Xem toàn cảnh thông tin về Vinalines
Hơn ai hết, các bộ phải là nơi thấm thía bài học quản lý tập đoàn, tổng công ty, nhất là sau vụ việc Vinashin. Đã gần hai năm trôi qua kể từ khi vụ Vinashin “phát lộ”, đến nay không chỉ Vinalines mà cả Tập đoàn Than - khoáng sản VN, Tập đoàn Điện lực VN cũng có sai phạm (dẫn đến việc xử lý những người đứng đầu tập đoàn), các bộ quản lý ngành vẫn không phải là cơ quan phát hiện vụ việc. Điều này chứng tỏ cơ chế giám sát của bộ chuyên ngành với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thật sự cần xem lại.
Hiện nay, nhiều bộ cùng giúp Chính phủ quản lý DNNN. Nhưng các bộ hầu hết không có bộ phận chuyên trách (trừ Bộ Tài chính), thiếu hoặc không có cán bộ am hiểu về kinh doanh nhưng lại được giao quản lý kinh doanh. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty rất phức tạp, trải trên diện rộng, sử dụng khối tài sản công khổng lồ, hệ thống bộ máy và nhân sự rất lớn, với hàng trăm đơn vị phụ thuộc và liên kết. Các bộ chủ yếu “quản lý” dựa trên báo cáo của các DNNN và vài người được cử tham gia hội đồng thành viên. Kinh nghiệm Vinashin đã cho thấy DN hoàn toàn có thể báo cáo sai, thậm chí không báo cáo, còn những người thay mặt Nhà nước tham gia hội đồng thành viên thì không hề làm tròn phận sự của mình.
Thế nhưng cách quản lý DNNN của chúng ta từ sau vụ Vinashin đến nay vẫn chưa có gì thay đổi. Thậm chí ngay trước khi vụ việc ở Vinalines được công bố, bộ chủ quản vẫn đề xuất đầu tư thêm 100.000 tỉ đồng cho nó. Dường như các bộ vừa chưa ý thức được trách nhiệm của mình, vừa chưa đủ tầm và năng lực quản lý các tập đoàn, tổng công ty đang hoạt động.
Quá trình tái cơ cấu DNNN được đẩy mạnh. Trước mắt, để tránh những “quả bom” kiểu Vinashin, Vinalines, cần có ngay những quy định buộc DNNN phải công khai minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình về hoạt động của mình với các tiêu chí cụ thể. Các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán chỉ là của vài ngàn cổ đông nhưng đã phải thực hiện việc này theo luật định. DNNN thực chất là công ty thuộc sở hữu của trên 86 triệu dân nên cũng phải tuân thủ công bố thông tin như công ty niêm yết, báo cáo tài chính được kiểm toán. Điều này không chỉ giúp cơ quan nhà nước tăng khả năng giám sát, các DNNN tăng trách nhiệm báo cáo và chịu sự kiểm soát. Quan trọng hơn, nó sẽ giúp những “ông chủ” nhân dân thực hiện quyền “dân biết”, theo dõi và lên tiếng, thúc đẩy, đòi hỏi DNNN và các cơ quan chấn chỉnh những hoạt động không hiệu quả, ngăn chặn những sai phạm để đỡ phải bất ngờ xót xa khi nghe tin hàng ngàn tỉ đồng vừa được DNNN... tiêu.
Về lâu dài, cần đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ở những DN mà Nhà nước không cần chi phối, bán hẳn DNNN thuộc lĩnh vực mà Nhà nước không cần tham gia. DN tư nhân hoàn toàn có thể làm hiệu quả hơn DNNN, như thực tế đã chứng minh. Vì vậy, để lành mạnh hóa, tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN, cần dứt khoát công bố và thực hiện nghiêm túc lịch trình thoái vốn tại các DN này để thu hút thêm nguồn lực xã hội, tạo khả năng đổi mới hệ thống quản trị DN và tăng cường sự giám sát của xã hội. Khi đó, Nhà nước tập trung kiểm soát các DNNN còn lại, vừa có thêm nguồn lực đầu tư cho những lĩnh vực trọng yếu như an sinh xã hội, phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, an ninh quốc phòng...
Nghị quyết hội nghị T.Ư yêu cầu đến năm 2015 DNNN sẽ thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành. Với những bài học như Vinashin, Vinalines, rất cần đẩy nhanh và mở rộng diện thoái vốn nhà nước ở những lĩnh vực tư nhân có thể làm tốt. Xã hội hóa đầu tư vào DNNN, giảm mạnh sự tham gia của DNNN trong các lĩnh vực không cần thiết là cách làm cơ bản và hiệu quả nhất để tránh những mất mát như đã xảy ra ở các DNNN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận