Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng các thiếu nhi tham gia đồng diễn lễ kỉ niệm 70 năm thành lập Liên đoàn Thiếu nhi Triều Tiên - Ảnh: KCNA |
Reuters đã dẫn lại tuyên bố của KCNA ngày 7-7, trong đó miêu tả việc Washington đưa ông Kim Jong Un vào danh sách trừng phạt là một “tội ác ghê tởm”.
Tuyên bố có đoạn: “Nước Mỹ dám thách thức nhân phẩm của lãnh tụ tối cao, một hành động gợi nhớ đến việc một con chó khi mới sinh ra chẳng hề biết sợ con hổ là gì.
Đây là một sự thù địch tồi tệ nhất và là sự mở đầu của một lời tuyên chiến chống lại Triều Tiên bởi nó đã đi xa hơn những đối đầu trong vấn đề nhân quyền”.
Đáp lại, chính phủ Mỹ đã yêu cầu Bình Nhưỡng nên kiềm chế các phát ngôn của mình cũng như các động thái gây căng thẳng trong khu vực.
Trong danh sách trừng phạt các cá nhân vi phạm nhân quyền được Mỹ công bố ngày 6-7, ngoài nhà lãnh đạo Kim Jong Un còn có 10 người khác và 5 bộ, cơ quan Triều Tiên. Tất cả tài sản của những cá nhân và tập thể này, khi nằm dưới thẩm quyền của Mỹ, đều sẽ bị phong tỏa.
Khi được hỏi về danh sách trừng phạt ngày 6-7 của Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương.
Bộ này lập luận, tình hình nhân quyền tại Triều Tiên không phải là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cho biết ông Ban Ki Moon hi vọng Trung Quốc sẽ thúc giục đồng minh Triều Tiên sớm tham gia các nỗ lực hợp tác quốc tế về nhân quyền.
Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry cho biết trong một cuộc trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc, ông Vương Nghị, ông Kerry đã đề nghị Bắc Kinh tiếp tục hợp tác với các Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Một số nhà phân tích và ngoại giao cảnh báo hành động của Mỹ có thể sẽ khiến các nỗ lực hợp tác giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên giữa Washington và Bắc Kinh thu hẹp trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận