03/08/2006 05:07 GMT+7

Trần Bạch Đằng - cuộc đời và ký ức: Tháng ngày trôi dạt

TRẦN BẠCH ĐẰNG
TRẦN BẠCH ĐẰNG

TT - Ba mẹ tôi sinh tất thảy bảy người con, song hầu hết anh chị tôi mất sớm, còn lại người chị thứ ba và tôi là út. Vì lý do chính trị - cha tôi thuộc xu hướng dân tộc chủ nghĩa, từng ở tù vì xu hướng ấy, mặc dù, theo tôi hiểu sau này, ông rất ôn hòa - chính quyền thực dân cho phép gia đình chúng tôi định cư mỗi tỉnh không quá năm năm, vì lý do sinh sống, chúng tôi trôi dạt khắp Nam bộ.

fUHyJnLV.jpgPhóng to
TT - Ba mẹ tôi sinh tất thảy bảy người con, song hầu hết anh chị tôi mất sớm, còn lại người chị thứ ba và tôi là út. Vì lý do chính trị - cha tôi thuộc xu hướng dân tộc chủ nghĩa, từng ở tù vì xu hướng ấy, mặc dù, theo tôi hiểu sau này, ông rất ôn hòa - chính quyền thực dân cho phép gia đình chúng tôi định cư mỗi tỉnh không quá năm năm, vì lý do sinh sống, chúng tôi trôi dạt khắp Nam bộ.

Giấc mơ “an cư” của mẹ

Ở Bến Bạ (quận Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá), mẹ tôi nấu rượu bán cho người Miên hoặc cho chú Phồi, một Hoa kiều quanh năm chỉ mặc chiếc quần lỡ gối lưng vận, ở trần, chủ tiệm chạp phô ngay đầu xóm. Tôi nhớ nồi rượu vì hai lẽ. Mỗi khi nấu xong, mẹ tôi thưởng tôi một tô hèm trộn chuối chát và đường tán. Bây giờ thì tôi không ăn được món ấy, nhưng khi tôi bằng tuổi cháu ngoại tôi hiện nay thì đó là món ăn ngon.

Lẽ thứ hai, phức tạp hơn: một hôm, giữa lúc mẹ tôi đang canh nồi rượu, tôi ngồi cạnh bà, nhìn giọt rượu chảy vào chai để chờ được tô hèm thì một người Miên - vẫn thường mua chịu rượu - hớt hải chạy đến báo tin: tào cáo sắp vào khám... Tôi chưa đánh giá hết độ nguy hiểm của “tào cáo” - miền Bắc gọi là Tây đoan. Còn mẹ tôi, bà quýnh quáng dụi lửa, bưng cả nồi, ống trấm quăng xuống xẻo. Ông người Miên giúp mẹ tôi chuyển nguyên cái khạp đựng men, long qua xẻo, giấu dưới biền. Tôi khóc đòi ăn hèm. Nhưng, tôi nín liền, nép vào mẹ tôi: lão Tây tào cáo lỗ mũi đỏ lưỡng đã sục vào nhà, cùng một số người nữa dùng chiếc batoong chọc vào lu hũ, thúng gạo và xì xồ khá lâu trước bếp lửa tuy đã dụi mà vẫn còn rất nóng.

Tôi soát lại trí nhớ và rõ là mẹ tôi chưa một lần dạy tôi yêu nước. Chưa một lần bà nói cái gì thuộc về chính trị với tôi. Thỉnh thoảng, bà kể cho tôi nghe về gia tộc tôi - ông cố tôi, ông nội tôi, ông chú tôi, những người cho bà niềm hãnh diện: ông cố tôi làm phó tướng cho Nguyễn Tri Phương, ông nội tôi là tri phủ Nam triều “treo ấn từ quan”, ông chú tôi là nghè. Bà làm dâu trong một gia đình như thế - chưa bao giờ dám ngồi đối mặt với cha chồng - nhưng bà không phàn nàn một câu. Tất nhiên, bà hãnh diện vì cha tôi: một người giỏi chữ Nho, không chịu làm việc cho “nhà nước Pháp”, cắp cây dù và cuốc bộ, trong chiếc áo dài đen đến tiệm thuốc Bắc coi mạch cho toa, đôi khi xa nhà hàng chục cây số.

Năm 1942, bà phát hiện những lần vắng nhà bất thường của tôi, những cuộc gặp gỡ của tôi với bạn bè. Bà không một lời ngăn cản mặc dù tình cờ tôi vẫn bắt gặp bà thở dài...

Tôi rời nhà năm 1942. Lần đó, tôi không còn trở lại sống cạnh mẹ tôi nữa - lâu lâu tạt về thăm bà, chỉ có thể ở nhà vài hôm thôi. Trước khi đi, tôi trồng một gốc ổi cạnh giếng - chiết từ một cây ổi ngon ở nhà thằng bạn. Mẹ tôi tiễn tôi bằng cặp mắt lo âu và lời dặn dò: “Coi chừng coi đỗi nghe con!”. Dẫu sao, tôi chưa quá tuổi vị thành niên - vừa 16. Tháng 3-1945, tôi ghé nhà, đó là lần ghé nhà chót của tôi: bà hái mấy quả ổi, tự tay xẻ, ngồi nhìn tôi ăn. Suốt đời, không bao giờ tôi quên được cái nhìn của mẹ.

Năm 1949, tôi rơi vào tay giặc. Mẹ tôi tìm tôi qua các khám giam mà không sao tận mặt tôi. Tháng 11 năm đó, bà đến chợ Giồng (Gò Công) tìm tôi, đúng vào hôm sau ngày chúng tôi vượt ngục.

Ba năm sau, chúng tôi - tôi và vợ tôi - gặp lại bà. Bà đã về Giồng Riềng ở với chị tôi. Chúng tôi mang cho bà đứa cháu nội mà bà ao ước.

Năm 1954, hòa bình chỉ thoáng qua. Tôi ra chiến khu. Vợ tôi cũng vậy. Hoàn cảnh bí mật không cho phép chúng tôi sống chung với mẹ. Ngay việc gửi gắm con tôi, chúng tôi cũng giấu bà. Một lần, bà đến thăm hai cháu, chúng đã được tổ chức đưa đi xa, rất xa. Bà khóc tắt tiếng. Và từ đó, vĩnh viễn mẹ tôi không nhìn được con trai, dâu và cháu nội lần nào nữa, dù mẹ tôi cố sống đến tận năm Mậu Thân.

Tôi nhớ mẹ tôi có một ao ước: được ở yên nơi nào đó. Cho đến khi mất, ao ước đơn giản của bà không đạt được.

Biên Hòa: kỷ niệm vào đời

Năm 1931, nếu tôi nhớ không lầm, chúng tôi đến Biên Hòa. Chúng tôi: ba tôi, một nhà nho; mẹ tôi, một phụ nữ lao động; và tôi, chú bé 5 tuổi đầu. Ba tôi thuộc xu hướng Thiên địa hội - sau này tôi mới biết. Khi gia đình tôi chuyển lên Biên Hòa, ba tôi nổi tiếng khắp quận vì ông “tẩy chay” các phương tiện đi lại, chuyên đi bộ từ làng Tân Phú xuống tận Sài Gòn và trở về, trong chiếc áo the đen...

Ông bị thực dân kết án “tù biệt xứ” - không được ở một chỗ. Chúng tôi rời cái xẻo heo hút của tỉnh Rạch Giá chính vì đã đến hạn ba tôi phải chuyển đến chỗ khác.

Chúng tôi trú ngụ trong một ngôi chùa nhỏ ngó ra sông Đồng Nai. Ba mẹ tôi làm mướn cho chủ chùa - một ông thầy cúng, theo cách nói phổ thông. Ông thầy cúng từ đâu đó xiêu dạt tới đây, lấy vợ sinh con và hành nghề tụng kinh cho các đám ma, đám kỵ kèm luôn nghề bán nhang. Công việc của ba mẹ tôi không nhẹ nhàng: hằng ngày hai người phải thay nhau dùng chân cật lực kéo đẩy một dao cầu bằng sắt trên một chiếc thuyền tán cũng bằng sắt, nghiền nát những thỏi trầm hương và mạt cưa để cho ra bột nhang.

Đời sống chúng tôi vất vả. Tôi cảm thụ cái đó qua bữa cơm; thường tôi ăn chưa no.

Cám cảnh khổ của chúng tôi đồng thời phục ba tôi là “người làm quốc sự”, bà Sáu Thiếp bảo gia đình tôi dọn về nhà bà, một ngôi nhà ngói ba căn hai chái, nền đúc, có vẻ gia tài của cha ông để lại cho bà.

Về chỗ mới, mẹ tôi in ngói mướn. In ngói tức là nhồi đất sét, ôm cục đất khá nặng đập vào cái khuôn gỗ đã rải một lớp tro, dùng chân đạp tém các mí đất, dùng cần cung dây thép cắt đất, trút viên ngói ra sân. Mẹ tôi bắt đầu in khi mặt trời lặn và độ 9, 10 giờ đêm thì xong phần khoán, lối 200 viên. Bà lại tranh thủ nấu một nồi xôi để sáng hôm sau gánh đi bán. Từ đó, người trong làng gọi mẹ tôi là bà Ba Xôi và tôi là con bà Ba Xôi. Ba tôi làm một nghề “trí thức” hơn: viết liễn. Ông có hoa tay và viết đại tự rất đẹp.

Tôi học lớp đồng ấu ở Trường Tân Phong, cũng nhờ bác Bảy: tôi không có khai sinh, bác cho mượn khai sinh của thằng Hổ. Nếu học bạ Trường Tân Phong niên học 1934 - 1935 mà còn, có tên tôi: Phạm Văn Hổ. Thầy giáo - thầy Giá - tuy mặc Âu phục trắng song đi dạy bằng chiếc xe song mã, tự thầy cầm cương.

Tôi học không đến nỗi tồi, nhưng phải rời Trường Tân Phong bởi một “sự cố” buồn cười. Giờ ra chơi, tôi cầm một cái “yoyo”, thích thú biểu diễn trước bạn bè. Con thầy giáo, cùng lớp với tôi, giật cái “yoyo” và từ trên thềm nó vụt mạnh vào đầu tôi. Không nhịn, tôi chụp cái “yoyo” và cũng vụt mạnh vào trán nó. Điều nguy hiểm cho tôi là đầu tôi tuy u song được mái tóc che, còn trán của thằng con ông thầy lại có một cục bầm to tướng.

Thầy giáo chẳng hỏi chẳng rằng, khi tôi ngồi vào bàn, hầm hầm xông tới, thẳng cánh tát tôi. Để tự vệ, tôi thụp tránh, thầy tát trật tôi nhưng lại trúng bình mực, mực nhuộm lem bộ quần áo Tây của thầy. Càng nổi nóng hơn, thầy chụp cây thước bảng và tôi khôn vong, co giò phóng ra khỏi trường, phóng một mạch về nhà… Tôi bị đuổi. Tên Phạm Văn Hổ không còn được học Trường Tân Phong nữa.

Ba tôi “chuộc” khai sinh cho tôi. Một tên Tiệu chết trẻ không khai tử, cùng lứa tuổi mà cũng trùng họ với tôi được gán cho tôi và tôi mang tên đó cho đến hết bậc sơ học.

Trong ký ức, cái hiện lên rõ, dù đã gần nửa thế kỷ qua, là những buổi diễn thuyết của các chiến sĩ đệ tam quốc tế tại Gò Dê. Mỗi ngày tôi phải lội bộ chừng năm cây số từ nhà đến Trường Bến Cá, mang theo mo cơm nhồi của mẹ, bữa ăn trưa của tôi. Thường chúng tôi đi thành bộ ba: Quảng (Nam Phòng), Huệ và tôi. Con đường đá rợp bóng sao cao vút, trước khi đến ngã ba Bình Ý thì có một lối mòn băng tắt qua Cái Gò - rừng chồi, mả lạng, nơi người ta thả dê ăn.

Tại “tam kỳ lộ” đó, đảng bộ cộng sản vùng Phước Vĩnh Hạ dựng một giàn cao, treo băng cờ. Các cuộc mittinh diễn ra tại đây khá thường, khi thì người tại chỗ nói, khi thì rước các anh dưới Sài Gòn lên. Dân chúng đứng nghe chật cả gò. Thỉnh thoảng, chúng tôi chen vào nhìn, chủ yếu là vì thấy lạ. Quảng hiểu hơn tôi và Huệ - mãi sau này tôi mới biết ông già của Quảng là đảng viên.

Tôi học lớp nhất, Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ. Phong trào vùng Phước Vinh Hạ không mạnh, tuy cũng trống mõ, cũng cướp nhà làng Tân Phú, Thiên Tân trong đêm.

Mấy hôm sau, làng lính kéo về khủng bố. Ba của Quảng bị bắt. Nhiều người khác cũng hoặc bị bắt hoặc phải lánh mặt. Thầy Thời gọi tôi lên bàn viết, nói thật nhỏ:

- Em đốt tập vở của em đi!

Đó là tập vở 100 trang gồm các bài viết “quốc sự” - thật ra là các bài văn thơ yêu nước chung chung của nhóm học sinh chúng tôi mà do khiếu về văn và sử, tôi được anh em đề cử như cái mà bây giờ chúng ta gọi là tổng biên tập! Tôi mang tập vở ra sau vườn đốt, đốt và tiếc hùi hụi.

Bài học vỡ lòng bao giờ cũng sống dai dẳng trong chúng ta, nó quyết định hướng đi cho cả cuộc đời. Biên Hòa giữ vai trò như vậy trong tôi. Cho nên không ngẫu nhiên khi tập thơ đầu tay của tôi mang tên Theo sóng Đồng Nai và quyển tiểu thuyết đầu tay của tôi - Chân dung một quản đốc - lấy bối cảnh chính ở Biên Hòa.

--------------------

(*) Trích Trần Bạch Đằng - cuộc đời và ký ức (NXB Trẻ). Tựa lớn và tựa nhỏ trong loạt bài do Tuổi Trẻ đặt.

“Tôi yêu thế hệ trẻ vì tôi yêu tuổi trẻ của chính tôi” - ông viết vậy khi nhớ lại cái thuở ban đầu hồn nhiên và vụng dại của chính mình. Lý do hoạt động cách mạng sớm của ông cũng “thô sơ”: lớn lên vào buổi mất nước, “gia đình tôi như thế, tôi phải như thế, không khác được...”.

Kỳ tới:Bước vào lò luyện thép

TRẦN BẠCH ĐẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên