01/05/2014 10:09 GMT+7

Cầu treo Sam Lang: giấc mơ đã thành hiện thực

ĐỨC BÌNH - LÊ ĐỨC DỤC
ĐỨC BÌNH - LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Sau chưa đầy một tháng thi công, dự kiến cầu treo Sam Lang được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 5-5, hiện thực hóa giấc mơ bao đời của đồng bào người Mông, Thái, Dao ở bản Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên).

Trao thưởng cô giáo quay clip "Chui túi nilông qua suối" Chui vào túi nilông để... qua suối

jRpfkceZ.jpgPhóng to
Cầu treo Sam Lang đang được gấp rút thi công để kịp khánh thành đúng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Ảnh: Ngọc Quang

Chúng tôi trở lại Nà Hỳ sau hơn một tháng kể từ hôm thực hiện chương trình “Tháng ba biên giới” và kể cùng bạn đọc câu chuyện về thầy trò bản Sam Lang chui vào túi nilông vượt qua suối mùa lũ. Khi chúng tôi loay hoay định thuê xe máy để vào lại Sam Lang, thiếu tá Phương Công Quý, đồn trưởng biên phòng Nà Hỳ, bảo: “Xe chở vật liệu vào lắp ráp cầu treo, đường này ôtô đi ổn, cứ đi ôtô mà vào, cầu cũng sắp xong, chỉ một tháng mà hơn cả... mười năm!”.

Sừng sững cây cầu ở bản giáp biên

Từ trung tâm xã Nà Hỳ vượt đường dốc, cua gấp khoảng 8km chúng tôi đã nghe tiếng máy nổ, máy xúc rền vang nơi núi rừng hoang vắng. Chúng tôi ngỡ ngàng đứng bên suối Nậm Pồ, cây cầu gỗ vẫn chênh vênh bắc qua dòng nước, nhưng cây cầu treo mới cũng bề thế với hai trụ thép vươn cao hai đầu cầu, sơn màu xanh tươi tắn, trên đỉnh trụ lá cờ Tổ quốc bay phấp phới.

Đêm qua, khi ngủ ở đồn biên phòng Nà Hỳ, trò chuyện với các kỹ sư tham gia thi công xây dựng cầu, chúng tôi mới hay cầu treo Sam Lang là cây cầu đầu tiên ở Tây Bắc được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đặc biệt với hệ dây rất phức tạp trong quá trình thi công. Một tháng trước, có nằm mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ có cây cầu treo mọc lên ở đây.

Hàng chục công nhân Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Quảng Ninh) cùng các kỹ sư, giám sát kỹ thuật của Sở GTVT Điện Biên đang khẩn trương cho những công đoạn cuối cùng, lắp ghép dầm ngang dầm dọc và trải thép tấm lên mặt cầu.

Ông Vũ Đình Vinh, chỉ huy công trường, nói trong tiếng máy vang rền: “Đã làm nhiều công trình, nhưng chưa khi nào những người làm cầu chúng tôi lại có công trình đòi hỏi tiến độ, sự khẩn trương như công trình này. Dù thi công ở nơi biên giới xa xôi, khó khăn chất chồng, dù yêu cầu tiến độ gắt gao, nhưng đây vẫn là công trình được lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo xí nghiệp đòi hỏi chất lượng công trình phải cao nhất. Đây cũng là cây cầu “thí điểm”, tiên phong cho dự án 186 cây cầu treo vừa được triển khai xây dựng trên toàn quốc”.

Chưa thể đặt những bước chân lên cây cầu mới, nhưng rất đông người dân trong bản Sam Lang mỗi ngày cứ đến theo dõi, ngóng theo từng nhịp cầu mỗi bờ đang vươn ra lòng suối. Bà Giàng Thị Sua (bản Sam Lang 2) địu theo cháu nội trên lưng đứng hàng giờ bên bờ suối theo dõi người công nhân hàn từng mối hàn lắp ghép mặt cầu.

Bà mừng rỡ nói to bằng tiếng Mông: “Vui lắm, dân bản mình vui lắm. Sắp có cầu rồi, dân bản không còn sợ dòng nước lũ nữa đâu. Thanh niên bản mình, con trai mình sẽ không phải kéo người qua suối trong túi nilông nữa. Cô giáo lên bản, trẻ con trong bản đến trường không phải sợ mưa lũ nữa rồi. Vui lắm, sướng lắm!”.

Video clip do cô giáo Tòng Thị Minh cung cấp

Chạy đua với thời gian

Ông Vũ Đình Vinh cho biết cây cầu sẽ đảm bảo tiến độ xây dựng để ngày 5-5 khánh thành. Cầu Sam Lang sẽ lập kỷ lục về thời gian xây dựng, và quan trọng cây cầu hoàn thành trước mùa mưa lũ để giảm đi những khó khăn, nguy hiểm cho đồng bào sinh sống trên địa bàn biên giới này.

Theo ông Vinh, cây cầu được thiết kế, xây dựng theo kết cấu mới nhất VN, là khung thép, sàn thép, là loại cầu “bán vĩnh cửu”, tức là có thời gian sử dụng đảm bảo độ an toàn ít nhất từ 25 năm trở lên.

Cây cầu có chiều dài giữa hai trụ cổng cầu là 70m (chưa kể đường dẫn hai bên đầu cầu từ trụ cầu đến mố neo mỗi bên dài 15m), chiều rộng mặt cầu 1,5m. Cầu được làm toàn bộ bằng thép ống tổ hợp từ trụ tháp cầu (cao 7m, hình chữ H) đến dầm dọc, dầm ngang, lan can, mặt sàn...

Để xây dựng cây cầu này nơi biên giới Việt - Lào, ngay khi được lãnh đạo Bộ GTVT giao nhiệm vụ, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung đã vừa thiết kế vừa sản xuất tại xưởng của mình ở Quảng Ninh, sau đó đưa máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và cả chục công nhân lành nghề lên Sam Lang.

Khẩn trương bắt vít những con ốc lớn giữ lan can cầu, công nhân Đồng Xuân Kiên (37 tuổi) nói trong hơi thở: “Từng thi công rất nhiều công trình, các cây cầu khác nhau, nhưng đây là lần đầu tiên nhóm công nhân Quang Trung đi thi công một cây cầu treo ở nơi miền núi biên giới. Khó khăn thì chồng chất, thời tiết nơi vùng biên giáp Lào thì nắng nóng vô cùng. Để trốn tránh nắng, để chạy đua với thời gian, mỗi ngày 10 công nhân của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung phải làm việc từ 6g sáng và kéo dài đến 19g. Bởi chúng tôi biết, cây cầu hoàn thành sớm ngày nào thì không chỉ chúng tôi mà đồng bào trong bản cũng sẽ mừng vui ngày đó”.

ĐỨC BÌNH - LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên