14/12/2018 10:55 GMT+7

Trò chấm điểm thầy, coi chừng 'xôi hỏng bỏng không'

THANH THANH
THANH THANH

TTO - Học trò là người đánh giá chính xác nhất thầy cô mình, nhưng với học sinh THCS, việc 'chấm điểm' này còn nhiều điều phải bàn.

Trò chấm điểm thầy, coi chừng xôi hỏng bỏng không - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An trong một tiết học - Ảnh: DOÃN HÒA

Tôi là một giáo viên cấp 2, trải qua 15 năm trong nghề. Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, tôi đồng ý rằng không ai có thể đánh giá năng lực, chuyên môn giáo viên chính xác bằng chính học sinh mà họ giảng dạy. 

Thế nhưng, để học trò "chấm điểm" thầy cô còn phụ thuộc nhiều vào từng độ tuổi của từng cấp học.

Theo tôi, ở độ tuổi cấp 3, học sinh đã bước sang tuổi 16 - tuổi bắt đầu lớn khôn, các em sẽ có cái nhìn khái quát, toàn diện, cách nhìn nhận một sự việc sẽ trở nên "thấu đáo" hơn trong đánh giá thầy cô đang dạy các em.

Đặc biệt ở bậc THPT, học sinh đã định hình được những ước mơ, những hoài bão, con đường tương lai mà mình đã chọn. Các em sẽ có cách cảm, cách hiểu, cách nhìn nhận vấn đề khác hơn, chín chắn hơn trong cách nhìn nhận mỗi giáo viên đang giảng dạy. 

Nên theo tôi, các trường THPT áp dụng cách "chấm điểm" này là hiệu quả nhất. Nhưng với cấp THCS cần phải xem lại. Vì cách đây 4 năm, trường tôi đã áp dụng cách này nhưng rồi "xôi hỏng bỏng không" và giáo viên như ngồi trên đống lửa.

Tôi vẫn nhớ như in những gương mặt thầy cô méo xệch đầy lo lắng và căng thẳng vì phiếu thăm dò mà nhà trường đưa ra để khảo sát ý kiến của học sinh về 3 giáo viên môn thể dục đang dạy các em.

Mặc dù phiếu thăm dò ghi rất rõ các nội dung cần được trả lời, đa phần học sinh đều trả lời theo ý chủ quan. Các em cho rằng đây là cơ hội để "trả thù" những giáo viên mà các em không hài lòng cho lắm. 

Kết quả, Ban giám hiệu đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" trước những ý kiến đó và chỉ dùng để "tham khảo". 

Chưa kể, học sinh THCS nhiều em "ăn chưa no, lo chưa tới", không có chính kiến nên thường "a dua" bắt chước theo bạn bè, theo số đông, tạo ra sự không công bằng trong việc "chấm điểm" giáo viên.

Theo tôi ở cấp học này, có một cách đánh giá giáo viên hữu hiệu. Đó là sau mỗi giờ dạy, giáo viên đặt những câu hỏi "kết nối" với học sinh như: thầy dạy như thế, em có hiểu bài không? Bài học hôm nay có chỗ nào chưa hiểu, các em mạnh dạn hỏi bài nhé? Thầy giảng bài có nhanh lắm không?...

Sau mỗi câu hỏi, giáo viên sẽ nhận nhiều câu trả lời khác nhau từ các học sinh. Trên cơ sở đó giáo viên tự điều chỉnh cho phù hợp, tránh phải thấp thỏm, lo âu khi học sinh "chấm điểm" mình.

Quan trọng hơn hết, đừng chờ học sinh đánh giá rồi mới thay đổi, mà mỗi giáo viên phải tự thay đổi từng ngày về kiến thức, về chuyên môn, về phương pháp… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của giáo dục, cũng như để làm tròn "sứ mệnh" cao cả mà xã hội giao phó. 

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nhà trường có nên để học sinh đánh giá thầy cô?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Học trò Học trò 'chấm điểm' thầy cô, nên không?

TTO - Nhằm điều chỉnh hoạt động giáo dục, giảng dạy phù hợp với nguyện vọng của học sinh, nhiều trường học đã tổ chức lấy ý kiến, cho học sinh 'chấm điểm' thầy cô. Song việc này cũng gây băn khoăn...

THANH THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên