Phóng to |
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội nghị ngày 8-5 - Ảnh: Trần Huỳnh |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, trưởng ban ban quản lý đề án NNQG 2020, khẳng định: “Mục tiêu của đề án xác định cố gắng đến năm 2015 sẽ có thay đổi cơ bản về việc dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục và đến năm 2020 ngoại ngữ, trước hết là tiếng Anh, sẽ là thế mạnh của thanh thiếu niên Việt Nam”.
Theo ông Hiển, đề án này liên quan đến toàn bộ các cơ sở giáo dục và cả xã hội, nhưng khó khăn nhất hiện nay của đề án là làm sao để nâng cao năng lực của giáo viên.
90% giáo viên không đạt chuẩn
“Trong đề án có nhiệm vụ rà soát năng lực đội ngũ giáo viên để đào tạo đạt chuẩn, nhưng khi khảo sát có đến 90% giáo viên không đạt yêu cầu. Có giảng viên ĐH trình độ ngoại ngữ thực tế chỉ bằng yêu cầu đầu ra của học sinh tiểu học” - ông Hiển cho biết.
Tuy nhiên, ông Hiển khẳng định nếu không có đề án thì vẫn phải làm vì nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới rất cần ngoại ngữ. Dù còn nhiều khó khăn, các trường, cơ sở giáo dục cần tránh việc thực hiện đề án theo phong trào nhưng cũng không nên chậm trễ trong triển khai đề án.
Các trường cần chủ động nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ công khai chuẩn đào tạo, đầu vào, đầu ra để tiến tới việc chất lượng đào tạo ngoại ngữ được xã hội thừa nhận, quốc tế thừa nhận bằng chuẩn đầu ra.
Để đảm bảo việc triển khai tốt đề án, ông Hiển lưu ý các trường cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa đơn vị bồi dưỡng với đơn vị cử người đi học.
"Chúng ta nên mạnh dạn đổi mới, không thể kéo dài tình trạng giáo viên thiếu chuẩn, dẫn đến việc dạy và học ngoại ngữ không hiệu quả. Nếu thấy cần thiết phải cắt bỏ “tế bào ung thư” của sự trì trệ, tạm dừng 2-3 năm không dạy ngoại ngữ, tạm ngừng tuyển sinh để có điều kiện, thời gian làm lại, nâng chất, nâng chuẩn đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh cũng nên làm, còn hơn kéo dài sự trì trệ trong vòng luẩn quẩn” - ông Hiển nhấn mạnh.
Các trường chưa tin cậy nhau
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng công tác triển khai thực hiện đề án NNQG 2020 trong các trường ĐH-CĐ (thông qua hình thức chuẩn đầu ra) vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế không ít trường lúng túng trong thực hiện xuất toán kinh phí, các khoản chi, thiếu ngân hàng đề thi.
Việc chưa thừa nhận công tác kiểm tra, đánh giá (chuẩn) giữa các trường trong hệ thống giáo dục ĐH đã khiến công tác triển khai việc đổi mới căn bản và toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.
TS Lê Thị Thanh Thu - phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM - cho rằng việc xây dựng hệ thống ngân hàng đề rất quan trọng. Khi sinh viên vào trường đều phải thi xác định năng lực ngoại ngữ và chuẩn đầu ra. Đối với sinh viên chuyên ngữ, nhà trường yêu cầu các em phải thi bên ngoài, kinh phí cao. Số tiền sinh viên bỏ ra rất lớn.
"Nhà trường mong muốn Bộ GD-ĐT có ngân hàng đề thi, trường tự tổ chức thi thì chi phí sẽ thấp hơn nhiều. Bộ có thể yêu cầu các trường chuyên đào tạo ngoại ngữ xúc tiến nhanh việc xây dựng ngân hàng đề thi để các trường mua triển khai ở trường" - bà Thu đề xuất.
PGS.TS Trần Văn Phước - hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) - cho rằng các trường luôn mong muốn Việt Nam có được một định dạng bộ đề thi chuẩn. Ngay cả quốc tế với các chuẩn TOEIC, TOEFL cũng cần hàng chục năm để hoàn thiện bộ đề. Tuy nhiên, để thực hiện được mong muốn này trong điều kiện thực tiễn thì không đơn giản.
"Thực tế hạn chế lớn nhất khiến chúng ta chưa thể xây dựng được một khung đánh giá chuẩn Anh ngữ chung là do các trường vẫn chưa thật sự tin cậy nhau. Để đạt được chuẩn ngoại ngữ đầu ra (chuẩn C1 và TOEIC) với sinh viên các trường ĐH-CĐ vào năm 2014 - 2015, không cách nào khác phải nhanh chóng thay đổi cách thức dạy ngoại ngữ hiện nay. Bởi thực tế việc dạy ngoại ngữ tại các trường ĐH - CĐ đang quá nặng lý thuyết, thiếu thực hành. Nếu các trường tin cậy lẫn nhau thì cần hợp tác với nhau. Hiện chưa có đề thì tại sao không công nhận kết quả TOFEL, TOIEC?” - ông Phước đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm trên, TS Trần Hữu Phúc - phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), cho rằng việc khảo sát, bồi dưỡng cho giáo viên cần có những quy định chặt chẽ ở từng địa phương, sự giám sát của Bộ GD-ĐT nhằm tránh hiện tượng, khảo sát, đánh giá không thống nhất.
Trong khi đó PGS.TS Đỗ Văn Xê - phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - cho rằng mấu chốt của vấn đề phải làm từ ngay từ bậc THPT. Với một sinh viên hoàn toàn không biết gì về ngoại ngữ ở bậc phổ thông, yêu cầu họ có chuẩn đầu ra C1 hay TOEIC là điều không dễ dàng.
Đề án NNQG 2020 đã rất đúng đắn khi đi từ gốc rễ của vấn đề, với định hướng đào tạo thật ổn các “máy cái” (đào tạo, nâng cao chất lượng cho đội ngũ GV) mới hi vọng có các “máy con” tốt, có nền tảng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận