26/02/2020 16:58 GMT+7

Trò chơi vương quyền ở Malaysia

TÍN NGHĨA (từ Kuala Lumpur)
TÍN NGHĨA (từ Kuala Lumpur)

TTO - Tôi nhìn thấy phiên bản đời thực của 'Trò chơi vương quyền' vừa xuất hiện tại Malaysia, khi ông Mahathir tuyên bố từ chức thủ tướng rồi quay lại văn phòng làm việc chưa đầy nửa ngày sau đó.

Trò chơi vương quyền ở Malaysia - Ảnh 1.

Ông Mahathir trong ngày đầu tiên (25-2) làm việc với tư cách thủ tướng lâm thời - Ảnh: FB Mahathir Mohamad

Trong loạt phim Trò chơi vương quyền của Đài HBO, các đại gia tộc của xứ Westeros đã bày đủ mưu kế để trở thành người nắm giữ Ngai Sắt - vị trí cai quản cả 7 vương quốc. Chiếc ghế thủ tướng ở Perdana Putra hệt như Ngai Sắt vậy. Ngay cả quốc vương Malaysia, người chỉ giữ vai trò biểu tượng của đất nước, cũng bị lôi vào cuộc chơi này.

Khi ông cụ 94 tuổi đệ đơn từ chức hôm 24-2, tôi cam đoan hơn một nửa Malaysia bất ngờ, trong đó có cả tôi. Và tôi cũng biết họ bất ngờ thôi chứ không bị sốc, bởi ai cũng hiểu chuyện sớm muộn gì ông cũng rời khỏi Perdana Putra (Văn phòng thủ tướng) để trao lại quyền lực cho ông Anwar Ibrahim thông qua các dàn xếp nội bộ. 

Họ bất ngờ vì không nghĩ tới chuyện chính trị gia được gọi thân mật là "bác Tun" này sẽ từ chức và khiến mọi chuyện nháo nhào như bây giờ.

Khi ông Mahathir thức dậy vào sáng 24-2, ông vẫn là thủ tướng của đất nước 32 triệu dân, là người đứng đầu liên minh cầm quyền có tên rất đẹp: Hi vọng (Pakatan Harapan - PH). Mọi thứ rối tung lên vào buổi chiều cùng ngày khi ông cụ từ chức thủ tướng lẫn chủ tịch Đảng Bersatu, một phần trong liên minh.

Sau cuộc gặp hơn 1 giờ 30 phút sau đó với quốc vương, đến tối thì bác Tun trở lại Perdana Putra với tư cách thủ tướng lâm thời. Tên gọi có khác đi chút nhưng quyền lực thì vẫn vậy, vẫn đứng đầu chính phủ và có quyền bổ nhiệm các bộ trưởng mới như thủ tướng chính thức.

Trong mớ hỗn loạn thông tin của ngày 24-2, nhiều người đã tin rằng ông Mahathir đứng đằng sau tất cả sự việc. Tôi cũng có suy nghĩ đó lúc đầu, bởi tôi không tin chính trị gia lão luyện như ông bị các chính trị gia trẻ trong đảng qua mặt dễ dàng vậy.

Nhưng các đồng liêu của bác Tun đã nhanh chóng bảo vệ ông, khiến tôi rẽ sang một hướng suy luận khác. Ông Anwar, người bị tước quyền "thừa kế" ghế thủ tướng, tuyên bố ông Mahathir không dính vào âm mưu chính trị mà ông gọi là "phản bội", và rằng tên tuổi Mahathir đã bị một số kẻ lợi dụng. Các chính trị gia cấp cao khác gọi việc ông Mahathir từ chức là bằng chứng về sự liêm chính của ông trước các âm mưu bẩn thỉu.

Ở chiều bên kia, các đảng đối lập lớn như Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) và Islam Se-Malaysia (PAS) cũng kêu gọi ông Mahathir ở lại, cho thấy uy tín của ông cụ lớn như thế nào.

Nếu không phải bác Tun, tôi nghĩ không ai đủ sức duy trì được đến 2 năm liên minh PH vốn lỏng lẻo. Liên minh gồm Đảng Bersatu, Đảng Công lý nhân dân (PKR), Đảng Hành động dân chủ (DAP) và Đảng Amanah đã đánh bại liên minh cầm quyền liên tục từ năm 1957 của UMNO trong cuộc bầu cử năm 2018. 

63% người Malaysia tin vào chính phủ mới thời điểm đó, theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Merdeka. Sau hai năm, tỉ lệ này đã giảm mạnh còn 24%. PH để thua tới 3/5 cuộc bầu cử bổ sung ghế Hạ viện vào tay UMNO và các đảng đối lập.

Người dân ngưỡng mộ bác Tun, nhưng họ hoài nghi liệu ông có đang tập trung được 100% cho chính sự quốc gia hay đang bận nghĩ về việc chuyển giao lại ghế cho ông Anwar.

Vẫn còn phải chờ cặn lắng xuống đáy mới biết ai là người chiến thắng cuối cùng sau những chuyện này, nhưng có một chuyện đã rõ vào lúc này là lời hứa chuyển giao lại ghế thủ tướng giữa ông Mahathir và ông Anwar đã không còn hiệu lực nữa.

Tờ The Star bản địa cho hay quốc vương Malaysia sẽ gặp và nói chuyện trực tiếp với từng nghị sĩ một trong hai ngày 25 và 26-2 để xác định xem phe của ông Anwar hay phe UMNO sẽ giành được quyền thành lập chính phủ.

Tôi nghĩ không ai dám nói dối đức vua về ý định của mình. Và dù liên minh nào giành chiến thắng, họ sẽ phải học cách chọn ra người lãnh đạo xứng đáng, chứ không phải núp sau bóng của một ông cụ 94 tuổi.

Trong tuyên bố trực tiếp trên truyền hình chiều 26-2, ông Mahathir xin lỗi vì việc từ chức đã tạo ra sự xáo trộn. Chính trị gia 94 tuổi nhấn mạnh sẽ cố gắng thành lập một chính phủ mới “không nghiêng về phe phái nào”. “Những gì tôi làm hôm nay sẽ khiến nhiều người phẫn nộ. Tôi không trông mong mình được lòng tất cả. Tôi chỉ đang cố gắng làm điều mà tôi nghĩ là tốt nhất cho đất nước”, ông Mahathir giãi bày.

Thủ tướng Malaysia Mohamad Mahathir nộp đơn từ chức Thủ tướng Malaysia Mohamad Mahathir nộp đơn từ chức

TTO - Văn phòng Thủ tướng Malaysia hôm 24-2 thông báo ông Mohamad Mahathir đã nộp đơn xin từ chức lên Quốc vương.

TÍN NGHĨA (từ Kuala Lumpur)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên