
Trẻ mầm non ở Đà Nẵng vừa "tốt nghiệp" - Ảnh: H.K
Những ngày này, không khí tổng kết năm học rộn ràng khắp nơi. Bên cạnh niềm vui của các bé mầm non khi được khoác lên mình chiếc áo cử nhân "tí hon", tham gia lễ ra trường, nhiều phụ huynh cũng đặt câu hỏi liệu nghi thức này có đang đặt lên trẻ nhỏ kỳ vọng quá sớm về thành tích, bằng cấp?
Niềm vui đầu đời hay chiếc áo cử nhân "quá khổ"?
Chị Nguyễn Lan Anh (Đà Nẵng) - phụ huynh có con vừa dự lễ ra trường - chia sẻ: "Tôi không phản đối chuyện cho con mặc áo cử nhân. Đó là một kỷ niệm đẹp tuổi thơ. Nhưng tôi cũng trăn trở khi thấy buổi lễ được tổ chức quá nghi thức, khiến trẻ như đang gánh một áp lực không phù hợp".
Theo chị, tuổi mầm non là thời điểm các con cần được vui chơi, khám phá. "Khi một đứa trẻ 5 tuổi xếp hàng nhận 'bằng tốt nghiệp', vắt dải mũ từ trái sang phải như nghi thức của người trưởng thành, tôi thấy có gì đó khiên cưỡng", chị nói.
Cùng quan điểm, anh Đoàn Viết Chung (TP.HCM) kể lại khoảnh khắc con anh xếp hàng trong lễ ra trường, khoác áo cử nhân: "Tôi bỗng thấy sự ngây thơ của con như bị bao phủ bởi một hình ảnh quá nghiêm túc, quá 'bằng cấp'. Liệu chúng ta có đang đặt lên trẻ những kỳ vọng của người lớn, khi các con vừa rời trường mẫu giáo?".
Anh Chung cũng kể đã nêu ý kiến trong buổi họp phụ huynh khi được hỏi về việc góp 300.000 đồng để thuê trang phục và tổ chức lễ ra trường cho các bé. "Tôi đã góp ý là không cần thiết, nhưng khi phần lớn phụ huynh đồng thuận, tôi cũng không muốn con mình trở nên lạc lõng nên đành đồng ý".
Ông Quang Phú (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định rằng việc choàng cho trẻ em những chiếc áo tốt nghiệp "quá khổ" như vậy thể hiện rõ phong trào hình thức do phụ huynh áp đặt cho trẻ em, gây áp lực cho trẻ và tạo ra giá trị ảo không có thật. Theo ông, cần bỏ đi hình thức này.
Chỉ là một kỷ niệm vui nếu không đặt nặng ý nghĩa
Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng cảm thấy lo lắng về chiếc áo cử nhân của con. Với nhiều người, lễ ra trường là một khoảnh khắc chuyển giao đáng nhớ, và chiếc áo ấy chỉ đơn thuần mang ý nghĩa biểu tượng.
Anh Phương Hưng (Quảng Trị) cho biết con anh rất háo hức được tham dự buổi lễ: "Tối hôm trước con không ngủ được vì mong chờ được mặc áo cử nhân, tung mũ cùng các bạn. Tôi nghĩ điều quan trọng là cách người lớn truyền đạt ý nghĩa bộ trang phục cho trẻ. Với chúng tôi, đây chỉ là một cách ghi dấu sự trưởng thành nho nhỏ, khi con sắp bước sang lớp 1".
Chung suy nghĩ, chị Hoàng Thị Lan (Đà Nẵng) chia sẻ: "Tôi nghĩ việc cho trẻ mặc áo cử nhân không có gì quá nghiêm trọng. Đó là một cách để các con cảm nhận rằng mình đã hoàn thành một giai đoạn đầu tiên trong hành trình học tập. Miễn các con vui, và ba mẹ biết cách chia sẻ nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi".
Theo chị Lan, những nghi thức như vậy không phải là điều tiêu cực nếu được tổ chức đúng mức. "Ai cũng trưởng thành qua các cột mốc. Một nghi thức nhỏ đôi khi có thể gieo vào lòng trẻ một ước mơ. Nếu ước mơ đến sớm, con càng có động lực để vươn lên", chị nói.
Không nên biến nghi thức thành áp lực
Ghi nhận tại một số trường mầm non, bên cạnh việc cho trẻ mặc áo cử nhân và nhận giấy khen, có nơi còn tổ chức thêm nghi thức vắt tua mũ - vốn là biểu tượng đánh dấu sự trưởng thành và sẵn sàng cống hiến trong lễ tốt nghiệp đại học. Một số ý kiến cho rằng đây là cách làm "quá tay", chưa thực sự phù hợp với độ tuổi mầm non.
Tuy vậy, phần lớn các trường vẫn dừng lại ở mức tổ chức nhẹ nhàng, chụp ảnh kỷ niệm cùng phụ huynh trong ngày bế giảng, không đặt nặng hình thức hay nội dung mang tính thành tích.
Một hiệu trưởng trường mầm non ở Đà Nẵng cho rằng việc trẻ mặc áo cử nhân - dù là hình thức - có thể trở thành một trải nghiệm đẹp nếu được tổ chức đúng cách, không tạo áp lực cho trẻ, và không biến thành một cuộc chạy đua hình ảnh giữa các trường hay phụ huynh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận