Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động là cần thiết - Ảnh: Quochoi.vn
Ngày 24-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Ông Huệ cho biết thực hiện nghị quyết 30 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt khác với quy định của luật hiện hành, tập trung vào các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhất là trong đợt bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Do đó, cần thiết có thêm chính sách hỗ trợ, đặc biệt là việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Ngay tại phiên họp thứ ba vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; thông qua nghị quyết cho phép bổ sung 14.620 tỉ đồng từ nguồn cắt giảm chi ngân sách nhà nước năm 2021 để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Chính phủ đề nghị sử dụng 30.000 tỉ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động một lần bằng tiền.
Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp với quy mô khoảng 8.000 tỉ đồng.
Hiện cả hai chính sách này đều chưa được quy định trong Luật việc làm năm 2013, do đó, việc điều chỉnh chính sách này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Tuy nhiên, thảo luận tại phiên họp, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện cộng đồng doanh nghiệp, người lao động đều thống nhất cần thiết ban hành hai chính sách này.
"Đây là chính sách rất nhân văn và rất cấp thiết trong tình hình hiện nay để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đúng thẩm quyền được Quốc hội ủy quyền tại nghị quyết số 30; hồ sơ, thủ tục đầy đủ, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật", Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu.
Trên cơ sở đó, các đại biểu nhất trí việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thực hiện hai chính sách này là phù hợp với thẩm quyền đã được Quốc hội giao tại nghị quyết số 30.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tỉ lệ tán thành 100%.
Gói hỗ trợ lên tới 38.000 tỉ đồng
Với việc sử dụng một phần kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ cho người lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp là 30.000 tỉ đồng vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua, thời gian hoàn thành việc hỗ trợ cho người lao động chậm nhất đến hết ngày 31-12-2021.
Đồng thời, người sử dụng lao động được giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ mức 1% xuống bằng 0% quỹ lương hằng tháng của doanh nghiệp trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày 1-10-2021 đến hết ngày 30-9-2022. Thời gian hoàn thành việc thực hiện giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động chậm nhất đến hết ngày 30-9-2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Chính phủ cần đánh giá đầy đủ tình hình, triển khai xây dựng hồ sơ đề xuất sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội, Luật việc làm, trong đó có quy định về bảo hiểm thất nghiệp trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận