Mới đây, qua trích xuất từ camera an ninh ghi lại cảnh một người đàn ông có dấu hiệu dâm ô một bé gái đang đi thang máy tại một chung cư ở quận 4, TP.HCM. Sau đó, cơ quan chức năng đã xác định danh tính người đàn ông này là ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng), cựu phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng.
Biết phòng tránh, hậu quả có thể đỡ hơn
Qua xem lại vụ ở Chương Mỹ, bà Phan Lan Hương, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em, cho biết nếu được hướng dẫn từ trước, cháu bé này và nhiều nạn nhân khác hoàn toàn có thể phòng vệ, tránh bị xâm hại.
"Khi xảy ra vụ việc, phần lớn cha mẹ nạn nhân đều khóc lóc thảm thiết, đều nói họ cứ nghĩ những điều đó không thể xảy ra với con mình. Cha mẹ chưa hiểu con mình có thể sẽ là nạn nhân nếu cháu chưa biết cách phòng vệ" - bà Hương cho hay.
Theo bà Hương, thậm chí nạn nhân cũng không biết mình bị lạm dụng, như trường hợp cháu bé ở Bắc Giang chỉ được phát hiện khi nhóm bà Hương về Bắc Giang nói chuyện về phòng tránh xâm hại tình dục. Lúc đó, cháu bé mới biết và đã kể câu chuyện cho cô giáo nghe. "Nếu không có buổi nói chuyện, rất có thể cháu bé tiếp tục bị xâm hại" - bà Hương nói.
Tương tự, cháu bé bị dâm ô dẫn đến gãy răng, tổn thương nhiều nơi, nhưng xem lại camera cho thấy cháu đã lên xe của nghi can, nghi can cũng đi theo cháu bé trong thời gian khá dài. Nếu cháu bé biết cách phòng tránh, hậu quả có thể đỡ đau đớn đi nhiều.
Phòng vệ thế nào?
Theo bà Hương, từng tình huống khác nhau nên có những cách phòng vệ khác nhau, như tình huống đi thang máy, đi ngoài đường, ở nhà hay đi ở những khu vực vắng người. Trong đó, nguyên tắc quan trọng là nhận biết các dấu hiệu để phòng tránh.
1. Khi đi thang máy, phụ nữ và trẻ em gái không nên vào thang máy khi trong thang máy chỉ có một hoặc một số người đàn ông lạ. Nếu phụ nữ và trẻ em gái đã ở trong thang máy một mình, khi có thêm người bước vào mà người đó là đàn ông, phức tạp hơn là người đó có mùi rượu thì nên bước ra khỏi thang máy ngay. Nếu thang đã di chuyển, rất nên bấm ngay tầng gần nhất để bước ra.
2. Khi đi trên đường, nhất thiết không bước lên xe của người lạ. Nếu người lạ đó đi theo để gạ gẫm, khi xe của kẻ gạ gẫm đang di chuyển chậm và có dấu hiệu đe dọa, phụ nữ và trẻ em gái có thể đá vào xe để xe ngã và chạy thoát thân.
3. Khi ở nhà, cha mẹ nên hướng dẫn để các cháu gái biết phòng tránh xâm hại ngay cả với anh trai, anh họ, hàng xóm, người thân quen... Thậm chí ngay cả với bố đẻ, bố dượng, các cháu cũng cần được hướng dẫn để nhận biết bố mẹ yêu thương con cái nhưng đâu là giới hạn.
Bà Hương cũng cho rằng trẻ cần có một chuỗi kỹ năng phòng tránh trong từng tình huống. Về lứa tuổi có thể bắt đầu hướng dẫn trẻ, một bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cho rằng có thể bắt đầu hướng dẫn trẻ về sự khác nhau giữa con trai và con gái khi trẻ lên 3 tuổi. Lúc trẻ 6-7 tuổi có thể hướng dẫn về phòng chống xâm hại... Nếu trẻ được hướng dẫn, các cháu sẽ có kỹ năng phòng tránh những nguy cơ.
Bốn "bí kíp" phòng tránh
Theo ông Nguyễn Hồng Phan - trưởng bộ môn tâm lý giáo dục Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), hành vi xâm hại tình dục trẻ em thường xảy ra nhiều giai đoạn thực hiện, vì vậy điều quan trọng là phụ huynh phải biết cách dạy trẻ cách phòng ngừa ngay từ đầu để có thể tự bảo vệ chính mình.
Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo các bậc phụ huynh nên dạy cho trẻ những kỹ năng phòng tránh xâm hại đơn giản, phù hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức của trẻ qua những "bí kíp" sau:
1 Dạy trẻ về giới tính
Không cho người khác chạm vào các vùng nhạy cảm. Cần dạy cho trẻ nhận biết rằng các vùng nhạy cảm trên cơ thể chỉ là của riêng mình, không cho bất kỳ ai chạm vào, kể cả cha mẹ. Hãy dạy cho trẻ cách từ chối, phản ứng lại nếu có người cố tình động chạm vào cơ thể.
2 Không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác
Giống như việc dạy trẻ tự bảo vệ cơ thể của mình, các bậc phụ huynh cũng nên dạy trẻ chú ý không nên tò mò, chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, nhất là người khác giới để tránh bị lợi dụng dụ dỗ hay vô tình kích thích thú tính của những kẻ xấu.
3 Tránh xa người lạ mặt
Dạy cho trẻ cách tránh xa người lạ mặt, không bắt chuyện hay làm quen với bất kỳ ai mà bé gặp trên đường nếu không có sự đồng ý của cha mẹ. Đồng thời, cha mẹ nên cảnh báo cho trẻ những nguy hiểm có thể gặp phải khi bé đi chơi một mình với người lạ mặt hoặc đi đến những nơi vắng vẻ, những nơi tối tăm, kín đáo.
4 Không cho người lạ mặt vào nhà
Khi trẻ ở nhà một mình, cần dạy trẻ lưu ý an toàn và tuyệt đối không được cho bất kỳ người lạ mặt nào vào nhà. Cũng nên chú ý không cho trẻ đi chơi một mình dù chỉ là sang nhà hàng xóm hay đến nhà người quen mà không có sự theo dõi của cha mẹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận