Bầu trời Tagaytay tối mù do tro núi lửa hôm 13-1 - Ảnh: AP
Tro bụi từ núi lửa Taal bao trùm thủ đô Manila của Philippines đã buộc các trường học và cửa hiệu ở thành phố này phải tạm đóng cửa trong ngày 13-1. Các nhà địa chấn học cảnh báo núi lửa Taal có thể tiếp tục phun trào bất kỳ lúc nào, kéo theo nguy cơ xảy ra sóng thần.
Các trường học và cơ quan chính phủ đã đóng cửa theo chỉ thị của chính phủ, trong khi thị trường chứng khoán cũng ngừng giao dịch.
Hoạt động hàng không ở sân bay quốc tế thủ đô Manila đã bị gián đoạn một phần, sau khi hơn 500 chuyến bay bị hoãn hoặc hủy trong ngày 12-1. Khẩu trang đã nhanh chóng trở nên đắt hàng sau khi nhà chức trách khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
Nhà chức trách cảnh báo nguy cơ sóng thần ở hồ quanh miệng núi lửa nếu ngọn núi này tiếp tục phun trào tro bụi. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 240.000 người sống ở khu vực xung quanh núi lửa Taal đã phải đi sơ tán.
Ở phía tây nam núi lửa Taal, bầu trời ở các thành phố Agoncillo và Lemery bao phủ màn khói bụi dày đặc, ảnh hưởng tới hoạt động đi lại của người dân. Thị trưởng Agoncillo, Daniel Reyes, cho biết một số ngôi nhà và tòa nhà đã đổ sập khi hứng chịu các lớp tro bụi dày đặc trút xuống.
Ở thị trấn Agoncillo, các quan chức cho biết đã có một số nhà dân bị sập do tro núi lửa - Ảnh: REUTERS
Tại tỉnh Talisay Batangas lân cận, mưa đã biến tro bụi thành bùn. Lực lượng cứu hộ đã phải dùng xe tải để sơ tán người dân ở các cộng đồng dân cư hẻo lánh bị cô lập do mạng lưới điện và nước sinh hoạt bị cắt đứt.
Trước đó, ngày 12-1, núi lửa Taal ở tỉnh Batangas, cách thủ đô Manila khoảng 90 km về phía Nam, đã "thức giấc" khi phun hơi nước và tro bụi cao 1.000 mét vào không trung. Nhà chức trách cũng ghi nhận một số vụ động đất có độ lớn từ 1-3 khiến một số làng gần núi lửa rung lắc nhẹ.
Taal là núi lửa hoạt động mạnh thứ hai tại Philippines với 33 vụ phun trào trong lịch sử. Lần phun trào gần đây nhất của ngọn núi này là năm 1977. Theo Viện Nghiên cứu núi lửa và động đất Philippines (Phivolcs), núi lửa Taal có hoạt động địa chất ở mức vừa đến mức cao kể từ ngày 28/3/2019. Ngọn núi lửa nhỏ nhất thế giới này còn là một địa điểm du lịch, thu hút nhiều du khách nhờ cảnh đẹp.
Tia chớp lóe lên lúc núi lửa Taal phun hôm 12-1 - Ảnh: AP
Người dân ở Lemery, Batangas sơ tán khi tro bụi núi lửa phủ dày đặc khắp nơi - Ảnh: Twitter Jeffcanoy
Mưa xuống biến tro bụi thành bùn - Ảnh: Twitter Katrinadomingo
Núi lửa Taal tiếp tục phun tro bụi ngày 13-1. Nhà chức trách cảnh báo núi lửa phun có thể gây sóng thần - Ảnh: AP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận