02/06/2017 17:16 GMT+7

Trẻ phải được sống vui, an toàn

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Chiến dịch truyền thông Luật trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em đã khởi động tại TP.HCM vào đúng Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6, cũng là ngày khai mạc hoạt động hè 2017 tại TP.HCM.

Phó trưởng Ban dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Bích Ngọc (trái) trao quà cho các bạn nhỏ khuyết tật của TP.HCM trong ngày hội Kết nối yêu thương - Ảnh: Q.L.
Phó trưởng Ban dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Bích Ngọc (trái) trao quà cho các bạn nhỏ khuyết tật của TP.HCM trong ngày hội Kết nối yêu thương - Ảnh: Q.L.

Trẻ phải được sống trong môi trường lành mạnh, được vui chơi giải trí an toàn, nhất là được bảo vệ và phòng ngừa trước bạo lực, xâm hại luôn là mối quan tâm lớn của lãnh đạo và toàn TP.HCM

Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM NGUYỄN THỊ LIÊN

Sẽ cung cấp đến trẻ những nội dung cơ bản nhất của luật, các em cần nắm rõ những quyền của mình để tự biết cách bảo vệ mình và được xã hội chăm sóc tốt hơn. Đây cũng là các bước đi tiếp theo mà nhiều đơn vị tại TP.HCM cùng phối hợp để Luật trẻ em đi vào cuộc sống, lan tỏa trong cộng đồng.

Giúp trẻ biết để tự bảo vệ mình

Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Thị Liên cho biết hiện TP có hơn 1,5 triệu trẻ em. Trong đó có khoảng 35.000 trẻ khó khăn là con em các gia đình nghèo, cận nghèo cùng hơn 13.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Chị Vương Thanh Liễu - phó bí thư Thành đoàn, chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM - cho biết để Luật trẻ em (có hiệu lực từ ngày 1-6-2017) đi vào cuộc sống, Thành đoàn đã được giao phụ trách và thành lập hội đồng trẻ em của TP sắp tới, dự kiến có một số bạn thiếu nhi đại diện cho tiếng nói của trẻ em. Hội đồng này được xem là môi trường để các em có tiếng nói chính thức, đề đạt tâm tư nguyện vọng với lãnh đạo TP về chuyện liên quan đến trẻ em.

“Đội ngũ cán bộ Đoàn TP sẽ được tập huấn để nắm các nội dung cơ bản của luật này, trên cơ sở đó mới có thể tuyên truyền vì mục tiêu không chỉ giúp các em nắm mà phụ huynh, người dân cũng cần biết luật để cùng bảo vệ các em tốt hơn” - chị Liễu nói.

Ngoài ra, sẽ chọn hình thức nhẹ nhàng, ngắn gọn và súc tích nhất khi chuyển tải các nội dung quy định của luật đến thiếu nhi, sao cho các bạn chỉ cần biết những quyền cơ bản nhất của mình, biết tìm đến ai, cơ quan nào khi cần được lên tiếng, bảo vệ.

Từ góc độ trực tiếp triển khai, ông Huỳnh Đỗ Tiến - phó chủ tịch UBND P.7, Q.3 (TP.HCM) - nói sẽ hưởng ứng chiến dịch truyền thông bằng nhiều hoạt động kéo dài đến cuối năm nay. Cùng với tập huấn sẽ thực hiện các sản phẩm tuyên truyền sinh động, dễ nhớ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật trẻ em. “Ngoài kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật, chúng tôi cũng sẽ quan tâm hơn đến thực hiện quyền trẻ em trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý” - ông Tiến nói.

Cuộc sống an toàn cho trẻ

Hôm qua (1-6) cũng là ngày hội Kết nối yêu thương tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM dành cho 500 bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đến từ các quận huyện, mái ấm, nhà mở trên địa bàn TP. Các bạn được tặng quà, tham gia các sân chơi, xem văn nghệ, ảo thuật và ăn trưa với món gà rán yêu thích.

Cũng trong mấy ngày qua và còn kéo dài tới 4-6, 1.430 bạn nhỏ đang sinh sống tại bảy trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ khuyết tật của TP cũng có ngày vui tương tự. Các hoạt động, quà tặng trong khuôn khổ ngày hội này được Ủy ban MTTQ VN TP.HCM phối hợp cùng Thành đoàn, Sở LĐ-TB&XH cùng tổ chức với ước mong mang đến cho những bạn nhỏ kém may mắn ngày tết thiếu nhi vui tươi và khởi đầu những ngày hè bổ ích.

Bạn Dương Ngọc Băng (Q.8) nói ở trường các thầy cô thường xuyên nhắc các bạn phải biết đề phòng, cảnh giác để tự bảo vệ mình. “Thầy cô nói nhiều điều nhưng mình nhớ nhất là không được tiếp xúc với người lạ chỗ vắng người, khi gặp tình huống nguy hiểm cần la to lên hoặc bỏ chạy thật nhanh đến nhà dân gần nhất hoặc chỗ có đông người gần đó để nhờ họ giúp” - Ngọc Băng cho biết.

Còn bạn Hiếu Thảo (Q.5) cho biết rất thích tham gia các hoạt động sinh hoạt hè tại phường vì không chỉ là chơi, ở đó còn học được các kỹ năng như lều trại, nút dây, đi trại hè, giao tiếp chỗ đông người... “Trường em có mời chuyên gia đến nói chuyện về chủ đề phòng chống xâm hại, điều tụi em nhớ nhất là mỗi bạn phải biết tự bảo vệ mình bằng cách không cho người lạ đụng vào người, nhất là những phần nhạy cảm trên cơ thể” - Hiếu Thảo nói.

Theo con đến tham gia hoạt động tại Nhà Thiếu nhi TP, chị Kim Trang (Q.3) cho biết chị có duy nhất cô con gái vừa học xong lớp 4 nên đi đâu cũng phải có mẹ đi cùng. Hai vợ chồng chị thống nhất: cha cháu sẽ đi làm bên ngoài, còn mẹ nhận hàng về may gia công tại nhà để có điều kiện gần gũi, chăm sóc và đưa đón con đi học mỗi ngày.

Chị Trang nói đành rằng không thể theo sát con từng giây từng phút nhưng cố gắng lúc nào có thể tâm sự, nói chuyện được thì chị luôn tranh thủ để mẹ con gần nhau. Chị đã cho con gái học võ và hè này học bơi, “cho cháu biết thêm kỹ năng nào thì cuộc sống của cháu sẽ càng tốt hơn” - chị bộc bạch.

Vui... cô... nhỉ...

Được hát, vui chơi với bạn bè và các anh chị tình nguyện viên, cô bé Hải Yến (học sinh làng trẻ Hòa Bình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) thích thú cười vang. Dù rất khó nhọc song Yến vẫn cố gắng nói rõ từng chữ: “Vui... cô... nhỉ” để diễn tả niềm vui của mình!

Trong Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6 hôm qua, Yến cùng 74 bạn nhỏ khác của làng trẻ Hòa Bình - nơi chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị trẻ tự kỷ, chậm phát triển, khuyết tật ngôn ngữ, ảnh hưởng chất độc da cam - đã được vui chơi thỏa thích.

Từ rất sớm, các tình nguyện viên Trường ĐH Hà Nội và một số bạn trẻ nước ngoài đã trang trí hội trường, chuẩn bị gấu bông, bánh kẹo, sữa... làm quà cho các em. “Chúng tôi muốn mang đến niềm vui cho các bạn nhỏ ở làng trẻ này, có hoàn cảnh khó khăn. Đã thiệt thòi, các bạn lại còn khiếm khuyết cơ thể nên cần lắm sự chia sẻ” - bạn Nguyễn Thị Minh Thư bày tỏ.

Nhiều y bác sĩ, thầy cô và phụ huynh đã về cùng vui với các bạn nhỏ. Tiếng nhạc, tiếng vỗ tay và tiếng cười giòn tan khi các bạn nhỏ được hát, nhảy múa và tham gia trò chơi với các anh chị. Hôm qua cũng là ngày bế giảng năm học 2016-2017 của làng trẻ Hòa Bình. Các bé có thành tích học tập tốt được nhận quà và vui sinh nhật cùng các bạn sinh vào tháng 6.

Trước đó, Thành đoàn Hà Nội đã thăm, tặng quà 28 bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở lớp học tình thương tại P.Yên Phụ (Q.Tây Hồ). Nhiều hoạt động ở Hà Nội đã thu hút hàng ngàn bạn nhỏ cùng phụ huynh tham dự như chương trình “Em tập làm nghệ nhân” tại Bảo tàng Hà Nội giúp các em trải nghiệm làm đồ gốm, viết thư pháp, trò chơi dân gian...

HÀ THANH

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên