Kỳ 1: Vị khách đặc biệt Kỳ 2: Sainteny và tướng Võ Nguyên Giáp
Phóng to |
Vĩnh biệt Tướng quân, Tuổi Trẻ xin đăng lại bức ảnh gây nhiều cảm xúc này. Đó là năm 1950, trong chiến khu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghe Người dặn dò trước khi bước vào một chiến dịch lớn. Lúc này, đường đến trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ của quân dân VN không còn xa... - Ảnh: Vũ Năng An |
Sự lo lắng của tướng lĩnh Pháp
Sử gia Georges Boudariel, nhân chứng cuộc kháng chiến chống Pháp của người VN, trong cuốn Giap xuất bản tại Paris kể lại rằng: chính cuộc gặp Leclerc đã góp phần giúp ông Giáp tính toán được lực lượng Pháp đang chuẩn bị đổ bộ: “Một đoàn hộ tống danh dự gồm 200 ôtô gắn súng máy, xe tăng, xe xích, súng cối, xe jeep, xe chở người và quân trang, quân dụng sẽ lên đường về Hà Nội”.
Trong lúc đó, sức mạnh quân Việt Minh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tướng Võ Nguyên Giáp cũng không ngừng phát triển. “Binh lính Việt Nam... đã thành lực lượng được huấn luyện và trang bị ngày càng tốt dần, thấm nhuần tinh thần chiến đấu sâu sắc. Hiển nhiên họ có một ảnh hưởng không thể chối cãi được với những nghị quyết chính trị...”. Mùa đông năm 1946, tướng Valluy, tạm quyền cao ủy tại Đông Dương thay đô đốc D’Argenlieu về Paris, đã gửi mật điện cho chính phủ. Đội quân thiếu thốn vũ khí, mới hình thành ở núi rừng VN đã nhanh chóng là đối thủ đáng gờm của Pháp.
Ngày 8-12-1946, đô đốc Barjot cũng gửi cảnh báo: “thủ lĩnh quân nổi dậy ở Nam kỳ” là Nguyễn Bình đề nghị ông Võ Nguyên Giáp quyết liệt kháng chiến ở Bắc kỳ. Và ông Giáp trả lời ngay “tất cả mặt trận Nam bộ sẽ nhất tề tiến công cùng một lúc ngay khi Pháp tấn công Hà Nội”. Barjot đã nhìn thấy đội quân ông Giáp sẵn sàng “một cuộc nổi dậy trên cả hai mặt trận đang sửa soạn, trên mặt trận Bắc kỳ và Nam kỳ”.
Barjot cũng đề cao Võ Nguyên Giáp trong nỗ lực xây dựng quân đội dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những nỗ lực phi thường và tài của Giáp chỉ trong vòng một năm thôi mà đã xây dựng thành công một quân đội có khả năng làm chỗ dựa vững vàng cho một chính sách không nhân nhượng chút nào đối với nước Pháp. Bộ chỉ huy Pháp có ý thức được sức mạnh của quân đội VN trước khi vào một cuộc thử thách vũ lực hay không? Ngoài ra khi nhận chĩa mũi nhọn thử thách vũ lực vào Bắc kỳ, Bộ chỉ huy có thỏa thuận để lại ở Nam kỳ những di căn của chiến tranh du kích hay không?”.
Nhiều phân tích của tướng lĩnh Pháp chỉ rõ quân đội Việt Minh năm 1946 đã vượt trội hơn hẳn các cuộc kháng chiến Cần Vương trước đây, nhưng phe chủ chiến Pháp vẫn lăm le khai chiến. Ngày 14-12-1946, ủy ban liên bộ Đông Dương triệu tập một cuộc họp nghe đại tá Le Puloch, phái viên tướng Valluy, trình bày “triển vọng chiến tranh” cũng như những lời biện bạch gượng gạo. Đến cuộc họp này, Le Puloch cũng là “tai mắt” của Valluy để thăm dò tình hình chính phủ mình. Bằng lời lẽ sặc mùi chiến tranh, viên đại tá thực dân nêu rõ phải coi quân đội VN là thù địch và phải thông đường Hà Nội - Hải Phòng, huyết mạch không thể thiếu một ngày trong nỗ lực đổ bộ lực lượng Pháp vào Bắc kỳ.
Mặc dù nội các Pháp có ý kiến khác nhau về quan điểm ngoại giao pháo hạm của quân viễn chinh, nhưng phe chủ chiến Đông Dương đã lao vào cuộc thử thách sức mạnh với quân của tướng Giáp. Tướng Morlìere, chỉ huy quân Pháp ở Hà Nội, đã ném thêm lửa vào ngôi nhà sắp cháy khi cho rằng: Chính phủ VN không lùi bước, Pháp cũng không thể chấp nhận yêu sách của VN, “cuộc xung đột lộ rõ không thể tránh được”...
Sức mạnh của đội quân
Và trước thái độ khiêu khích lẫn hành động bạo lực của quân Pháp, lửa chiến tranh đã nổ ra. Mặc dù áp đảo hẳn về kinh nghiệm tác chiến lẫn sức mạnh hỏa lực không quân, pháo binh, tăng thiết giáp, nhưng quân Pháp đã sững sờ ngay trong giờ đầu tiên khai chiến với Việt Minh ở Hà Nội. Sự kiêu ngạo “sẽ nhanh chóng chiếm Hà Nội sau 24 giờ” của các tướng lĩnh Pháp đã trả giá đắt trong trận chiến tổng lực đầu tiên với quân ông Giáp mùa đông năm 1946.
Lần đầu tiên trong lịch sử xâm lược VN, quân Pháp đã thử lửa với cuộc chiến đấu tổng lực lẫn du kích đô thị sẵn sàng quyết tử của người Việt. Trước đội quân không đủ súng đạn, trang bị thêm gậy gộc, giáo mác, nhưng lính Pháp phải lê lết từng bước trong cuộc chiến 60 ngày ở Hà Nội. Xe tăng bốc cháy, máu lính dù đổ khắp đường phố. Cuối cuộc chiến, tuy Việt Minh rời Hà Nội, nhưng đó là cuộc rút lui chiến lược bảo toàn lực lượng kháng chiến.
Đầu tháng 10-1947, quân Pháp lại điều hỏa lực pháo binh, tăng thiết giáp và thả lính dù xuống Bắc Kạn, đánh úp quân ông Giáp để tiêu diệt và bắt giữ các lãnh đạo cao cấp. Valluy lại một lần nữa đánh giá sai tài dụng binh của tướng Giáp. Cuộc hành binh Lea thất bại, hành binh Ceinture nối tiếp đến tận cuối tháng 12 vẫn chẳng bắt được lãnh đạo Việt Minh nào. Tướng Giáp đã điều quân di chuyển liên tục trong núi rừng để phân tán và bẻ gãy gọng kìm sức mạnh tập trung áp đảo của quân Pháp.
Từ đây, đội quân tướng Giáp vào thế tấn công du kích lẫn tổng lực và liên tiếp thu được thắng lợi. Cũng theo tư liệu của Cecil B. Currey, năm 1952, Joseph R. Starobin, một đảng viên cộng sản Mỹ, được đến thăm trại chỉ huy của tướng Giáp. Ông đã ngạc nhiên trước một vị tướng có bề ngoài nhỏ bé, điềm đạm, mặc đồ kaki không cấp hiệu, huân chương trong một cái lán bằng tre. Vị tướng, vừa đập tan cuộc hành binh Lorraine với hơn 30.000 lính Pháp ở Tây Bắc, đã nhẹ nhàng nói về sức mạnh quân đội mình: “Đó là sức mạnh tổng lực của quân dân mà người Pháp không thể có được khi phải điều lính canh giữ những người áp tải quân nhu hành binh. Trong khi người dân VN luôn tình nguyện hết mình cho bộ đội Việt Minh chiến đấu...”.
Nhiều tướng lĩnh Pháp được cử sang VN đối chiến với tướng Giáp. Sau Valluy, sau Salan lại đến Navarre và chiến địa Điện Biên Phủ đã mở ra, sẵn sàng cho trận đánh lịch sử.
Trong quyển Victory at Any Cost: The Genius of Vietnam’s Gen. Vo Nguyen Giap (bản dịch tại VN Chiến thắng bằng mọi giá của Nguyễn Văn Sự), sử gia người Mỹ Cecil B. Currey kể cuộc đối mặt đặc biệt của tướng Giáp: sau những xung đột dọc biên giới Việt - Trung mùa hè năm 1946, đặc phái viên Pháp Jean Albert Emile Crépin đến làm việc với Võ Nguyên Giáp tại văn phòng ông ở Hà Nội. Đó là ngày 6-8, viên đại diện Pháp sau những lời xã giao hoa mỹ đã giở giọng đe dọa: “Nếu các ông cứ giữ cách cư xử như thế, chắc chắn chiến tranh sẽ nổ ra”. Cecil B. Currey kể trước thái độ hăm dọa đó, Võ Nguyên Giáp đang ngồi bên bàn làm việc, đã vươn người về phía trước và đáp trả Crépin bằng một giọng chậm rãi, điềm tĩnh: “Ông biết rõ sự thật nào đằng sau các vụ nổ súng đó, và lính Pháp phải chịu trách nhiệm với các sự kiện đó. Chúng tôi đã nhiều lần chứng tỏ thiện chí của mình. Nếu các ông muốn hòa bình thì sẽ có hòa bình. Còn nếu không, các ông muốn chiến tranh thì sẽ có chiến tranh”. |
______________
Kỳ cuối: Trận đánh lịch sử
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận