02/05/2014 05:30 GMT+7

Trở lại Sam Lang - Kỳ 1: Mỗi một ngày trong bản nhỏ

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Giữa rừng nên hoàng hôn ở Sam Lang (Điện Biên) ập đến rất nhanh. Những em bé Mông trong lớp mẫu giáo của cô giáo Tòng Thị Minh ào ra khỏi cửa lớp.

Cầu treo Sam Lang: giấc mơ đã thành hiện thựcChui vào túi nilông để... qua suối

JG7gqjpy.jpgPhóng to
Cô giáo Minh và những học trò nhỏ trong phòng học mới - Ảnh: Ngọc Quang

Giàng Thị Thu và Mùa Thị Cá, hai em bé ở bản Sam Lang 1, được cô Minh đưa ra tận cổng để có bạn lớn hơn đưa về. Thu dọn giáo án, sách vở trên bàn cho vào cặp, cô Minh rời lớp và bắt đầu một đêm bình thường trong bản nhỏ người Mông giáp biên này.

“Điệp khúc” từng ngày

Hơn một tháng trước, khi tổ chức chương trình “Tháng 3 biên giới”, chúng tôi đã đến đây, câu chuyện về cô trò chui túi nilông qua suối Nậm Pồ đã được bạn đọc Tuổi Trẻ biết đến, nhiều tờ báo lớn trên thế giới cũng dẫn lại câu chuyện và bày tỏ sự khâm phục với chuyện học hành của những em nhỏ trên rẻo cao Việt Nam. Nhưng rồi hôm đó, do công việc của chương trình “Tháng 3 biên giới”, chúng tôi vội vã về lại Mường Phăng để thực hiện đêm hội Ngọn lửa tuổi trẻ, hẹn lần sau sẽ trở lại Sam Lang khi ngôi trường nhỏ giữa rừng được khánh thành.

Giờ thì chúng tôi đang ở cùng cô giáo Minh và các thầy ở điểm Trường Sam Lang.

Ngôi trường mới (kinh phí do bạn đọc Tuổi Trẻ đóng góp) với ba căn nhà xinh xắn ở bên sườn đồi. Hai ngôi nhà được xây kiên cố làm lớp học mẫu giáo và phòng học cho các lớp 1, 2, 3 của điểm trường này. Căn nhà gỗ với ba phòng sẽ là nơi ở cho cô Minh và các thầy giáo Trường, Chinh, Sen, Quý. Cô Minh chỉ vào căn phòng giữa gian nhà gỗ nói: “Em xin ở căn phòng giữa cho... đỡ sợ, bốn thầy sẽ ở hai căn phòng hai đầu hồi”. Nhưng đó là chuyện sau khi ngôi trường được khánh thành. Còn giờ thì chỉ mới có các học sinh mẫu giáo lên đây học. Và sau giờ học, cô giáo Minh lại về căn bếp cũ, nhóm bếp, bắc nồi cơm chỉ chưa đầy bơ gạo, vài thứ mắm muối mang theo từ hôm đầu tuần. Đó là “bữa cơm thường trong bản nhỏ” của cô Tòng Thị Minh trong suốt thời gian cô lên đây gieo chữ.

Trời sập tối, khép lại cánh cửa căn phòng lợp tranh tre phên nứa, cô Minh lại khoác túi về nhà của thôn đội trưởng Sam Lang, anh Mùa A Sáng. Có một chỗ ngủ nhỏ đầu hồi, che một bức rèm vải hoa đã cũ. Từ lâu nay, đêm đêm cô Minh về ngủ ở đây vì ngủ ở lán cô sợ... ma như bao nhiêu cô gái khác. Đêm Sam Lang không điện không đài không điện thoại, nhất là chiều chiều trời lại lắc rắc mấy hạt mưa thì khó mà diễn tả hết nỗi buồn! Tôi để ý trên tấm bạt quây che “phòng nghỉ” của cô Minh cạnh lớp học cũ có rất nhiều chữ “buồn quá” viết lẫn vào màu xanh tấm bạt. Hẳn là buồn rồi, khi cô Minh chỉ mới 23 tuổi, người yêu học tận Thái Nguyên, và ở bản nhỏ này những phương tiện “văn minh” còn xa vời quá.

Có cận cảnh với cô Minh trong những ngày vào Sam Lang lần này, chúng tôi mới hiểu hơn cái câu “Tất cả vì học sinh thân yêu” mà chúng tôi đã nhắc đến trong câu chuyện “chui túi nilông qua suối” hôm trước. Hôm đó chúng tôi đã viết rằng “Tất cả vì học sinh thân yêu” là một câu khẩu hiệu được viết rất trang trọng trên tường của nhiều ngôi trường.Nhưng ở Sam Lang, “Tất cả vì học sinh thân yêu” không hề là câu khẩu hiệu, nó hiện ra cụ thể trên chặng đường mà các thầy cô giáo như cô Minh, thầy Quý, thầy Sen, thầy Trường, thầy Chinh... đang mang con chữ đến với học sinh của mình.

Cái từ “học sinh thân yêu” ấy cụ thể trước mắt chúng tôi như bây giờ: sáng nay, trong bản Sam Lang có chuyện buồn, một phụ nữ người Mông là Lý Thị Dúa vì giận chồng ăn lá ngón tự tử, để lại đứa con nhỏ 5 tháng tuổi. Buổi sáng, những người Mông trong bản đi đưa ma. Buổi trưa, chúng tôi thấy cô Minh quày quả đi về mấy ngôi nhà trong bản. Chúng tôi theo cô. Hóa ra Minh đến để chuyện trò với mấy chị phụ nữ Mông bằng tiếng Mông (dù Minh là dân tộc Thái). “Sáng nay có thấy đứa con của chị Dúa không? Mẹ chết bỏ lại nhỏ thế thấy thương chưa. Từ nay có giận chồng cũng đừng ăn cái lá độc nhé, chết thì khổ con lắm. Đấy, con nó thèm ăn mía thì ai chặt cho?...” - đấy là lời Minh đi “vận động bà con” ở nhà chị Cư Thị Dí, vợ anh Mùa A Chính ở bản Sam Lang 2 mà sau đó một cán bộ biên phòng dịch lại cho chúng tôi nghe. Chị Dí có hai đứa con là Dua và Dủ đang là học trò ở lớp.

Nhìn cách Minh trò chuyện, dặn dò rất cụ thể, dễ hiểu mà sâu sắc như một cán bộ “vận động quần chúng” chính hiệu. Và không “vì học sinh thân yêu” thì thật khó có thể làm như thế. Khi Minh mở yên xe máy của mình, trong cốp xe chứa đầy... bánh kẹo. Minh cười: “Học sinh mẫu giáo ở đây thích thì đi học, không thích thì lên suối lên nương chơi, thành ra kẹo là cách để thuyết phục các em đến lớp. Vài hôm, thấy em nào vắng học lại chạy đến nhà và mang thêm... kẹo. Rồi từ đó các em mới đến lớp học hát học múa, chỉ tạo ra thói quen đến trường từ bé mới hi vọng lên lớp 1, lớp 2 các em chăm chỉ hơn”. Những hôm trời nắng thì không sao, trời hơi mưa, bố mẹ đi nương chưa về đón thì sau giờ học cô Minh lại dùng xe máy đưa học trò ở xa về tận nhà. Rồi lại bắc nồi cơm nhỏ một mình, ôm chăn màn đi lên nhà thôn đội trưởng để ngủ cho “an toàn”.

50Pc1BVH.jpg
Trò chuyện với phụ huynh trong bản - Ảnh: Ngọc Quang

Âm thầm một nghị lực

Hôm chúng tôi trở lại Sam Lang, không nhớ cô Minh đã nhắc với chúng tôi đến bao nhiêu lần cái câu “Em vui lắm” khi nói chuyện cây cầu treo Sam Lang sắp xong, chuyện ngôi trường, lớp học mới mà cô trò đang dạy và học. Rồi cô nói với chúng tôi: “Mấy gia đình người Mông ở đây rất quý cái chữ, vì thế mà chúng em càng có trách nhiệm hơn. Các ông bố bà mẹ khi nào gặp cũng bảo: “Cô giáo à, cô muốn cái đứa con mình đi học thì cái lòng cô phải... dài, lòng cô không dài thì không thương được nó đâu!”. Càng tiếp xúc, trò chuyện với cô Minh, hiểu ra sự tận tụy yêu thương học trò của cô đều có căn nguyên của nó.

Hôm xong việc ở Sam Lang, cô Minh cũng về nhà nghỉ lễ 30-4. Chúng tôi theo cô về nhà. Từ Sam Lang về ngôi nhà sàn bé nhỏ của cô ở bản Ló, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên phải đi gần 200 cây số, nhưng cô Minh chỉ có thể đi bằng xe máy bởi đi ôtô cô say xe không chịu được. Và có về thăm căn nhà của mấy mẹ con cô giáo Minh ở Bản Ló chúng tôi mới thấy hết nghị lực phi thường và sự hi sinh của Minh.

Bố bỏ ba mẹ con của Minh ra đi hơn 10 năm trước. Người mẹ nghèo ấy ngày ngày đi gánh gạch cho các công trình xây dựng. Mỗi ngày 400 gánh gạch được 200.000 đồng để nuôi ba đứa con ăn học. Rồi Minh thi vào trường sư phạm mẫu giáo, ra trường Minh tình nguyện lên tận Nậm Pồ này để dạy học. Nhìn ánh mắt âu yếm của bà Lường Thị Inh, mẹ của Minh, với con gái trong căn nhà nghèo nàn, sàn nhà vẫn lót bằng những nan tre nứa đập dập, cứ rung rinh ọp ẹp không thể không khâm phục chặng đường mà Minh đã đi qua. Bà Inh nói với chúng tôi: “Thương nó lắm, chị cả mà, mỗi tháng được vài triệu thì phải chia đôi lương của mình, một nửa đủ để sống, một nửa lương nó gửi cho tôi để nuôi hai đứa em”. Em của Minh, Tòng Thị Hạnh năm nay 20 tuổi, đang học Trường trung cấp Y tế Điện Biên, em trai út đang học lớp 7.

Tôi nhìn Minh bên mẹ và các em, nhìn căn nhà ọp ẹp nghèo khó giữa bản Ló mà nghe cay nơi mắt. Từ căn nhà rách nát ấy, Minh đã bền lòng vươn lên, và như một cơ duyên Minh đã gặp anh em Tuổi Trẻ để đưa những thước phim qua suối bằng túi nilông đến với cộng đồng, để hôm nay Sam Lang có một cây cầu. Cây cầu ấy dân Sam Lang, Nà Hỳ đã mơ ước nhiều năm qua, và giờ đã thành hiện thực bắt đầu từ clip của cô giáo Tòng Thị Minh.

Chúng tôi cũng đi tìm lại những nhân vật có mặt trong clip, và bất ngờ hơn khi gặp một “hiệp sĩ suối Nậm Pồ”.

_____________

Kỳ tới: “Hiệp sĩ suối Nậm Pồ”

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên