30/09/2019 15:51 GMT+7

Tranh cãi trách nhiệm bỏ rác lên xe thu gom thuộc về ai ?

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Sáng 30-9, trên trang facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng, anh N.T.H, một người dân ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã đăng tải hình ảnh những chiếc thùng xốp nằm chỏng chơ dưới lòng đường, mà theo anh H. là do nhân viên thu gop rác quăng bỏ.

Tranh cãi trách nhiệm bỏ rác lên xe thu gom thuộc về ai ? - Ảnh 1.

Ảnh chụp ở quận Sơn Trà - Đà Nẵng được người dân cho rằng nhân viên môi trường đang xả rác- Ảnh: N.T.H

Anh H. (ngụ phương An Hải Bắc) cho rằng: sau khi đổ rác lên xe, công nhân vệ sinh đã vứt lăn lóc các thùng xốp đựng rác của người dân. Hình ảnh trên đã gây xấu phố phường. "Đây là hành động xả rác trở lại của công nhân vệ sinh và tình trạng trên thường xuyên xảy ra trên nhiều tuyến phố", anh H. nói.

Trạng thái trên sau khi được đăng tải lên mạng xã hội, ngay lập tức đã nhận hàng trăm ý kiến tranh luận của người dân Đà Nẵng về trách nhiệm "phải bỏ rác lên xe thu gom" thuộc về ai?.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng cùng ngày, ông Nguyễn Phước Nhiên, giám đốc Xí nghiệp Môi trường quận Sơn Trà (Công ty Môi trường đô thị TP Đà Nẵng) cho biết: nguyên tắc từ trước đến nay là khi người dân thấy xe rác đi qua, có tiếng còi báo hiệu là phải đem rác đổ (bỏ) lên xe.

Công nhân môi trường chỉ có trách nhiệm đẩy rác vào thùng xe và bấm nút cho xe cuốn rác  vào.

"Nhưng nay đời sống người dân càng cao thì họ càng không chịu đi đổ rác. Nhiều nhà cứ để rác trong góc, bên vệ đường, buộc công nhân phải kiêm cả việc lục tìm, lấy rác đi đổ. Trong khi xe vừa di chuyển vừa thu gom rác cho kịp thời gian, dẫn đến các thùng đựng rác không được hoàn trả đúng vị trí là điều dể hiểu" - ông Nhiên nói.

Ông Nhiên cho biết: hiện rất thiếu người làm bởi mức lương chưa đến 400.000 đồng/ngày là quá thấp, nhưng công việc lại nặng nhọc, bẩn thỉu và độc hại nên "không mấy người mặn mà".

Cũng theo ông Nhiên, hiện mức phí thu rác mỗi hộ là 25.000 đồng/tháng. Ông đã nhiều lần đề xuất tăng mức phí lên từ 35-50.000 đồng/tháng. "Có kinh phí sẽ tăng lương, khi đó dịch vụ thu gom rác sẽ làm hết các bước như người dân mong muốn, nhưng kiến nghị trên chưa được chấp thuận".

"Người dân cần thấu hiểu, chung tay với công nhân môi trường, trách nhiệm nhiều hơn với môi trường sống của mình, đừng nghĩ đó hoàn toàn là trách nhiệm của môi trường. Nhiều người không bỏ vào bao, thùng rác mà vứt lộn xộn thì công nhân vẫn dọn"

Ông Nhiên nói

Tranh cãi trách nhiệm bỏ rác lên xe thu gom thuộc về ai ? - Ảnh 3.

Một người dân ở quận Sơn Trà tự giác đưa rác từ nhà ra bỏ tại thùng rác tập trung - Ảnh: ĐĂNG NAM

Trong khi đó theo ông Trần Văn Tiên - Phó tổng giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị TP Đà Nẵng: hiện bình quân mỗi ngày, một xe rác có trách nhiệm phục vụ hơn 10.000 hộ dân. Hai công nhân phải đi bộ hơn 60km, hơn 20.000 lần cúi lên cúi xuống đổ rác và vận hành xe cuốn, ép rác.

"Bỏ rác lên xe thu gom không phải là trách nhiệm của công nhân môi trường. Họ chỉ giúp khi nhà không có người hay người già yếu. Nhưng hiện anh em vẫn phải làm hết các công việc này bởi không có sự chung tay của người dân" - ông Tiên nói.

Thu gom rác thải ở Đà Nẵng: Nhiều bất cập đang lộ ra Thu gom rác thải ở Đà Nẵng: Nhiều bất cập đang lộ ra

TTO - Thời gian gần đây, người dân ở TP Đà Nẵng bức xúc vì nạn rác thải tập kết bừa bãi, tràn ra cả đường phố, khiến môi trường bị ô nhiễm nặng. Nhiều bất cập trong việc thu gom rác tại TP này đang dần lộ ra.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên