Khởi tố thêm 8 bị can trong vụ gây rối ở Đồng NaiSớm xét xử những kẻ lợi dụng tình hình để gây rối, đập pháUBND tỉnh Bình Dương kêu gọi người dân tránh bị lợi dụng
Phóng to |
Công nhân Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing (KCN VSIP 1) dọn dẹp nhà xưởng từ ngày 16-5 đến nay để công ty sớm hoạt động trở lại - Ảnh: Yến Trinh |
Trên cổng rào các công ty vẫn còn những dấu tích của sự đập phá cách đó một tuần, nhưng trong nhiều nhà xưởng hoạt động sản xuất đã trở lại.
Chị Đồng Thị Hiền, 33 tuổi, công nhân Công ty Sản xuất phụ kiện giày dép C (KCN Việt-Hương), vừa tất bật làm việc trong chuyền dệt dây giày vừa nói: “Hôm nay (19-5) là ngày đầu chúng tôi đi làm trở lại, sẽ cố gắng tăng năng suất 10% vì hứa với ông tổng giám đốc rồi”.
Chung tay dựng lại nhà xưởng
Day dứt vì đi theo đối tượng quá khích Tại khu nhà trọ ở P. Long Bình (TP Biên Hòa), anh Minh Quân (ngụ P.Long Bình) tâm sự: “Tôi thấy nhiều người cầm cờ biểu hiện tinh thần yêu nước. Tôi đi theo hô hào. Sau đó, khi tôi thấy nơi làm việc của mình ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 bị đập phá đã khiến tôi day dứt đến ngày hôm nay...”. |
Trời nóng hầm hập. Bên trong xưởng Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing (KCN VSIP 1), hàng chục cán bộ và công nhân vẫn đang sửa chữa dọn dẹp. Tiếng động cơ, tiếng dọn quét, tiếng người trò chuyện động viên nhau. Phía bên kia là một tốp công nhân cơ khí đang xem lại máy móc, sắp xếp dụng cụ sản xuất còn ngổn ngang. Bên này, nhiều công nhân nữ kiểm lại những thùng hàng dở dang, lau dọn thu vén các dây chuyền sản xuất.
“Chúng tôi bắt đầu dọn dẹp từ sáng 16-5, hôm nay là đỡ lắm rồi. Khi ban giám đốc gọi lên phụ một tay, công nhân chúng tôi ai cũng không cầm được nước mắt vì công xưởng mình gắn bó bao nhiêu năm trời đã bị đập phá, không biết phải bắt đầu dọn dẹp từ đâu...” - chị Mai Thị Xoan, 35 tuổi, làm công nhân công ty năm năm nay, kể lại. Chị nói trong thời gian chờ làm việc, chị sẽ không bỏ công ty vì chế độ cho công nhân rất tốt, một tháng bình quân chị nhận 5 triệu đồng tiền lương đáng với công sức mình. Chị tính tìm việc làm đỡ để trang trải, như đi phụ bán quán cơm hoặc giúp việc nhà để lo cho con trai đang học lớp 7.
Dù cả giới chủ và công nhân của công ty chúng tôi gặp hôm nay nỗi buồn còn đó nhưng thấp thoáng đã thấy nụ cười. Anh Phan Khắc Thành, chủ tịch công đoàn công ty, nói hiện tại công nhân đã an tâm hơn vì công ty vẫn thanh toán lương căn bản và tiền lương trong những ngày họ nghỉ việc nên anh em rất mừng. “Ngày nào công nhân cũng tới cổng công ty hỏi tình hình rồi xin được vào phụ dọn dẹp, tôi vừa buồn vừa xót. Đừng chê tôi đàn ông mà rơi nước mắt, nhưng từ bữa tới giờ cứ nhắc tới mấy ngày đó là lại không nén được. Làm lâu, ai mà không coi nơi này là nhà” - anh nói.
Anh Thành cho biết sáng nào cũng có công nhân tới nói muốn vào dọn dẹp phụ. Về việc hỗ trợ công nhân, anh nói hiện đang bàn với lãnh đạo sớm mở cửa trở lại “phòng bán hàng công đoàn” lập nên từ hai năm nay, chuyên bán nhu yếu phẩm trợ giá 20-30% cho công nhân mỗi đầu tháng, như thùng mì 90.000 đồng còn 60.000-70.000 đồng, giảm giá mắm muối gạo đường... để đỡ phần nào chi phí. Công ty cũng kêu gọi công nhân chịu khó tiện tặn những ngày này, dự kiến tuần tới sẽ trở lại sản xuất.
Ông chủ chia sẻ với công nhân
Suốt thời gian trò chuyện, ông T., người Đài Loan, tổng giám đốc Công ty C (KCN Việt - Hương), không nhắc chuyện trước đó nữa, chỉ nói rằng ông thấy nhẹ người khi hôm nay công ty hoạt động trở lại, nhà xưởng và các thiết bị đã được sửa sang.
Ông T. kể lại trong buổi tiếp xúc với chính quyền trước đây, khi nghe nhiều công ty bạn Đài Loan khác e ngại việc hoạt động trở lại, ông đã khuyên họ đừng làm thế. “Tôi mở công ty 16 năm rồi, cũng gắn bó với Việt Nam chừng ấy năm. Tôi thấy công nhân mình sống nghĩa tình và làm việc chăm chỉ, nếu đóng cửa luôn sẽ tội cho họ lắm” - ông nói.
Ông T. đang bàn với lãnh đạo công ty xem xét trả lương những ngày vừa qua, và có thể tặng mỗi công nhân một ít gạo, mì gói để san sẻ nỗi khó khăn của họ. “Tôi biết những người đập phá không phải là công nhân, và nếu có thì do họ bị kích động. Công nhân của chúng tôi không làm thế đâu” - ông tin như vậy.
Đi một vòng Công ty C, nhiều công nhân cho biết họ sẽ cố gắng làm việc tăng năng suất 10% trong hôm nay vì đơn hàng đã trễ, hơn nữa họ muốn an ủi ban lãnh đạo công ty. Chị Hiền, gắn bó với công ty đã lâu, bộc bạch: “Chỉ mong mọi việc ổn định để chúng tôi yên tâm lao động”.
Theo ông Hàng Vay Chi, tổng giám đốc KCN Việt - Hương, với 80 công ty và 15.000 công nhân, đến nay 90% công nhân đã đi làm trở lại, số còn lại do chủ doanh nghiệp chưa có mặt nên còn chờ đợi. Ông nói điều đáng mừng là sau vụ việc, hầu hết ban giám đốc các công ty đều nhận thấy công nhân mang tinh thần bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp, bảo vệ miếng cơm manh áo của mình.
Chúng tôi ghé Công ty TNHH nhựa Chin Li trong KCN Việt - Hương, lúc này một số công nhân đang quét dọn công ty. “Tuy xảy ra việc đáng tiếc nhưng các anh chị em công nhân đã ở lại đồng lòng canh giữ xưởng, không để tiếp tục bị hôi của, thức ngày thức đêm canh giữ như giữ nhà mình. Sự gắn bó đó làm cho thiệt hại của công ty giảm phần nào và bắt tay hoạt động trở lại...” - chị Lê Thị Yến, chủ nhiệm bộ phận quản lý công ty, cho biết. Còn chị Lê Minh Nguyệt, 24 tuổi, bày tỏ: “Tôi làm ở đây hai năm rồi, công ty bị vậy ai cũng đau lòng, giờ tụi tôi cố gắng làm việc siêng năng hơn để phần nào đó bù đắp thiệt hại cho công ty”.
Kêu gọi “bảo vệ nồi cơm” “Hãy bảo vệ công việc để bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa”, “Hãy vì miếng cơm của hàng ngàn công nhân”... là những biểu ngữ do công nhân Bình Dương, Đồng Nai viết ra để kêu gọi mọi người bảo vệ nhà xưởng trước sự phá hoại của một số đối tượng quá khích trong tuần trước đó. Chính sự lên tiếng của công nhân đã góp phần làm giảm bớt các hoạt động quá khích và ổn định lại tình hình. Chị Q. (công nhân Công ty giày Saigon Jim Brothers, Khu sản xuất Bình Chuẩn, Bình Dương) cho biết những ngày này chị thường xuyên cùng đồng nghiệp túc trực tại công ty, những người trẻ tuổi hầu như ở đây suốt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận