Từ sau bộ phim Vô cực, vị đạo diễn tài ba mỗi khi làm phim đều như một cậu thiếu niên bướng bỉnh, có giá trị quan về một thế giới đầy ma thuật nhưng khiến mọi người cảm thấy khó hiểu.
Sự hụt hẫng giữa trông đợi của khán giả và tác phẩm của Trần Khải Ca khiến ông phải chịu nhiều lời chế nhạo, vậy rốt cuộc ông là kẻ tài năng hay là kẻ ngốc?
Trần Khải Ca đã già rồi?
Đối với các đạo diễn khác mà nói, "già" có lẽ không phải chuyện to tát gì cả, nhưng đối với Trần Khải Ca mà nói, đây chính là đòn chí mạng của ông, bởi ông không chịu nhận mình già.
Năm 2017, bộ phim Yêu miêu truyện ra mắt, Trần Khải Ca nói "Tôi luôn ôm ấp trái tim của một thiếu niên đối với điện ảnh", thậm chí ông còn cười nói: "Tôi vẫn còn rất nhỏ", nhưng khi nói đến thời gian trôi mau, ông có vẻ gì đó hoang mang.
Yêu miêu truyện đã làm thỏa mãn mơ tưởng đẹp đẽ của khán giả về đại Đường Thịnh thế mà đạo diễn Trần Khải Ca đã bỏ thời gian 6 năm để xây dựng - Ảnh: HK01
Trần Khải Ca vẫn còn nhớ vẻ mặt hồi 20 mấy tuổi khi đi xem cha đóng phim, sau đó đời của cha đã trôi qua như vậy, giống như làn gió lướt ngang mặt nước, không hề để lại chút dấu vết, bởi thời gian luôn đứng về phía của người trẻ tuổi.
Thời gian cũng đã từng thuộc về Trần Khải Ca, nhưng do Cách mạng văn hóa đã khiến ông bỏ lỡ 10 năm trời, lúc thế hệ đạo diễn đời thứ 5 xuất hiện thì ông đã không còn trẻ nữa.
Khi Trần Khải Ca và Trương Nghệ Mưu làm bộ phim Hoàng thổ, một người 32 tuổi; một người 34 tuổi, Trần Khải Ca thời đó vô cùng rạng rỡ, tự tin.
Năm 35 tuổi, Trần Khải Ca làm bộ phim Hài tử vương, địa vị bậc thầy của ông trong giới điện ảnh Hoa ngữ đã khá vững chắc, đến khi bộ phim Bá vương biệt cơ (1993) đoạt giải thưởng Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes, ông vừa bước vào ngưỡng cửa 40, đang ở đỉnh cao sự nghiệp.
Thời đó, e rằng không ai ngờ đến, sau này sẽ xảy ra chuyện gì, càng không ai ngờ bộ phim Bá vương biệt cơ lại trở thành tuyệt tác của điện ảnh Hoa ngữ.
Không ai nhớ, bộ phim Bá vương biệt cơ năm xưa suýt đã không thể công chiếu ở Trung Quốc, càng không ai nghĩ đến việc: "Tại sao lại không làm ra thêm một bộ phim hay như Bá vương biệt cơ?".
Lư Vỹ - nhà biên kịch của Bá vương biệt cơ nói: "Lúc đó, tôi như rơi vào ảo giác, cảm thấy chúng tôi như đang đặt bước khởi đầu. Nhưng, tôi không ngờ đó lại là điểm kết thúc của thời đại chúng tôi".
Nảy sinh tính sân si của người đời
Bước vào giai đoạn giao thoa, đối mặt với đủ loại thử thách và thị trường cạnh tranh, Trần Khải Ca bước vào tuổi 50 cũng đã từng có thời gian hoang mang.
Năm 2000, Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An đạt thành công vang dội, Trần Khải Ca đã chịu cú đả kích rất lớn, ông vội vàng sang Hollywood một chuyến và cho ra đời bộ phim tình cảm bị "ném đá" Đam mê chết người.
Năm 2002, Trương Nghệ Mưu cho ra đời bộ phim thương mại được đầu tư hoành tráng Anh hùng, thu về 250 triệu CNY doanh thu phòng vé, một lần nữa khiến Trần Khải Ca sốt ruột.
Trương Nghệ Mưu vốn là đối thủ cạnh tranh ngang tài ngang sức của Trần Khải Ca, 3 năm sau đó ông bèn cho ra mắt bộ phim đầu tư bom tấn Vô cực, kết quả lại nhận được nhiều lời chê bai, dù đạt doanh thu phòng vé cao nhất trong năm, nhưng cũng chỉ được 180 triệu CNY.
Trần Khải Ca đã từng chất vấn bản thân: "Lúc làm phim Hoàng thổ, tôi 32 tuổi, công việc rất thuận lợi, năm 40 tuổi đoạt giải Cành Cọ Vàng, nhưng không ngờ lại dần dần nảy sinh tính sân si của người đời. Con người sợ nhất là nảy sinh vong niệm, một khi nảy sinh vong niệm thì làm chuyện gì cũng hỏng".
"Sự bạo lực của mỹ học"
Sau bộ phim Vô cực, Trần Khải Ca quay lại với đề tài lịch sử vốn là sở trường của ông, lần lượt cho ra đời Mai Lan Phương và Triệu thị cô nhi, công tâm mà nói hai bộ phim này là những tác phẩm điện ảnh đáng xem.
Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ bộ phim Mai Lan Phương, Trần Khải Ca dường như trở thành người chỉ có thể làm được "nửa bộ phim", phần mở đầu và nửa phần đầu của bộ phim vô cùng hoành tráng rực rỡ, nhưng đến nửa phần sau bộ phim, dù là tình tiết hay không gian đều đột ngột thay đổi, không còn giữ được phong độ, thậm chí khán giả còn không hiểu rốt cuộc ông muốn nói đến điều gì.
Năm 2002, Trần Khải Ca từng làm một bộ phim có chi phí đầu tư tầm trung, đề tài về hiện thực cuộc sống mang nhan đề Muốn được bên em, tác phẩm này có đề tài tình cảm nhẹ nhàng, đã khiến không ít người xem cảm động, thậm chí một số khán giả còn nhận xét đây là bộ phim hay nhất của Trần Khải Ca chỉ sau Bá vương biệt cơ.
Tuy nhiên, đoạn cuối của bộ phim Muốn được bên em vẫn còn chút cảm giác "khiên cưỡng", để khẳng định và ca tụng "tinh thần thiếu niên", để làm nổi bật sự so sánh giữa "thiếu niên" và "thành niên", Trần Khải Ca đã để nhân vật chính bỗng chốc rời khỏi cuộc sống hiện thực, bay lên thiên đường của chủ nghĩa lý tưởng.
Theo nhà biên kịch Lư Vỹ, cách xử lý như vậy là "đầy khiếm khuyết kịch bản, trong phần kết, ông không làm theo yêu cầu của tình tiết kịch bản, ông đã đi chệch hướng".
Thật ra, từ hồi bộ phim Hoàng đế và thích khách (1998), tờ Nam Phương đã từng phê bình cách xử lý không màng tình tiết, chỉ cần tạo không gian và định hướng giá trị quan của Trần Khải Ca.
Tờ báo đã dùng cụm từ gọi là "Sự bạo lực của mỹ học", Trần Khải Ca đã dùng cách đi ngược thường thức, đi ngược yếu tố lịch sử, đi ngược nhân tính cơ bản để xây dựng giá trị quan và ngữ cảnh mỹ học.
Trần Khải Ca vừa theo đuổi nhiệt huyết thanh xuân vừa theo đuổi sự sâu sắc nặng nề, điều này không khéo đã biến thành kẻ tâm thần phân liệt.
Tuy nhiên, đối diện với người trẻ tuổi, thái độ của Trần Khải Ca rất khiêm tốn: "Vương Tiểu Soái, Lộ Học Trưởng, Giả Chương Kha, những phim họ làm tôi đều xem qua, còn có cả Ninh Hạo nữa, tôi đều đang học hỏi họ".
Dù sao thì Trần Khải Ca cũng là bậc "tiền bối", là bậc thầy trong giới điện ảnh Hoa ngữ, mỗi khi làm phim vẫn rất khó khống chế bản thân, không thể từ bỏ suy nghĩ và lý lẽ của mình.
Có 2 loại giá trị quan, đối với Trần Khải Ca mà nói đã ăn sâu vào trong suy nghĩ, một là sự chín chắn, nghiêm túc trong suy nghĩ, sự yêu thích đối với mỹ học Đông phương và cảm giác thê lương vốn sẵn có trong xương tủy.
Mặt khác, chính là sự tiếc nuối đối với "tuổi trẻ". Trong mắt ông, tuổi trẻ có nghĩa là mới mẻ, tuổi trẻ đại diện cho sức sáng tạo, tuổi trẻ có thể làm được nhiều việc. Tuổi già, đại diện cho tất cả những thứ trái ngược với những điều đó.
Dù sao Trần Khải Ca cũng đã 66 tuổi, ông có yêu cầu bản thân phải giữ được trạng thái trẻ trung thế nào chăng nữa thì cũng có khoảng cách nhất định với lớp trẻ 9x đời cuối, 00 đời cuối.
Người trẻ tuổi đã sớm nhìn thấu được điểm này, họ đã bày tỏ suy nghĩ của mình một cách rất thẳng thắn: "Những thứ thuộc sở trường của đạo diễn đời thứ 5, đại vận mệnh của lịch sử, chúng tôi không quay lại được, chúng tôi đang sống trong một thời đại chỉ chú trọng đến cảm nhận cá nhân".
Có lẽ, bản thân Trần Khải Ca vẫn không muốn thừa nhận điều này: "Những thứ mà người trẻ tuổi bây giờ thích, ông thật sự không làm được".
Năm 2015, khi bộ phim Đạo sĩ hạ sơn vừa kết thúc buổi công chiếu đầu tiên, lập tức bị gán mác "Brokeback Mountain phiên bản võ lâm dân quốc", tình chiến hữu giữa Quách Phú Thành và Trương Chấn mà đạo diễn xây dựng bị đông đảo khán giả hiểu lầm là cặp đồng tính, thậm chí biến thành điểm gây cười cho bộ phim.
Trần Khải Ca từng thẳng thắn thừa nhận, bản thân rất có hứng thú làm phim về người đồng tính, thậm chí ông đã dùng một cách ví von, gọi là "kẻ ngốc như trâu", chính là muốn nói bản chất thật ra là kẻ ngốc, chính vì ngốc nên đã đạt đến cảnh giới cao nhất.
Trong phim Bá vương biệt cơ, nhân vật Trình Điệp Y chính là người như vậy, "không điên không sống nổi", là một kẻ đại ngốc, Trần Khải Ca vô cùng yêu thích nhân vật này, nên mới có câu nói: "Tôi chính là Trình Điệp Y".
Bản thân Trần Khải Ca thật sự biết rất rõ, muốn trở thành một kẻ có tài, nhất thiết phải có đủ sự ngu ngốc, vấn đề là một khi đã biết rõ thì sẽ không quay đầu được nữa.
"Con người sau khi trưởng thành, tự nhiên sẽ thỏa hiệp và chấp nhận, chỉ có thiếu niên là không chấp nhận, không thỏa hiệp, luôn phản đối, phản kháng", Trần Khải Ca muốn chứng tỏ bản thân khác với tất cả mọi người trên thế gian này chăng?
Tuy nhiên, đáng tiếc là cho đến nay sự thật đã chứng minh, cho dù là một Trần Khải Ca vĩ đại một thời của điện ảnh Hoa ngữ, cuối cùng vẫn giống như tất cả những người khác sống trên thế giới này, con người cuối cùng vẫn không cách nào chiến thắng thời gian.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận