10/12/2019 11:29 GMT+7

Vì sao New Zealand không dự đoán được núi lửa phun trên đảo du lịch khiến 5 người chết?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Theo chuyên gia, ngọn núi phun trào hơi nước bị đốt nóng trong lòng núi thay vì nham thạch, còn gọi là phun thủy nhiệt, và việc theo dõi hơi nước này rất khó.

Vì sao New Zealand không dự đoán được núi lửa phun trên đảo du lịch khiến 5 người chết? - Ảnh 1.

Núi lửa White Island phun trào ngày 9-12 - Ảnh: Reuters

Ngày 10-12, Chính phủ New Zealand xác nhận 5 người thiệt mạng, 8 người khác hiện vẫn mất tích và 31 người đang được điều trị tại bệnh viện sau vụ núi lửa White Island trên đảo Trắng của nước này phun trào một ngày trước đó.

Tuy nhiên, đã có rất ít cảnh báo được đưa ra trước đợt phun trào dù hòn đảo là một địa điểm du lịch và tại thời điểm phun trào vẫn có hàng chục người đang ở trên đảo. Tờ Guardian dẫn lời các nhà núi lửa học của tổ chức theo dõi địa chất GeoNet mô tả ngọn núi phun cột khói cao hơn 3km.

White Island là một trong những ngọn núi lửa thất thường nhất của New Zealand.

Trong trường hợp lần này, lượng nham thạch thấp trong núi và nhiệt độ cao, khí tác động lên nước ngầm và nước trên bề mặt núi tạo thành hệ thống thủy nhiệt nén bên dưới lớp đá.

Bất cứ tác động nào như động đất, tăng lượng khí bên trong hay thậm chí thay đổi mực nước hồ phía trên cũng có thể gây mất cân bằng và giải phóng lượng thủy nhiệt bên trong.

Tuy nhiên, hiện tượng phun thủy nhiệt thường diễn biết bất ngờ và rất khó dự đoán. Trong khi đó, tác động của nó lại rất lớn khi hơi nước có thể bùng nổ rất mạnh với tốc độ rất cao, chưa kể nguồn năng lượng khổng lồ có thể phá vỡ lớp đất đá và bắn chúng đi rất xa.

Mỗi năm đảo Trắng thu hút tới hơn 10.000 khách du lịch đến tham quan. Tuy nhiên, có rất ít cảnh báo rủi ro được phát đi, kể cả trên trang web của cơ quan du lịch New Zealand, bất chấp việc giới chuyên gia đã lên tiếng bày tỏ quan ngại núi lửa White Island đang gia tăng hoạt động trong thời gian gần đây.

Giáo sư Ray Cas, nhà nghiên cứu tại Đại học Monash, nhận định hòn đảo "là một thảm họa đang ngủ yên trong nhiều năm" và việc cho phép khai thác du lịch hằng ngày trên các ngọn núi lửa là điều rất nguy hiểm.

Tiến sĩ Ken Gledhill, chuyên gia của cơ quan địa chất New Zealand GNS Science, cho rằng vụ phun trào mới chỉ bắt đầu và có sự gia tăng hoạt động của các ngọn núi lửa trong vài tuần qua. Đến nay, các chuyên gia không dự đoán được sẽ còn có vụ phun trào nào khác xảy ra tại hòn đảo này trong vòng 24 giờ tới hay không.

Ngày 9-11, núi lửa bắt đầu "thức giấc" trên đảo Trắng vào lúc 14h11' (giờ địa phương), cách bờ biển đảo Bắc khoảng 50 km về phía Đông. Đảo Trắng, hay đảo Whakaari theo tiếng thổ dân, nằm ngoài khơi Vịnh Plenty, là một nơi nổi tiếng đối với những du khách thích phiêu lưu mạo hiểm.

Đảo Trắng có rất nhiều núi lửa, chúng tạo ra một "vành đai lửa" bao phủ hòn đảo và phun trào thường xuyên. Hoạt động của những ngọn núi lửa này diễn ra âm ỉ và bất ngờ, không đi kèm các dấu hiệu cảnh báo có thể cảm nhận trước như động đất, phản ứng rung, lắc bề mặt đảo…

Núi lửa phun trào ở New Zealand: Nạn nhân đến từ Anh, Mỹ, Úc, Trung Quốc, Malaysia Núi lửa phun trào ở New Zealand: Nạn nhân đến từ Anh, Mỹ, Úc, Trung Quốc, Malaysia

TTO - Có 8 người mất tích và 31 người nhập viện, trong đó một số người trong tình trạng nguy kịch sau khi núi lửa phun trào bất ngờ ở New Zealand. Các công dân Anh, Mỹ, Úc, Trung Quốc, Malaysia nằm trong số các du khách này.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên