Một triển lãm mỹ thuật ở Huế - Ảnh: Thái Lộc |
Quả thật, một triển lãm tranh với chi phí mặt bằng, đãi tiệc... tầm mươi triệu đồng là chuyện trong tầm tay. Thậm chí chi phí còn rẻ hơn triển lãm ảnh.
Bởi lẽ, nếu triển lãm ảnh thì tiền tráng rọi ảnh cũng đã là một khoản kha khá. Thế nên mới có nhiều người triển lãm tranh.
Tiện tay triển lãm
Người chưa vẽ đủ tranh thì cố gom tranh mình vẽ ở giai đoạn này, giai đoạn kia, chất liệu này, thể loại nọ... cốt cho hòm hòm đủ số lượng.
Bước vào những phòng tranh như vậy cảm giác đầu tiên là chất lượng tranh, mạch sáng tác họa sĩ cứ xộc xệch, manh mún, không làm nên “chất” của một cuộc triển lãm.
Còn có cách nữa là nhiều người gom tranh lại để triển lãm nhóm. Những triển lãm như vậy thì tranh pháo “trăm hoa đua nở”, không hiếm những bức tranh hết tham gia triển lãm này lại dự triển lãm kia, khiến người xem tranh có cảm giác “lờn mặt”.
Nhưng có thế thì cũng kệ, có ai quan tâm đến “chất” của một cuộc triển lãm? Miễn là đông vui, hội hè, gọi là góp mặt cho vui là được.
Họa sĩ Hồ Hữu Thủ nói rằng những triển lãm như vậy có ý nghĩa phong trào, thu hút được sự chú ý của xã hội. Nhưng theo ông thì chất lượng của nó càng ngày càng đi xuống.
Bởi lẽ, như họa sĩ Thủ nhận xét: “Bây giờ triển lãm chỉ là những người trẻ muốn nổi tiếng, còn các họa sĩ thành danh thì không thích triển lãm nữa. Lý do là để triển lãm phải mất chi phí, mất công sức, nhưng không bán được tranh. Vì vậy ai cũng ngán ngẩm!”.
Thành ra, triển lãm bây giờ kẻ chê người ưng. Những họa sĩ trẻ tuổi đời hoặc tuổi nghề thì thích triển lãm. Ở thời buổi ai cũng có thể ra sách, in thơ, làm đĩa nhạc, làm diễn viên, viết kịch bản... thì chẳng lạ nếu ai cũng có thể triển lãm.
Một túm màu vứt lên toan cũng ra “tranh” trừu tượng, dăm mảnh vật ghép lại cũng trở thành... nghệ thuật sắp đặt (!). Dễ đến mức những họa sĩ nghiệp dư Hàn Quốc, Nhật Bản... cũng qua thuê chỗ để “triển lãm”.
Ngược lại, người “chê” triển lãm thường là những họa sĩ đã thành danh hoặc tranh vẽ không kịp bán. Ví dụ như tranh thiếu nữ của Nguyễn Trung, Nguyễn Thanh Bình chỉ cần xuất hiện là có người mua ngay, nên họ không mặn mà gì chuyện triển lãm cho lắm.
Hơn nữa, họa sĩ Hồ Hữu Thủ cho biết lúc trước làm triển lãm nếu không bán được chỗ này thì vẫn bán được chỗ khác. Bây giờ thời buổi kinh tế khó khăn, tranh khó bán nên ai cũng ngại.
Ông Đặng Hải Sơn - chủ phòng tranh Tự Do (TP.HCM) - tâm sự:
“Triển lãm tranh bây giờ có mục đích giới thiệu tranh là chính, bán tranh trở thành phụ. Có những triển lãm biết là không bán được tranh, nhưng nếu thấy loạt tranh xứng đáng thì vẫn phải làm để giới thiệu mà thôi”.
Loanh quanh hội hè
Khi mục đích bán tranh chỉ còn là thứ yếu thì việc triển lãm bây giờ mang tính hội hè. Bữa khai mạc đông đảo bạn bè đến gặp mặt, chúc tụng, xem tranh rồi vào bàn tiệc cụng ly. Nhiều người đến triển lãm để cụng ly là chính!
Họa sĩ Lê Kinh Tài từng than rằng có những triển lãm mà anh không biết người ta đến xem tranh hay cốt chỉ có cớ gặp nhau để ăn uống, cụng ly, xô bồ tán gẫu.
Ông Đặng Hải Sơn lấy làm tiếc rằng triển lãm ở nước ngoài thường tổ chức cho khách mua tranh vào ngày riêng, bạn bè người thân họa sĩ vào ngày riêng khác. Nhưng ở ta thì chưa được chuyên nghiệp như vậy.
Tuy nhiên, ở TP.HCM vẫn có những gallery như Quỳnh Galerie, Craig Thomas Gallery, Sàn Art... do Việt kiều hoặc người nước ngoài điều hành theo cách thức chuyên nghiệp.
Họ có tiêu chí phát hiện, lựa chọn họa sĩ riêng, khuyến khích các họa sĩ phát triển theo dòng chảy mỹ thuật đương đại trên thế giới.
Hoạt động triển lãm của họ hằng năm, đều đặn, mỗi triển lãm tạo nên dấu ấn của họa sĩ. Họa sĩ Lương Lưu Biên nhìn nhận: “Làm việc với các gallery chuyên nghiệp như vậy rất hay. Họ chuyên nghiệp mọi khâu, từ việc chuyển tranh, treo tranh, tổ chức triển lãm...”.
Nhờ vậy, ngoài những triển lãm nghiệp dư, tự phát, hội hè... hiện nay, ít ra họa sĩ và công chúng vẫn có những địa chỉ đáng tham khảo.
Huế cũng “đìu hiu” Ở Huế, các cuộc triển lãm mỹ thuật cũng thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, trừ những triển lãm “góp chung”, tập trung đông họa sĩ trong buổi khai mạc, các ngày còn lại thường rất “đìu hiu” và luôn kết thúc trong sự lặng lẽ. Nhiều người lý giải sự “đìu hiu” này do chất lượng nghệ thuật thấp, hổ lốn nhiều thứ, mà thứ nào cũng không tới nơi tới chốn. Nhà nghiên cứu Bửu Ý (Huế) cho rằng công tác tổ chức triển lãm rất nên xem lại vì quá nghèo nàn, đơn điệu, kém hấp dẫn. Ông dẫn chứng trước năm 1975, để giới thiệu tác phẩm điêu khắc mới của Lê Thành Nhơn, Trường Mỹ thuật Huế tổ chức một đêm đốt lửa quanh bức tượng rồi mời ca sĩ Khánh Ly về hát, đã trở thành sinh hoạt rất hấp dẫn, cuốn hút mọi người. Ông nói: “Trường Mỹ thuật Huế ngày trước là nơi mà người yêu nghệ thuật ra vào thường xuyên, họ đến xem tác phẩm của thầy và trò rồi góp ý, đối thoại... tạo một không khí nghệ thuật rất hấp dẫn". "Trịnh Công Sơn vốn làm nhạc, nhưng vào ra trường nghệ thuật hằng ngày như thế đã bồi đắp trong anh niềm đam mê hội họa, và việc vẽ tranh cũng hình thành từ đó! Còn ngày nay những điều ấy đã không được tiếp nối”. Cũng ở Huế, họa sĩ Võ Xuân Huy (giảng viên Trường ĐH Nghệ thuật Huế) nhận xét hệ thống nhà trưng bày nói chung khá tạm bợ, không chuyên nghiệp nên các cuộc triển lãm bao giờ cũng gây cảm giác thiếu tôn trọng tác phẩm. Do đó, nhiều người tham dự cũng trong tâm lý đến để “góp vui” trong ngày đầu, sau đó thì... quên lãng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận