôi của hải quân bị chìm tại vùng biển này vào ngày 27-8-1972 trong trận đánh tàu khu trục Mỹ. Đấy là hai tàu mang số hiệu HQ 319 và HQ 349. Một trong những thuyền trưởng của hai chiếc tàu kia là đại tá Lê Văn Miên, nguyên phó chỉ huy trưởng vùng E Hải quân, năm 1972 là thuyền trưởng tàu HQ 349.

Từ TP.HCM, đại tá Miên xác định Vũ Tài Trò đúng là chiến sĩ cơ điện trên tàu HQ 349 nhưng trong trận đánh ngày 27-8-1972, Vũ Tài Trò là một trong số sáu chiến sĩ bị thương và được tàu HQ 133 ra cứu, còn 19 chiến sĩ khác hi sinh (cả hai tàu có 25 chiến sĩ, tàu 319 có 13 người và tàu 349 có 12 người). Cùng thời điểm xác minh nhân thân các liệt sĩ hi sinh trên hai tàu HQ 349 và HQ 319, một lực lượng cán bộ chiến sĩ hải quân cũng được Bộ tư lệnh điều động ra vùng biển Long Châu, đến tọa độ nói trên để lặn tìm hài cốt các liệt sĩ.

GJPeFMmN.jpgPhóng to
Từ tấm chứng minh thư đơn sơ này đã lần ra dấu vết hài cốt các liệt sĩ - Ảnh L.Đ.Dục

Đến đáy bể...

Vùng A Hải quân, sau khi nhận chỉ thị của Bộ tư lệnh quân chủng, đã lập tức điều động tàu HQ 438 cùng lực lượng cán bộ chiến sĩ do đại tá Nguyễn Văn Dương, Phó chỉ huy trưởng vùng A, trực tiếp chỉ huy ra vùng biển tây nam Long Châu để xác định vị trí tàu đắm và tìm kiếm. Không thể thiếu một lực lượng tinh nhuệ được điều động theo tàu HQ 438 là nhóm chiến sĩ đặc công nước của đoàn M26 chuyên về lặn.

Đang là cuối tháng 7, biển mùa này bắt đầu động nhưng không thể xuất phát muộn hơn, bởi dòng chảy đáy biển nếu muộn một thời gian có thể làm xô lệch vị trí của tàu. Và cũng thật ngẫu nhiên đầy ý nghĩa khi chuyến tàu đi tìm hài cốt đồng đội trên biển lại xuất phát đúng vào Ngày thương binh liệt sĩ 27-7. Từ Hải Phòng, tàu ra đảo Cát Bà đúng lúc biển động dữ dội nhưng đoàn công tác vẫn quyết tâm ra khơi. Sóng đã lên cấp 6, cấp 7. Ở đó, tàu HQ 974 đang neo đậu làm nhiệm vụ trực quan sát và bảo vệ khu vực tàu 319 và 349 bị đắm vào năm 1972.

Buổi sáng đầu tiên khi thả neo tại tọa độ xác định, biển đã yên hơn nhưng vùng biển này lại có nhiều luồng nước chảy rất xiết, các chiến sĩ mang dây tiêu lặn từ tàu HQ 438 xuống để buộc vào thành chiếc tàu đắm định vị nhưng đều bị dòng hải lưu cuốn dạt đi, không tài nào néo được dây. Đánh vật hết ngày đầu tiên cũng định vị được dây tiêu.

Mặc trang phục thợ lặn với bình dưỡng khí, bốn chiến sĩ của nhóm “người nhái” làm công việc đáy bể mò kim. Thời tiết xấu cộng với trang bị lặn quá đơn sơ nên các ngư dân đi theo hỗ trợ không thể lặn cùng, mà sử dụng thiết bị lặn hiện đại thì ngư dân lại chưa quen.

Thiếu úy Lê Quang Đạo kể: Khi lặn xuống và vào được trong thân tàu, chỉ thấy một lớp bùn phủ kín lấp dày lên đáy tàu. Ánh đèn cực mạnh của trang phục thợ lặn chỉ soi thấy một vệt sáng nhờ nhờ ở độ sâu 47m nước. Những vật dụng sót lại chỉ là dây lưng, ca nhôm, bảng điện điều khiển.

Cả bốn chiến sĩ đặc công nước thay nhau rà soát từng khu vực nhỏ trong khoang tàu. Cứ 40 phút lại thay ca, rà soát chi li đến từng đềximet vuông để không sót chút gì của các đồng đội. Đến ngày thứ ba của cuộc tìm kiếm, các chiến sĩ đã thấy xương hộp sọ và các mẩu xương đùi, lặn tìm thêm hai ngày nữa để tin chắc đã kiểm tra các ngóc ngách của con tàu, cuộc tìm kiếm hài cốt tại vùng biển Long Châu kết thúc.

___________________

Tìm được hài cốt đúng là của liệt sĩ rồi, nhưng xác định được hài cốt ấy của liệt sĩ nào trong số bao nhiêu người đã hi sinh trên con tàu gần 40 năm trước là chuyện không dễ dàng...

Kỳ tới: Trả lại tên cho anh

LÊ ĐỨC DỤC - VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên