10/08/2023 16:23 GMT+7

Trẻ bị rắn cắn nguy kịch vì gia đình đưa đến ‘thầy lang’ đắp thuốc

Ngày 10-8, Bệnh viện Nhi trung ương thông tin vừa tiếp nhận liên tiếp 3 trẻ bị rắn cắn nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Điều đáng nói, 2 trong số 3 trẻ được gia đình đưa đến thầy lang trước khi đưa đến bệnh viện.

Trẻ bị rắn cắn điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương - Ảnh: BVCC

Trẻ bị rắn cắn điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương - Ảnh: BVCC

Bệnh nhi đầu tiên là bé trai V.T. (28 tháng tuổi, trú tỉnh Tuyên Quang) bị rắn cắn ngón cái bàn chân khi đang nằm ngủ dưới nền nhà. Thế nhưng thay vì đưa bé T. đến bệnh viện, gia đình lại đưa trẻ đến nhà thầy lang lấy thuốc về đắp.

Sau 1 ngày đắp thuốc, bàn chân bệnh nhi xuất hiện sưng nề, hoại tử lan lên tới đùi, co giật toàn thân, tới lúc này gia đình mới hốt hoảng đưa trẻ đi cấp cứu. Trẻ được chuyển tuyến đến Bệnh viện Nhi trung ương.

Khoảng 36 tiếng sau khi bị rắn cắn, bé T. nhập viện Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, hôn mê, co giật, hoại tử lan rộng ở cẳng bàn chân trái,… tiên lượng rất nặng nề.

Dựa trên đặc điểm vết cắn, tính chất sưng nề, hoại tử tiến triển, kèm theo liệt cơ hô hấp, các bác sĩ hướng đến trẻ bị rắn hổ đất cắn.

Ngay trong đêm, bệnh nhi được truyền 40 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ và điều trị tích cực.

"Rất may mắn, sau 4 ngày điều trị, bệnh nhi đã được rút ống nội khí quản, tỉnh táo, hồi phục hoàn toàn về sức cơ, cẳng bàn chân trái đỡ sưng nề, vận động tốt.

Tuy nhiên, ngón cái bàn chân trái bị rắn cắn đã hoại tử khô, có thể cần phẫu thuật cắt bỏ", bác sĩ Phan Hữu Phúc - phó trưởng khoa điều trị tích cực nội khoa bệnh viện - thông tin.

Tương tự, bé N.H. (3 tuổi, trú Nghệ An) cũng bị rắn cắn khi đang ngủ dưới nền nhà. Sau đó, gia đình đưa trẻ đến nhà thầy lang tại địa phương chữa trị.

Trong một giờ đắp thuốc lá, gia đình nhận thấy trẻ sụp mi, giãn đồng tử hai bên, nói khó, liệt tứ chi. Trẻ nhanh chóng được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu, đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương.

Thông qua hình ảnh con rắn do gia đình cung cấp, các bác sĩ xác định trẻ bị rắn cạp nia miền Bắc cắn. Đây là một trong số loại rắn có nọc độc mạnh nhất, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của nạn nhân.

Trong khi đó, huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia hiện chưa được sản xuất tại Việt Nam, nguồn cung thường khan hiếm, thiếu hoặc không có.

Bác sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh (khoa điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết tại Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia miền Nam đơn giá (là thuốc dùng giải nọc một loài rắn cạp nia miền Nam mà không có tác dụng chéo với rắn cạp nia miền Bắc) và huyết thanh kháng nọc rắn đa giá (có tác dụng chung cho rắn cạp nong, cạp nia, hổ chúa, hổ đất).

Các bác sĩ thống nhất truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đa giá cho bệnh nhi. Sau 14 ngày điều trị tích cực, trẻ đã tỉnh, kế hoạch rút máy thở trong một vài ngày tới.

Cách phòng tránh rắn cắn

Qua các trường hợp trẻ bị rắn cắn, các bác sĩ lưu ý trong dịp hè các phụ huynh cần biết cách phòng ngừa cho con em mình không bị rắn cắn bằng cách:

Tránh tới những nơi có thể có rắn như những khu vực có cỏ cao, bụi cây um tùm, hang có nhiều gạch đá, khu vực gần chuồng gia cầm.

Khi đi trên cỏ rậm hoặc vườn cây có nhiều lá khô nên mang giày ống cao và mặc quần dài phủ ra ngoài giày. Tránh ra vườn sau mưa rào, trời tối.

Không cho trẻ nằm ngủ dưới nền nhà.

Nếu thấy rắn trong tự nhiên, nên để rắn tự đi, tránh bắt hay chọc phá rắn

Bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ không sử dụng các biện pháp sau: cố gắng hút nọc độc của rắn; trích, rạch, nặn, bóp tại vùng vết cắn; không loay hoay tìm kiếm và áp dụng các kinh nghiệm dân gian hoặc thầy lang để sơ cứu.

Rắn độc chui vào nhà cắn nhiều người nhập việnRắn độc chui vào nhà cắn nhiều người nhập viện

Đầu mùa mưa, thời điểm các loài rắn độc sinh sôi, khiến nhiều người dân ở Gia Lai bị rắn độc cắn liên tiếp nhập viện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên