05/04/2019 07:39 GMT+7

Bảo vệ trẻ trước nạn xâm hại: Chỉnh 'rào chắn', ngăn tội ác

TÂM LỤA - ĐỨC BÌNH - NGỌC DIỆP
TÂM LỤA - ĐỨC BÌNH - NGỌC DIỆP

TTO - Đã có rất nhiều vụ trẻ bị xâm hại tình dục trong thời gian qua chưa được xử lý bởi "chưa đủ" chứng cứ, phải mang nỗi đau âm ỉ cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong khi đó, tội ác xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn ra, ngày càng phức tạp...

Bảo vệ trẻ trước nạn xâm hại: Chỉnh rào chắn, ngăn tội ác - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM nghe nói chuyện về kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đã đến lúc cần "vá" những lỗ hổng luật pháp, quy định nhằm có giải pháp mạnh bảo vệ trẻ em trước những kẻ gây ra tội ác xâm hại tình dục.

"Xâm hại nhưng chưa nghiêm trọng"!?

Đầu tháng 3-2019, một thầy giáo tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có hành vi sờ mó rất nhiều học sinh nhưng công an lại không đủ căn cứ để khởi tố. Theo đó, ngày 1-3, ông Dương Trọng M. (giáo viên chủ nhiệm lớp 5A Trường tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên) đứng lớp dạy phụ đạo cho học sinh. 

Do một số học sinh mất trật tự, ông M. đã véo tai, véo mũi, gí tay vào vai, xoa lưng, vỗ mông một số em. Mặc dù ông M. đã thừa nhận với các phụ huynh là "sờ vào vùng nhạy cảm của học sinh", nhưng đa số phụ huynh cho rằng sự việc chưa đến mức nghiêm trọng và chấp nhận lời xin lỗi.

Khi trả lời báo chí, ông Nguyễn Đại Lượng - phó chủ tịch UBND huyện Việt Yên - cho rằng Cơ quan cảnh sát điều tra chưa đủ chứng cứ chứng minh ông Dương Trọng M. dâm ô học sinh, nhưng đây là các hành vi xâm hại đến thân thể của học sinh. 

Ông M. chỉ bị xem xét kỷ luật và chuyển công tác. Sau khi vụ việc xảy ra, hàng loạt ý kiến đã cho rằng hành vi sờ soạng học sinh của ông M. phải bị xử lý về tội dâm ô chứ không chỉ bị xử phạt hành chính, kỷ luật chuyển công tác.

Tương tự, đang nóng nhất hiện nay là vụ ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - cựu phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng - có dấu hiệu dâm ô bé gái trong thang máy tại chung cư ở quận 4, TP.HCM. 

Thế nhưng khi được hỏi, ông Linh cho rằng mình chỉ "nựng" bé gái đó. Theo các chuyên gia, việc chưa xử lý nghiêm được các đối tượng có dấu hiệu dâm ô với trẻ em là do luật vẫn còn một số điểm cần điều chỉnh. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Cường - nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, TAND tối cao - cho biết thông tư liên tịch 01/1998 của TAND tối cao - Viện KSND tối cao và Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn: dâm ô đối với trẻ em là hành vi như "sờ, bóp... vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp... vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác, nhưng không có việc giao cấu với trẻ em". 

"Tuy nhiên, khái niệm trên đã không còn phù hợp. Vì vậy, việc thầy giáo sờ đùi, sờ mông học sinh lại không thể khởi tố về tội dâm ô vì chưa phải là... sờ, bóp bộ phận sinh dục như khái niệm" - ông Ngô Cường nói.

Bảo vệ trẻ trước nạn xâm hại: Chỉnh rào chắn, ngăn tội ác - Ảnh 2.

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH

Gọi đúng bản chất là tấn công tình dục

Để các quy định chặt hơn nhằm xử lý nghiêm các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em, ông Ngô Cường cho rằng cần quy định tất cả các hành vi sờ soạng lên nạn nhân nhằm thỏa mãn khoái lạc tình dục của mình đều có thể coi là hành vi dâm ô. 

Bên cạnh đó, TAND tối cao, Viện KSND tối cao và Bộ Công an nên sớm hướng dẫn vấn đề này để đáp ứng yêu cầu đấu tranh với loại tội phạm xâm phạm tình dục nói chung và xâm phạm tình dục đối với trẻ em nói riêng đang xảy ra rất phức tạp.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Hoàng Thu Hương - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường - bày tỏ: "Cá nhân tôi cũng giống như mọi người rất tức giận và lo lắng khi chứng kiến những vụ xâm hại trẻ em. Đau đớn ở chỗ không chỉ trẻ em bị tấn công mà nền tảng pháp luật, đạo đức xã hội đều bị thách thức".

Một người thầy tấn công hàng loạt học sinh được dung túng cho qua, rồi một người từng giữ trọng trách trong ngành pháp luật như ông Nguyễn Hữu Linh tấn công tình dục em bé trong thang máy cũng chưa được xử lý. 

"Tôi mong các ban ngành, báo chí và công chúng gọi tên chính xác hành vi này là "tấn công tình dục". Không thể biến báo, tránh né bằng bất cứ cụm từ nào khác như "dâm ô", "nựng", "chạm vào vùng nhạy cảm". Khi hành động sai được dung túng, bao biện sẽ trở thành tiền lệ, nên chỉ khi ta nhìn nhận thẳng thắn, vấn đề mới thực sự được giải quyết" - bà Hương nói.

Bảo vệ trẻ trước nạn xâm hại: Chỉnh rào chắn, ngăn tội ác - Ảnh 3.

Hướng dẫn phòng chống xâm hại cho các học sinh Trường tiểu học Nhuận Đức (Củ Chi, TP.HCM) - Ảnh: Linh Trang

Cùng chung suy nghĩ, nhà báo Trương Anh Ngọc cũng cho rằng phải gọi đích danh là Nguyễn Hữu Linh tấn công tình dục trẻ em trong thang máy, chứ không thể gọi là "nựng". Ở nước ngoài, những người như thế này sẽ bị bắt ngay lập tức và buộc phải giữ khoảng cách với những đối tượng họ quấy rối. 

"Trong bối cảnh quấy rối tình dục xảy ra ở khắp nơi, từ trường học đến chung cư, với những đối tượng tấn công tình dục người khác là thầy giáo, cán bộ viện kiểm sát... mà luật pháp vẫn còn lúng túng với việc xác định tội danh và đưa ra mức xử phạt hành chính thì người dân sẽ rất hoang mang" - nhà báo Trương Anh Ngọc bày tỏ và cho rằng các cơ quan, bộ ngành hãy bắt tay vào thực hiện ngay các giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trước nạn xâm hại tình dục, thay vì chỉ nêu cao khẩu hiệu.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) bày tỏ: Tình trạng dâm ô trẻ em đang rất báo động, hành vi dâm ô cần phải hiểu đúng bản chất và rất cần một án lệ để răn đe, phòng ngừa loại tội phạm này. 

Hiện các cơ quan tố tụng hơi lúng túng khi xử lý hành vi này. Theo các hướng dẫn nghiệp vụ và sách bình luận khoa học hình sự tham khảo thì hành vi dâm ô được mô tả chưa sát với thực tiễn, không đúng bản chất và rất khó để truy cứu loại tội phạm này. 

"Riêng đối với hành vi của người đàn ông sàm sỡ với cháu gái trong thang máy ở quận 4, theo tôi, đã đủ căn cứ để khởi tố về hành vi dâm ô, đề nghị các cơ quan chức năng cần gấp rút vào cuộc và xử lý nghiêm minh loại tội phạm này" - luật sư Hưng nói.

Bảo vệ trẻ trước nạn xâm hại: Chỉnh rào chắn, ngăn tội ác - Ảnh 4.

Nguồn: Bà Lê Thị Kim Oanh (Trung tâm tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên, Hội Luật gia Việt Nam) - Đồ họa: N.KH.

Năm bộ, ngành chống xâm hại trẻ em

Theo một lãnh đạo Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), trong tuần qua bộ đã có liên tiếp 4 cuộc làm việc với 4 bộ ngành để bàn các giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em... Cụ thể, lãnh đạo Bộ

LĐ-TB&XH cho biết năm bộ, ngành sẽ vào cuộc chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới gồm Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Giáo dục - đào tạo, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Trung ương Đoàn và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Vị lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết thêm ngay sau khi thông tin về các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em xảy ra gần đây, lãnh đạo bộ đã chỉ đạo cơ quan LĐ-TB&XH các cấp thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại. 

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới Ủy ban quốc gia về trẻ em sẽ lập các đoàn đi kiểm tra, giám sát tại bộ, ngành, địa phương về thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em; trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục đối với việc hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH - cũng cho rằng để phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cả thầy cô giáo, học sinh trong trường và gia đình, xã hội. 

Thế nhưng theo ông Nam: "Để phòng ngừa rất cần đầu tư về kinh phí để thực hiện. Hiện kinh phí cho công tác bảo vệ trẻ em quá thấp, chưa được các cấp, các địa phương quan tâm. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng là phải giáo dục, trang bị cho giáo viên, học sinh, phụ huynh cả về pháp lý, tâm lý và đạo đức".

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH: Năm 2018, cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với 1.669 đối tượng xâm hại 1.579 em.

Năm 2017, cả nước xảy ra 1.592 vụ, 1.757 đối tượng xâm hại 1.642 trẻ em.

Kinh phí cho công tác bảo vệ trẻ em năm 2019

Bảo vệ trẻ trước nạn xâm hại: Chỉnh rào chắn, ngăn tội ác - Ảnh 5.

Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn:

Người dân Đà Nẵng rất buồn!

Với tư cách là đại biểu Quốc hội, đồng thời là công dân của TP Đà Nẵng, tôi đề nghị cơ quan chức năng cần xác định hành vi đó là gì, khách thể bị xâm hại là đối tượng nào, từ đó áp dụng pháp luật để có phương án xử lý.

Trong vụ việc này, người dân Đà Nẵng rất buồn. Gần đây Đà Nẵng đã xảy ra rất nhiều việc, anh em đang căng sức ra để xử lý. Bây giờ lại thêm vụ việc này chẳng hay ho gì. Không cần hỏi cũng biết tâm trạng mọi người buồn như thế nào, không ai nghĩ lại xảy ra chuyện như thế.

nguyen ba son 1 1(read-only)

Tôi nghĩ không ai tin hành động của ông Nguyễn Hữu Linh là "nựng", nhưng đó là trả lời của họ. Chúng ta tin là tin vào kết luận của cơ quan chức năng. Họ có trách nhiệm làm sáng tỏ việc này. Đó là cơ sở để xử lý. Trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan điều tra, không phụ thuộc vào thái độ của cha mẹ em bé.

L.KIÊN

Bà Lê Thị Kim Oanh (Trung tâm tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên, Hội Luật gia Việt Nam):

Cần âm thầm thu thập chứng cứ

le t kim oanh2 1(read-only)

Để xử lý hành vi phạm tội cần xem xét đến tất cả các mặt từ pháp luật, đạo đức xã hội đến hậu quả để lại. Khi được trẻ báo về việc bị xâm hại tình dục, bố mẹ nên âm thầm thu thập chứng cứ về vụ việc trước khi loan báo thông tin ra bên ngoài.

Vì khi vụ việc vỡ lở, thủ phạm thường có các động thái để xóa dấu vết, che giấu hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, cần đưa trẻ đi giám định, xét nghiệm, giám định vết thương; truy tìm dấu vết lông, tóc, tinh trùng... của hung thủ để lại trên người trẻ.

Bố mẹ cũng cần bí mật lấy dữ liệu camera trước khi thủ phạm xóa mất, hoặc bí mật ghi âm lời nói của thủ phạm. Đặc biệt, cần quan tâm tâm lý của trẻ, bởi nếu bị dâm ô thì hậu quả để lại lớn nhất là ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em sau này.

T.LỤA ghi

Trấn áp tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Ngày 4-4, đại tướng Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công an, có chỉ đạo, yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Chỉ đạo của bộ trưởng được ban hành ngay sau khi xảy ra vụ việc cựu viện phó Viện KSND TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh có hành vi sàm sỡ một bé gái trong thang máy gây bức xúc dư luận.

nh-btxuan3 2(read-only)

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM trong buổi sinh hoạt chuyên đề kỹ năng tự vệ và phòng chống xâm hại cho học sinh - Ảnh: N.HÙNG

Bộ Công an nhận định gần đây tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em có dấu hiệu phức tạp. Thời gian gần đây xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, phức tạp ở nhiều địa phương như bạo lực học đường, hiếp dâm, dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là vụ học sinh 10 tuổi bị xâm hại ở Hà Nội; vụ hiếp dâm tập thể bạn học lớp 10 ở Quảng Trị; vụ bố đẻ hiếp dâm con gái 10 tuổi, 14 tuổi ở Long An, Bắc Giang; vụ nhiều học sinh trung học cơ sở đánh bạn ở Hưng Yên, Nghệ An; vụ cô giáo đánh nhiều học sinh trung học cơ sở ở Bà Rịa - Vũng Tàu... gây dư luận hoang mang, bức xúc trong xã hội.

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý, giảm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ trọng tâm: tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp các ngành chức năng thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phòng chống tội phạm; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, thực hiện "Hướng dẫn công tác phòng ngừa nghiệp vụ; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi"; huy động gia đình, nhà trường, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Công an các đơn vị, địa phương đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Tiếp nhận kịp thời tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; khẩn trương xác minh, điều tra, truy tìm, bảo vệ nạn nhân. Tổ chức các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, phối hợp với viện kiểm sát và tòa án các cấp truy tố, xét xử nghiêm minh một số vụ án trọng điểm để răn đe, phòng ngừa chung.

THÂN HOÀNG

Khởi tố vụ thanh niên nghi dâm ô liên tiếp hai nữ sinh tại Long An Khởi tố vụ thanh niên nghi dâm ô liên tiếp hai nữ sinh tại Long An

TTO - Hai vụ việc có dấu hiệu dâm ô nữ sinh xảy ra tại huyện Cần Đước, Long An đều do một người thực hiện. Công an đã khởi tố vụ án.

TÂM LỤA - ĐỨC BÌNH - NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên