30/04/2014 07:30 GMT+7

Trao thưởng cô giáo quay clip "Chui túi nilông qua suối"

Đ.BÌNH - L.Đ.DỤC - Đ.QUYÊN - T.TÚ
Đ.BÌNH - L.Đ.DỤC - Đ.QUYÊN - T.TÚ

TT - Chiều 28-4, trong chuyến công tác đến Sam Lang (Điện Biên), đại diện báo Tuổi Trẻ đã trân trọng trao giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 3-2014” đến cô giáo Tòng Thị Minh, tác giả clip “Chui vào túi nilông để... qua suối”.

Chui vào túi nilông để... qua suối Người mua ve chai và số tiền 5,2 triệu yên NhậtKinh hoàng 4 cán bộ, giáo viên bị tạt axít

qcqYaKKc.jpgPhóng to
Từ trái sang: Cô giáo Tòng Thị Minh - Sinh viên Nguyễn Hoàng Long - Ông Lê Văn Sơn - Ảnh: Ngọc Quang, Đ.Quyên, T.Tú

Cùng với cô giáo Minh của điểm Trường Sam Lang (xã biên giới Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, Điện Biên), giải thưởng tháng 3-2014 cũng trao đến hai bạn đọc khác. Đó là sinh viên Nguyễn Hoàng Long (Trường đại học Ngoại ngữ - tin học TP.HCM) - người báo tin vụ “Mua ve chai phát hiện hơn 5 triệu yen Nhật” (Tuổi Trẻ ngày 23-3) và ông Lê Văn Sơn (Đồng Tháp)- người báo tin một thầy giáo tạt axit làm bốn đồng nghiệp bị phỏng nặng (Tuổi Trẻ ngày 22-3).

Video clip do cô giáo Tòng Thị Minh cung cấp

Cây cầu là phần thưởng lớn

Bài viết kèm theo clip “Chui vào túi nilông để... qua suối” đã gây xúc động mạnh đối với bạn đọc. Gần 1.000 ý kiến phản hồi gửi về báo Tuổi Trẻ, trong đó rất nhiều bạn đọc cho biết đã rơi nước mắt khi nhìn cảnh qua suối quá nguy hiểm của học sinh và cô giáo tại Sam Lang. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khi đó đang công tác tại Nhật Bản đã điện thoại về yêu cầu các cục, vụ của bộ nhanh chóng phối hợp cùng Sở GTVT Điện Biên khảo sát, thiết kế để xây dựng một cây cầu treo cho dân bản Sam Lang ngay trước mùa mưa lũ 2014. Sau khi khảo sát, làm các thủ tục cần thiết, ngày 11-4 cầu treo Sam Lang chính thức được khởi công xây dựng.

Nhận giải thưởng (kèm 3 triệu đồng) cùng với gần 3,5 triệu đồng nhuận bút của clip này, cô giáo Minh không giấu được sự ngạc nhiên: “Tôi không nghĩ mình được giải thưởng và nhuận bút thế này. Tôi nghĩ phần thưởng lớn nhất của mình khi gửi clip này cho báo Tuổi Trẻ là việc dân bản Sam Lang đã sớm có được cây cầu treo mong ước bao năm nay, thêm vào đó là người dân có được con đường mà ôtô có thể vào đến tận bản”. Rồi cô giáo Minh bày tỏ: Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã “bắc cầu” để bản Sam Lang có được con đường, cây cầu, điểm trường mới.

Thiếu tá Phương Công Quý, đồn trưởng đồn biên phòng Nà Hỳ, cũng hoan hỉ: “Phải nói cô giáo Minh rất dũng cảm. Dũng cảm vượt suối bằng cách chui vào túi nilông, dũng cảm khi gửi clip này cho báo Tuổi Trẻ, điều mà cô giáo không dám và rất e ngại khi trước đó đã có nhiều phóng viên biết và xin clip này nhưng cô không dám cho. Cũng chính vì clip này mà dân bản có con đường mới, có cầu treo mới. Lính biên phòng chúng tôi cũng rất vui vì giờ đây con đường tuần tra biên giới của chúng tôi thuận lợi hơn. Mùa lũ tới, người dân và lính biên phòng đã có thể vượt suối Nậm Pồ một cách an toàn, học sinh và cô giáo không còn phải chui vào túi nilông nữa”.

Trước đó (tháng 3-2014), trong chương trình “Tháng 3 biên giới”, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên, Tỉnh đoàn Điện Biên khởi công xây dựng điểm Trường Sam Lang. Theo kế hoạch, ngày 2-5 báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức khánh thành, bàn giao điểm Trường Sam Lang (gồm ba phòng học tường xây, mái fibro-ximăng, nền lát gạch men, nhà vệ sinh và ba phòng bán trú bưng ván gỗ để làm nơi ăn ngủ của thầy cô...). Tiếp đó ngày 5-5, cây cầu treo Sam Lang bằng kết cấu khung thép, sàn thép cũng sẽ được khánh thành đưa vào sử dụng.

Để có báo chí giám sát

Sinh viên Nguyễn Hoàng Long tâm sự như vậy về quyết định báo tin cho báo Tuổi Trẻ câu chuyện người mua ve chai phát hiện hơn 5 triệu yen Nhật. Long kể: “Hôm đó đi học về, tôi ghé nhà người cô ăn cơm thì nghe bà con ở khu chợ Trần Văn Quang (phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM) bàn tán xôn xao về chuyện cô Huỳnh Thị Ánh Hồng mua ve chai phát hiện 5 triệu yen Nhật trong thùng loa phế thải. Sự việc lúc đó rất lộn xộn, một số người biết chuyện đã kéo đến nhà trọ cô Hồng đòi chia tiền cho họ. Cuối cùng, cô đã phải chọn giải pháp an toàn là giao nộp số tiền cho Công an phường 10. Về nhà, tôi đem câu chuyện này kể với ba tôi rồi nói giá như có tờ báo nào viết vụ này thì tốt cho cô ấy quá. Thế là ba tôi cho số đường dây nóng của Tuổi Trẻ và khuyến khích tôi gọi ngay cho báo”.

Long tâm sự ba Long là một người hâm mộ báo Tuổi Trẻ và báo Bóng Đá, nên số đường dây nóng Tuổi Trẻ ông thuộc nằm lòng chứ không cần lưu vào máy. Ngay khi báo đăng vụ việc, Long đã liên tục lên mạng theo dõi tin tức để xem công an phường giải quyết số tiền này như thế nào và tạm yên tâm khi được biết sau một năm nếu không ai chứng minh được là chủ sở hữu món tiền này, cô Hồng sẽ được hưởng một phần số tiền trên.

Cũng với mong muốn có báo chí giám sát sự việc xảy ra, khi có người thân là nạn nhân trong vụ một giáo viên Trường THCS Tân Phú (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) tạt axit làm bốn đồng nghiệp bị phỏng nặng, bạn đọc Lê Văn Sơn nghĩ ngay đến Tuổi Trẻ và gọi báo thông tin vụ việc. “Sáng hôm sau thấy báo đăng, tui rất vui nhưng tiếc là báo đã hết rất sớm. May nhờ người bán báo kịp photo bài viết đó để tặng bạn đọc nên có thêm nhiều người đọc được vụ việc này”- ông Sơn cho biết.

Ông Sơn kể trước đây sống bằng nghề làm ruộng, đến năm 2002 vợ chồng ông quyết định bán hết ruộng để mở cây xăng cho đến nay. Do là “dân hai lúa” không am hiểu thị trường nên ông đã được bạn bè giới thiệu đọc báo Tuổi Trẻ để nắm bắt thông tin, nhất là diễn biến cập nhật về tình hình và giá xăng dầu. “Thấy Tuổi Trẻ thông tin nhanh nhạy, chính xác nên tôi tin tưởng, đọc riết rồi thành ghiền, bỏ không được - bạn đọc Sơn tâm sự rồi nói thêm - Sau này có việc gì nóng tôi sẽ tiếp tục thông tin cho Tuổi Trẻ. Tôi sẽ tiếp tục là bạn đồng hành lâu dài với báo Tuổi Trẻ”.

Đ.BÌNH - L.Đ.DỤC - Đ.QUYÊN - T.TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên