14/10/2013 12:03 GMT+7

Trận chiến lịch sử

QUỐC VIỆT lược thuật
QUỐC VIỆT lược thuật

TT - “Chúng ta đã nhìn thấy rõ ánh sáng cuối đường hầm”. Tướng bốn sao Henry Navarre từng được tin tưởng như thế khi thay tướng Salan giải quyết “bãi lầy” chiến trường Đông Dương mà quân Pháp đang lún sâu.

Chính thủ tướng Pháp khi ấy là Joseph Laniel cũng hào hứng trước quốc hội đang lo lắng: “Kế hoạch tướng Navarre không chỉ được Chính phủ Pháp mà đồng minh Mỹ ủng hộ. Chúng ta hi vọng ...”.

FPuPoeFp.jpgPhóng to
Tướng Pháp thị sát Điện Biên Phủ - Ảnh tư liệu

Kỳ 1: Vị khách đặc biệt Kỳ 2: Sainteny và tướng Võ Nguyên Giáp Kỳ 3: Đường đến Điện Biên Phủ

Tướng Võ Nguyên Giáp sẵn sàng thử lửa với Navarre.

“Ván bài” cuối của Navarre

Tướng Navarre bay đến Sài Gòn ngày 19-5-1953 và hôm sau đã nôn nóng ra Hà Nội, gặp tướng Salan. Gần như lập tức ông ta điều binh khiển tướng ở ngay bộ tư lệnh. Ba vị tướng từng thực chiến là Gambiez được bổ nhiệm tham mưu trưởng, Lauzin làm tư lệnh không quân và vị trí nóng bỏng là tư lệnh quân đội Bắc kỳ trao cho Cogny. Các tướng cũ của Salan như Linarès, Chassin bị hất khỏi cờ thế Navarre.

Trong hồi ký Đông Dương hấp hối mà phần lớn nội dung dành cho trận Điện Biên Phủ (ĐBP) và biện minh nguyên nhân thua cuộc, Navarre kể tình hình chiến trường bi đát lúc ông mới sang: “Quân đội Pháp đối mặt với tình hình tồi tệ ngày càng tăng dần, phải chiến đấu với một quân đội cực kỳ cơ động, linh hoạt, được trang bị ngày càng khá và tinh nhuệ hơn...”. Navarre đánh giá trong khi quân Việt Minh mạnh lên, quân cơ động Pháp ngày càng phân tán, xé nhỏ, còn quân đồn trú chỉ chống lại được du kích xâm nhập và thua sút hẳn đối thủ chính quy đã trang bị nhiều bazoka, pháo không giật. Hàng loạt chiến dịch lớn nhỏ từ thời tướng Valluy đến De Lattre, Salan đều thất bại hoặc không đạt mục tiêu.

Chuẩn bị đối chiến với tướng Giáp, Navarre ngoài thay đổi tổ chức còn nỗ lực tăng cường quân viện từ nước Pháp đến lực lượng bản địa. Một loạt cuộc động binh quy mô từ đầu hè năm 1953 ở khắp chiến trường châu thổ, vùng cao Bắc bộ, miền Trung, Tây nguyên và thượng Lào...

Hồi ký Navarre kể trước tin tình báo quân chủ lực Võ Nguyên Giáp tập trung vùng thượng du Bắc bộ để chuẩn bị các chiến dịch lớn, ông ta quyết định mở màn ĐBP. Cuối tháng 11-1953, Pháp không vận sáu tiểu đoàn dù đánh chiếm ĐBP. Quân viện còn được tăng cường từ lực lượng đồn trú Lai Châu và châu thổ lên.

Đặt cược sinh mệnh quân đội Pháp ở Đông Dương, Navarre tung hết bài vào ĐBP để “so găng” tướng Giáp. Cao điểm chiến dịch, Pháp tung 16 tiểu đoàn lính tinh nhuệ, gồm bảy tiểu đoàn dù không vận, hai đơn vị pháo 105 li, một khẩu đội 155 li, một phân đội xe tăng và các phân đội thuộc những binh chủng và lực lượng phục vụ. Riêng không quân tham chiến có 227 chiếc, gồm 48 chiếc B26, tám chiếc Privateers và 112 chiếc khu trục ném bom... Trong đó nhiều máy bay do Mỹ viện trợ.

Một tập đoàn cứ điểm hùng hậu mọc trong lòng chảo Điện Biên gồm cụm trung tâm quanh đường băng sân bay gồm năm cứ điểm Claudine, Huguette, Anne Marie, Dominique, Eliane. Ở phía đông bắc và bắc cách trung tâm 2-3km là hai cứ điểm Gabrielle và Béatrice bảo vệ trung tâm từ hướng quân tướng Giáp có thể tấn công mạnh và giữ khoảng trời an toàn cho máy bay cất hạ cánh. Các trận địa pháo mạnh nhất Isabelle được bố trí phía nam cách cụm trung tâm 7km để hỗ trợ hỏa lực phòng thủ. Lực lượng dự bị gồm ba tiểu đoàn và một chi đoàn xe tăng sẵn sàng gần cụm trung tâm. Mỗi cứ điểm được bảo vệ thêm bởi rào kẽm gai dày 50-75m...

Navarre khẳng định ĐBP là hệ thống phòng thủ mạnh nhất, chưa hề có ở Đông Dương. Các tướng lãnh Pháp và cả tướng Mỹ O’Daniel thăm ĐBP trước chiến sự đều rất hài lòng và tin tưởng.

dTMDSRKM.jpgPhóng to
Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1954 - Ảnh tư liệu

Không có gì để tả, ngoài hỏa ngục...

Tài liệu tình báo của tướng Navarre nắm được đến ngày 13-3-1954, tướng Võ Nguyên Giáp có 33 tiểu đoàn chính quy vây ĐBP. Pháo binh có một trung đoàn 75 li gồm 20 khẩu, một trung đoàn 105 li 20 khẩu và rất nhiều súng cối. Có bốn tiểu đoàn phòng không nhẹ với 100 khẩu đại liên 12,7 li và nhiều pháo cao xạ 37 li...

Không chỉ đề cao lực lượng dân công khổng lồ dùng sức mình tiếp vận lương thực, vũ khí cho chiến trường, một yếu tố quyết định mà quân đội chuyên nghiệp Pháp không thể có được, Navarre còn thẳng thắn ca ngợi nghệ thuật hành quân của tướng Giáp: “Quân Pháp biết chắc nhiều trận địa pháo đối đất và đối không đã được đối phương chuẩn bị, nhưng Việt Minh ngụy trang tuyệt hảo đến mức chỉ có rất ít trận địa bị phát hiện trước chiến sự. Việt Minh đã bảo vệ các trận địa pháo của họ tốt đến mức khả năng phản pháo của không quân và pháo binh Pháp thật sự khó khăn”.

Trong hồi ký, Navarre nhiều lần lặp lại hỏa lực pháo binh hiệu quả của quân ông Giáp chính là yếu tố bất ngờ nhất chiến dịch. “Việt Minh đã tiến hành nghệ thuật sử dụng pháo rất khác biệt với thông thường. Các khẩu đội được tháo rời, phân tán, đưa vào trận địa bằng cách vác vai đến các vị trí họ quan sát trực tiếp được mục tiêu bắn. Pháo được giấu kín vào hầm, từ đó điều chỉnh bắn thẳng vào mục tiêu qua lỗ châu mai hoặc bên ngoài hầm. Khi quân Pháp phản pháo, chúng lại được kéo vào trong. Mỗi trận địa pháo đều có cụm pháo cao xạ mạnh bảo vệ”.

Có thể số liệu tình báo Pháp không hoàn toàn khớp với quân đội VN, nhưng kết quả chiến sự thất bại nối tiếp thất bại là điều Navarre phải cay đắng thừa nhận. Viên tướng bại trận ngậm ngùi kể đêm 13 rạng 14-3-1954, quân ông Giáp tấn công mạnh hai cứ điểm Béatrice và Gabrielle. Chỉ sau vài giờ chiến đấu, Béatrice vỡ. “Lý do cứ điểm của tiểu đoàn lính lê dương thiện chiến trấn giữ bị thất thủ vì tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó và người chỉ huy khu vực bố phòng chết ngay trong đợt pháo kích đầu”. Quân Pháp phản pháo thiếu sự hướng dẫn chính xác nối tiếp các cuộc phản công thất bại. Đêm 14 rạng sáng 15, bi kịch tiếp diễn với cứ điểm Gabrielle. Nỗ lực phòng thủ bị đập tan. Quân ông Giáp tràn ngập cứ điểm ...

Navarre tuyệt vọng nhìn ngày tàn ĐBP. Ngay từ đầu, thế trận liên hoàn trong hỗ trợ ngoài, ngoài bảo vệ trong đã bị bẻ gãy. “Lớp bảo vệ phía bắc và đông bắc bị vỡ. Hỏa lực pháo binh, cao xạ của đối phương áp sát cứ điểm trung tâm”. Điều đó có nghĩa sân bay, thế mạnh vượt trội của Pháp, không còn nằm ngoài hỏa lực Việt Minh. Navarre kể 36 máy bay Pháp bị bắn hạ và phá hủy trên mặt đất, 150 chiếc trúng đạn.

Ngày 14-3, ba tiểu đoàn dù được tung ra tái chiếm, lại thất bại. Trong quyển Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm, trung úy Erwan Bergot tái hiện nhiều hình ảnh bại trận: “Pháo Việt Minh tác xạ vào Béatrice lúc 17g15 và dài suốt hai giờ. Quân lê dương không còn gì để tả ngoài hỏa ngục... Những tiếng nổ trút xuống Béatrice như thác lũ, kéo dài không ngừng nghỉ... Chỉ nhìn thấy những gương mặt nhăn nhúm, méo mó với ánh mắt đờ đẫn... Hầm hố thành gò đống vùi dập cả người và vũ khí... Điệp báo lo lắng gọi liên tục: Béatrice, Béatrice, chuyện gì đã xảy ra?... Béatrice đây! Chết hết cả rồi!”.

Các cứ điểm ĐBP nối tiếp đổ vỡ. Navarre cuống cuồng kêu gọi viện quân giải vây, thậm chí xin không quân Mỹ hỗ trợ. Nhưng ngày 7-5, lá cờ đỏ sao vàng đã cắm lên cứ điểm chỉ huy cao nhất của quân đội Pháp ở ĐBP.

QUỐC VIỆT lược thuật
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên