Ramit Sethi là một triệu phú vươn lên từ hai bàn tay trắng, được nhiều người biết đến thông qua chương trình How to Get Rich (Làm thế nào để giàu có) trên Netflix và tác giả cuốn sách bán chạy I Will Teach You to Be Rich (Tạm dịch: Tôi sẽ dạy bạn cách làm giàu).
Nhưng chắc chắn, anh sẽ không dạy bạn cách vung tiền mua một chiếc xe hơi sang trọng.
Trên thực tế, Sethi vẫn lái chiếc Honda Accord anh mua sau khi tốt nghiệp đại học năm 2005.
“Đó là một chiếc xe hợp lý. Tôi chăm sóc cẩn thận. Tôi có thể mua ô tô mới ngay nếu muốn. Nhưng xe mới không quan trọng với cuộc sống của tôi”, triệu phú nói với CNBC.
Nhờ mua một chiếc xe “giá phải chăng”, Sethi nhanh chóng hoàn tất thủ tục, thay vì đau đầu trả góp hàng tháng trong nhiều năm như nhiều người khác.
Số tiền đó anh dùng vào việc khác, quan trọng hơn, bao gồm du lịch, quyên góp và đầu tư.
Sethi gọi cách chi tiêu của mình là "chiến lược xoay tiền". Hiểu một cách đơn giản là chi ít cho những thứ không quá quan tâm, và chi nhiều cho những thứ mình quan tâm.
“Tôi vung tiền vào những thứ mình yêu thích. Bù lại tôi sẵn sàng cắt giảm mạnh tay những thứ bị tôi đánh giá là không quan trọng”, anh cho biết.
Bằng cách đó, một người thích mua sách có thể mua được nhiều sách hơn, hoặc mua ghế VIP trong sự kiện của tác giả họ yêu thích.
“Tiêu tiền là một nghệ thuật, chứ không chỉ đơn giản cứ bỏ tiền ra rồi mang đồ về nhà. Tiền tạo ra ý nghĩa và đó là một phần cốt lõi của cuộc sống giàu có”, Sethi nói.
“Chúng ta thường không nghĩ đến việc chi nhiều hơn cho sở thích, vì thường được dạy rằng chỉ nên chi tiêu ở mức giới hạn”, song Sethi không đồng tình với quan điểm đó.
Anh cho rằng cách chi "xoay tiền" sẽ giúp mọi người không phải hy sinh niềm vui, trong khi không phải lo lắng đi vay nợ.
Để làm được điều này, Sethi khuyên mọi người nên lập ra “kế hoạch chi tiêu có ý thức”. Điều này nghĩa là, phân bổ tiền thành bốn nhóm, ưu tiên theo thứ tự: Chi phí cố định (tiền thuê nhà, thế chấp, trả nợ vay thời sinh viên…), Tiết kiệm/dự phòng rủi ro, Đầu tư, và Sở thích (Sethi gọi đây là khoản chi “ăn chơi không sợ mưa rơi”).
Bằng cách này, sau khi phân bổ tiền vào những khoản chi cần thiết, còn lại mọi người có thể chi toàn bộ cho sở thích mà không phải lo lắng.
“Chúng ta được dạy rằng cần hạn chế chi tiêu. Điều đó là chưa chính xác. Chúng ta nên được dạy cách chi thật nhiều cho sở thích mà vẫn đủ sống”, Sethi đi đến kết luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận