Nghĩa tình trong cơn khốn khóGiải quyết quyền lợi cho công nhân tạm ngưng việcHỗ trợ các doanh nghiệp trả lương
Phóng to |
Công ty Esquel Garment Manufacturing (KCN VSIP1, Bình Dương) trở lại sản xuất bình thường với 53 chuyền may - Ảnh: Đình Dân |
Mượn, thuê máy móc từ các nơi để đảm bảo dây chuyền sản xuất, cắt cử chuyên gia từ nước ngoài đến VN thẩm định và lập ngay kế hoạch phục hồi “càng nhanh càng tốt”, chấp nhận xuất hàng bằng máy bay để giữ uy tín và củng cố niềm tin của khách hàng...
Đó là không khí được chúng tôi ghi nhận tại các doanh nghiệp bị thiệt hại trong vụ đập phá của một số đối tượng quá khích vào giữa tháng 5. Những doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã và đang hồi sinh một cách mạnh mẽ bằng chính tiềm lực của mình và những hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền...
Chung tay giữ khách hàng
Hơn 600 máy may bị hư hỏng, mất mát tương đương với việc khoảng 5/53 chuyền may ngưng hoạt động khiến một số đơn hàng của Công ty Esquel Garment Manufacturing (doanh nghiệp may mặc vốn Hong Kong, KCN VN - Singapore 1, Bình Dương) có nguy cơ bị trễ. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau khi xảy ra sự cố, từ ngày 26-5 toàn bộ hệ thống nhà máy của Esquel Garment Manufacturing đã hoạt động bình thường trở lại với đầy đủ 53 chuyền may.
Ông Dương Minh Tâm - phó giám đốc nhà máy phụ trách sản xuất - khẳng định: “Ngay khi sự việc xảy ra, ban quản trị tập đoàn và công ty lập tức họp bàn phương án phục hồi bằng cách đưa chuyên gia từ Nhật Bản qua để kiểm định độ hư của máy móc: cái nào cần thay thế hoàn toàn, cái nào thay bộ phận, cái nào ưu tiên phục hồi trước... Đặt uy tín với khách hàng lên trên hết, không cách nào khác là doanh nghiệp phải tự nỗ lực cứu sống mình trước”.
Công nhân với chương trình “Vì biển đảo thân yêu” Giờ nghỉ trưa của Công ty YuJin Vina - KCX Linh Trung 1 trở thành một giờ rất ý nghĩa khi hàng loạt công nhân tự tay bỏ vào thùng quyên góp “Vì biển đảo thân yêu” những tờ tiền mà họ làm ra bằng chính mồ hôi công sức. Đây là một trong những chương trình được công đoàn công ty phát động để cán bộ công nhân thể hiện lòng yêu nước của mình một cách thiết thực nhất. Chỉ trong bốn ngày đầu phát động, quỹ “Vì biển đảo thân yêu” đã quyên góp được hơn 50 triệu đồng. Có nhiều công nhân đã tự nguyện tiết kiệm tiền ăn sáng hằng ngày để được đóng góp nhiều hơn nữa cho quỹ. |
Và một thông điệp được gửi đến toàn bộ 5.200 cán bộ công nhân viên từ bà Marjorie Yang - chủ tịch Tập đoàn Esquel: “Tiếp tục tin tưởng và duy trì đầu tư sản xuất tại VN” cùng với lời nhắn nhủ hãy đoàn kết, chung tay vượt qua những khó khăn. Với sự hợp sức của hai nhà máy khác đang hoạt động tại VN cùng đội ngũ chuyên gia từ nước ngoài sang, đúng một tuần kể từ ngày xảy ra sự cố, toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất của Esquel đã hoạt động trở lại với 100% công suất.
Ông Tâm cho rằng điều tối kỵ trong xuất khẩu hàng may mặc chính là trễ đơn hàng, nên doanh nghiệp phải biết xoay xở đủ đơn hàng có chất lượng và chấp nhận vận chuyển theo đường hàng không dù chi phí đội lên nhiều. “Do đó, không còn cách nào khác là chúng ta phải nỗ lực và chứng minh rằng môi trường đầu tư sản xuất của chúng ta đang ổn định trở lại và sẽ chẳng có sự cố đáng tiếc nào xảy ra nữa” - ông Tâm nói.
Tương tự, tại KCX Linh Trung 1 (TP.HCM), hầu hết doanh nghiệp đã hoạt động ổn định trở lại, xe hàng vào ra các nhà máy nhộn nhịp như chưa từng xảy ra sự cố. Những doanh nghiệp có số lượng công nhân khá lớn và bị thiệt hại nặng trong sự cố vừa qua như Công ty Freetrend - nơi có hơn 38.000 công nhân, Công ty YuJin ViNa (100% vốn Hàn Quốc)... cũng đang rất tấp nập những chuyến hàng và không khí làm việc vui vẻ.
Anh Đỗ Thanh Bình - trợ lý giám đốc của Công ty YuJin ViNa - vừa dẫn chúng tôi đi một vòng quanh các xưởng đang hoạt động hết công suất vừa kể: “Chúng tôi chỉ nghỉ mất một ca làm việc để phục hồi sản xuất của công ty, tâm lý anh chị em công nhân rất tốt. Sau chuyện vừa rồi, đại diện các tổ trưởng tổ sản xuất lên gặp lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng họ sẵn sàng làm tăng ca để không bị trễ đơn hàng. Điều đó thật sự động viên và làm ấm lòng ban giám đốc doanh nghiệp rất nhiều”.
Phóng to |
Công ty Esquel Garment Manufacturing đã phục hồi sản xuất chỉ sau một tuần. Đến nay công ty đã hoạt động bình thường trở lại với đầy đủ 53 chuyền may - Ảnh: Đình Dân |
Thay đổi để mạnh hơn
Vẫn còn nhiều khó khăn ở các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, nhưng hầu hết doanh nghiệp khẳng định rằng trong khi chờ đợi sự hỗ trợ từ phía chính quyền, bản thân doanh nghiệp phải quyết tâm khôi phục bằng chính tiềm lực của mình. Điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất là các doanh nghiệp tự cho rằng qua sự cố đó, họ có nhiều bài học hơn trong cách quản trị nhân sự, quản lý nhà máy và nhất là cách đối phó, xử lý thông tin khi có sự cố xảy ra.
“Sự cố xảy ra nằm ngoài khả năng kiểm soát và bảo vệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta có thể hạn chế được sự lây lan nếu chính trong doanh nghiệp có được một lực lượng “điển hình” đứng ra làm tuyên truyền viên, giải thích cho công nhân hiểu họ nên làm gì” - anh Nguyễn Thái Dương Đông, chủ tịch công đoàn Công ty YuJin ViNa nói.
Theo anh Đông, doanh nghiệp cần phải thấy được muốn ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh thì yếu tố con người luôn đặt lên hàng đầu. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho họ mà còn phải có được những kết nối mật thiết và đủ độ tin cậy để khi có sự cố xảy ra, họ sẽ biết nên làm gì để giúp doanh nghiệp.
Tranh thủ thời gian nghỉ trưa để gói từng món quà dành tặng con công nhân nhân Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6, bà Trương Thúy Liên - giám đốc Công ty giày da xuất khẩu Liên Phát (KCN Bình Đường, Bình Dương) - cho biết rất vui vì hoạt động sản xuất của công ty sau ba ngày nghỉ đã ổn định trở lại. “Mọi việc đều đã đi vào quy củ, nhưng điều khiến tôi cảm thấy vui nhất chính là thái độ làm việc rất nghiêm túc của công nhân. Nếu trước đây quản đốc phải thường xuyên nhắc nhở họ về thái độ làm việc, thì nay họ làm việc với ý thức của chính mình”.
Cũng theo bà Liên, hiện tại phần lớn đơn hàng cho tháng 6 và 7 đều được Liên Phát hoàn thành đúng thời hạn đề ra. Dù một vài cơ sở vật chất bị ảnh hưởng bởi sự cố và công ty phải ngừng sản xuất ba ngày, nhưng ngay sau đó doanh nghiệp đã chủ động liên hệ với khách hàng để khẳng định họ vẫn được nhận hàng đúng ngày theo hợp đồng và Liên Phát vẫn hoạt động bình thường.
Đang tỉ mẩn chỉ dẫn công nhân đóng đế giày, ông Trương Lý Quân - chuyên gia người Trung Quốc tại Công ty Liên Phát - cho biết đã có 10 năm sống tại VN và hơn tám năm gắn bó với các công nhân Việt trong nhà máy này nên họ như người một nhà. “Mọi người rất quý mến tôi và tôi cũng thế. Sau sự cố vừa qua, tôi cùng 12 chuyên gia người Trung Quốc và Đài Loan đã quay lại nhà máy làm việc bình thường, tình cảm của mọi người và chúng tôi vẫn như xưa” - ông nói.
Bình Dương trao chứng nhận đầu tư 41 dự án FDI Ngày 4-6, UBND tỉnh Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 41 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào địa bàn, với tổng vốn đầu tư hơn 146 triệu USD. Như vậy, tính từ tháng 2-2014 tới nay, Bình Dương đã có hơn 80 doanh nghiệp FDI đăng ký mới hoặc tăng vốn đầu tư, với tổng số vốn đăng ký lên tới 258 triệu USD. Ông Mai Hùng Dũng - giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Dương - cho biết trong số các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Bình Dương thời gian gần đây, chỉ có khoảng 1/3 là đầu tư mới, còn gần 2/3 là các doanh nghiệp đang hoạt động mở rộng đầu tư. Tại buổi họp báo sau lễ trao giấy chứng nhận đầu tư, đại diện Sở Lao động - thương binh và xã hội Bình Dương cho biết tới nay toàn tỉnh còn 10 doanh nghiệp bị cháy chưa hoạt động trở lại, với hơn 18.800 công nhân. Một số công ty sẽ hoạt động trở lại một phần trong thời gian tới, nhưng có thể có khoảng 9.300 công nhân sẽ không còn việc làm ở những công ty cũ. Các công nhân này sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền bảo hiểm thất nghiệp và được hỗ trợ tìm kiếm công việc mới. BÁ SƠN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận